Muốn chống tham nhũng phải công khai, minh bạch

Muốn chống tham nhũng phải công khai, minh bạch
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng, công khai, minh bạch là vấn đề cốt lõi nhất của chiến lược phòng chống tham nhũng, bởi càng công khai, minh bạch, càng kiểm soát được tình hình, nhất là công khai hoạt động của bộ máy nhà nước...

Việt Nam: Chỉ 6% dân số không chấp nhận tham nhũng ?

Một trong những "thách thức" mà Chính phủ VN cần giải quyết trong công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) là tỷ lệ người dân chấp nhận tham nhũng, hối lộ rất cao. Theo một cuộc điều tra, chỉ 6% dân số VN không chấp thuận tham nhũng. Trong khi ở Thụy Điển, tỷ lệ này là gần 70%!

Thống kê được Phó Đại sứ Thụy Điển đưa ra tại cuộc đối thoại lần 2 về PCTN giữa các cơ quan VN và các đối tác phát triển, trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) được tổ chức ngày hôm nay (3/12) tại Hà Nội.

Phó Đại sứ Thụy Điển  Lennart Nordstrorm cho rằng, đây chính là một "thách thức" với công cuộc PCTN của VN, nước đứng thứ 126 trên thế giới về minh bạch và cạnh tranh. "Chính phủ VN cần hành động để thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của người dân vào cuộc chiến này", ông nói.

Nhiều quan điểm cho rằng, việc quy định người tố cáo tham nhũng phải nêu tên và địa chỉ của mình là điều đáng lo ngại. TS. Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và ác vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân cũng nói, người tố cáo hành vi tham nhũng có nguy cơ trả thù rất cao.

Ông Cử kiến nghị, không công khai danh tính người đi tố cáo, khi chưa đủ điều kiện để bảo vệ tính mạng và nhân phẩm của người đó.

Theo VietnamNet

Bên lề cuộc “Đối thoại về chống tham nhũng năm 2007" do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng BCĐ TƯ về phòng chống tham nhũng phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức cùng cộng đồng các nhà tài trợ, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí.

- Xin Tổng Thanh tra cho biết vai trò của xã hội trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng năm vừa qua?

-  Sau khi có Luật Phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản dưới Luật để hướng dẫn thi hành. Cụ thể, đã ban hành 8/10 văn bản, dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ ban hành tiếp hai văn bản nữa là Nghị định chuyển đổi cơ chế công tác và Đề án kiểm soát thu nhập.

Các văn bản liên quan đến việc kê khai tài sản, thẩm tra, xác minh, công khai tài sản của cán bộ, công chức .. đang được tập huấn để triển khai thực hiện. Công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng kể cả các hoạt động, thanh tra, kiểm toán đã được sự chỉ đạo ráo riết.

Hiện cả nước có trên 400 vụ, việc được đưa vào diện cần xem xét , giải quyết. Trong 8 vụ trọng điểm, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp xem xét, đưa ra xét xử 5 vụ, còn lại 3 vụ từ nay đến tháng 12 sẽ đưa ra xét xử.

Trong quá trình này lại tiếp tục phát hiện và khởi tố thêm 7 vụ việc quan trọng nữa. Hiện đang tiến hành nghiên cứu thụ lý khoảng 5, 6 vụ nữa. Dư luận cho rằng sự chỉ đạo, xử lý của Chính phủ, Trung ương và các địa phương là hết sức nghiêm, có tác dụng răn đe tốt.

Vừa qua, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của rất nhiều tổ chức quốc tế, cũng như các nước trong khu vực và các nước Châu Á . Có thể nói chúng ta đã có thêm một là lực, hai là sự đồng thuận của xã hội, ba là kinh nghiệm bước đầu để làm việc này.

Chúng ta cũng đã quan tâm đến việc xây dựng thể chế về vai trò của xã hội. Đi liền với việc chuẩn bị ban hành Nghị định 47 của Chính phủ, bên Mặt trận cũng có Đề án về việc nâng cao vai trò của các tổ chức của Mặt trận và đoàn thể trong đó việc giám sát khu dân cư. Nhờ đó đã phát hiện được nhiều hành vi tiêu cực của một số cán bộ, công chức.

Cũng trong năm qua, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhận được 7.000 – 8.000 đơn khiếu nại, tố cáo cán bộ, công chức, Thanh tra Chính phủ cũng đã xử lý hơn 4.000 đơn, thư.

Tất cả những vụ việc này đã được triển khai thanh tra và kết luận để xử lý kịp thời. Bước đầu tạo được khí thế trong nhân dân là phản ánh, phát hiện, báo cáo với cơ quan của Đảng, Chính quyền về các hành vi có liên quan đến tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức.

Gần đây, chúng ta thấy đã nổi lên phong trào giáo viên và nhân dân phản ánh tiêu cực trong vấn đề giáo dục. Nhiều vụ, việc báo chí phanh phui hoặc cơ quan chức năng đi vào điều tra, phát hiện, xử lý ở Hà Tây, Bạc Liêu… đều nhờ vai trò của nhân dân, của những người trong cuộc…

- Những điểm mấu chốt trong Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 mà Thanh tra Chính phủ đang xây dựng? Điểm gì sẽ được xác định là khâu đột phá?

- Trung ương có Nghị quyết Trung ương III, Chính phủ cũng có trách nhiệm xây dựng Chiến lược để thực hiện Nghị quyết Trung ương III từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Đây là một chương trình hành động mang tính chiến lược và tương đối dài hạn, tập trung vào những vấn đề lớn, cơ bản.

Trong đó, lớn nhất là vấn đề công khai, minh bạch. Đây là vấn đề cốt lõi nhất, xương sống nhất của chương trình này. Bởi vì càng công khai ,minh bạch, càng kiểm soát được tình hình, nhất là công khai hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai những việc mà công chức nhà nước phải làm, và bắt đầu từ nay công khai minh bạch cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...

Đây là một việc lớn không chỉ trước mắt mà còn phải làm rất kiên trì và lâu dài, bằng nhiều giải pháp.

Thứ hai là, trong chiến lược này đã tính đến vấn đề phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Sắp tới đây phải xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của xã hội, của công dân.

Đặc biệt là phải làm cho người dân ý thức được trách nhiệm, có những việc làm thiết thực và đủ dũng khí, dám chịu trách nhiệm để phát hiện và phản ánh những vấn đề có liên quan đến tham nhũng.

Thứ ba là, theo Thủ tướng thì trong tiến trình này còn một vấn đề quan trọng không kém là phải tiếp tục cải cách chế độ tiền lương. Đây là vấn đề rất quan hệ đến việc phòng ngừa và chống tham nhũng. Vì nói cho cùng thì cán bộ công chức nhà nước phải có nguồn sống tương đối ổn định để yên tâm làm việc mà không vướng phải sai sót, khuyết điểm.

Với chế độ tiền lương hiện nay còn rất hạn hẹp nên đời sống cán bộ công chức rất khó khăn. Chúng ta không hy vọng rằng dùng tiền lương để giải quyết mọi thứ nhưng tiền lương sẽ là động lực để thôi thúc cán bộ công chức cống hiến nhiều hơn, làm việc tốt hơn và tự giữ được mình một cách tích cực hơn.

Trong chiến lược có nhiều vấn đề, tôi cho rằng những vấn đề trọng tâm là như vậy

-  Cách đây hai năm, Thụy Điển có tài trợ một Dự án do Ban Nội chính Trung ương thực hiện về nhận diện tình trạng tham nhũng ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tiến hành cũng khẳng định tính đúng đắn của kết quả điều tra này.

Trong điều tra đó có nêu lên những lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất Việt Nam, đặc biệt là trong 10 lĩnh vực thì có cảnh sát kinh tế, thuế, hải quan. Từ đó đến nay, các cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam đã làm gì để những lĩnh vực này không còn xảy ra tham nhũng nặng nề như vậy?

- Chúng ta có rất nhiều nghiên cứu, không riêng gì Ban Nội chính Trung ương. Có thể nói tại tất cả các cơ quan nhà nước đều có đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này. Ví dụ: Quốc hội, Văn phòng Chính phủ… Nói chung, hiện nay chống tham nhũng phải chống ở nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực nhạy cảm, những lĩnh vực rất quan trọng cần phải tập trung. Chính phủ đã xác định trước hết phải giữ trong sạch lực lượng cảnh sát.

Vì vậy, trong năm vừa qua, chúng ta đã có các giải pháp để tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của cảnh sát, đặc biệt là cảnh sát trên lĩnh vực giao thông thông qua các biện pháp quản lý và bằng những điều lệnh, quy chế cụ thể. Hoặc ở lĩnh vực thuế và hải quan, cũng đã triển khai rất nhiều biện pháp để quản lý cán bộ, công chức, đã phát hiện và xử lý khá nhiều trường hợp.

Như vậy, bước đầu đã xác định được ý thức trách nhiệm và thiết lập được cơ chế để quản lý, kiểm soát cán bộ, công chức, xử lý được không ít các hành vi tiêu cực, để mang tính ngăn ngừa.

Theo Thủ tướng nói thì trọng tâm sắp tới sẽ hướng vào hai loại lực lượng: một là lực lượng công an cần tiếp tục được xiết chặt hơn. Thứ hai là các cơ quan tư pháp, nhất là tòa án thì phải được kiểm soát chặt chẽ hơn.

- Thanh tra Chính phủ vừa có một đề tài khoa học, có đề xuất là khoan hồng đối với những trường hợp tham nhũng xảy ra trước khi có Luật Phòng, chống tham nhũng và nghiêm khắc hơn đối với những hành vi xảy ra sau. Đề xuất này được dựa trên cơ sở nào?

- Đây là đề xuất nên chưa thể bình luận được vì cái nào đã ban hành thì chúng ta sẽ bàn. Đây mới là ý tưởng. Ý tưởng này cũng xuất phát từ thực tiễn và từ quan niệm truyền thống “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.

Những người ngoan cố, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật và có hành vi che dấu thì chúng ta phải nghiêm trị đến cùng. Còn ngược lại, người ta đã nhận thức được lỗi lầm, đã có hành vi phục thiện, ăn năn thì chúng ta phải thể hiện được tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng.

Những người có hành vi tham nhũng nhưng thấy mình sai, báo cáo với tổ chức và khắc phục hậu quả, không làm tổn hại đến tiền của của vật chất và nhân dân thì chúng ta cần khoan hồng, thậm chí chúng tôi mạnh dạn kiến nghị chỉ xử lý kỷ luật đến mức nào đó thôi chứ không phải truy cứu trách nhiệm nữa…

- Trong lĩnh vực tham nhũng hiện nay thì có nhiều loại hình tham nhũng mới, ví dụ như tham nhũng qua hình thức rửa tiền trên thị trường chứng khoán hoặc hình thức tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức gia tăng. Vậy hiện nay các lực lượng phòng, chống tham nhũng đã có chiến lược hay hình thức nào để chống lại những loại tham nhũng này chưa?

- Hiện nay có nhiều hình thức tham nhũng mới, hay nói cách khác là kinh tế - xã hội phát triển theo chiều hướng như thế nào thì các hình thức tham nhũng cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng ấy. Vấn đề quan trọng là chúng ta nhìn thấy được để tìm cách ngăn ngừa và xử lý.

Vừa qua, trên lĩnh vực cổ phần hóa đã đạt được một số kết quả tốt, từ chỗ có nhiều doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả, sau khi cổ phần hóa đã làm ăn có hiệu quả.

Nhưng chính trên lĩnh vực này cũng xuất hiện rất nhiều tiêu cực, trong đó quan trọng nhất là việc định giá tài sản nhà nước, phát hành cổ phiếu chưa minh bạch. Thủ tướng đã nêu chủ trương là phải chấn chỉnh việc này, phải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng phải phải làm chặt chẽ, công khai hơn….

Thị trường chứng khoán mở ra là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Nhưng mở thị trường này ra, chúng ta cũng thấy ngay là còn có nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng, khó kiểm soát .

Vì vậy, vừa qua, Chính phủ đã lập ra một Ủy ban giám sát để giám sát chặt chẽ trong lĩnh vực này. Năm 2007, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra một số tổ chức cổ phần hóa. Từ năm 2008 Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức thanh tra ráo riết vấn đề này

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG