Bộ Y tế sửa khái niệm sữa:

Muốn minh bạch với người dùng, giúp nông dân

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Ngày 13/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hội thảo liên ngành về dự thảo sửa đổi khái niệm sữa (QCVN 5-1:2010/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng ) - vấn đề “nhập nhèm sữa bột, sữa tươi” mà Tiền Phong liên tục phản ánh.

Theo dự thảo, “sữa tiệt trùng” được chia thành 3 khái niệm: “Sữa hoàn nguyên” (làm từ sữa bột; thành phẩm gần như sữa tươi), sữa pha lại (sản xuất từ sữa bột) và sữa hỗn hợp (gồm sữa bột và sữa tươi). Sữa tươi chia thành: “Sữa tươi nguyên chất” (không bổ sung vi chất), “sữa tươi” (có thể bổ sung đường, hương vị hoa quả...) và “sữa tươi tách béo” (cho người ăn kiêng).

Ông Lê Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho rằng: Quy chuẩn hiện hành góp phần ổn định, phát triển ngành sữa trong suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận quy chuẩn gây nhầm lẫn; “cứ sữa dạng lỏng là người tiêu dùng hiểu đó là sữa tươi”. Ông Phong khẳng định, lần sửa đổi này cần đạt 3 mục tiêu: Minh bạch với người dùng; ủng hộ cho ngành chăn nuôi và phù hợp quốc tế.

Hầu hết chuyên gia, nhà quản lý và các hãng sữa (TH True MILK, Sữa Quốc tế, Cô gái Hà Lan, Mộc Châu...) đồng tình với dự thảo. Ông Trần Hùng – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại nhận định: “Để 5 năm mới minh bạch là chậm; các bà mẹ nuôi con đã bị ảnh hưởng quá lâu”. Bà Thái Hương, Chủ tịch TH true MILK cũng nói: “Các nhà khoa học đều biết nhưng không hiểu sao, các anh quên lâu thế?”. Thay vì thận trọng (như văn bản gửi các cơ quan báo chí gần đây), Chủ tịch Hiệp hội sữa Trần Quang Trung cho rằng việc sửa đổi là cần thiết và nói rõ: Thời điểm ban hành quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, ông chưa làm Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (chức vụ của ông Trung trước khi nghỉ hưu).

Điểm chưa thống nhất cao là có hay không nên dùng khái niệm “sữa tươi” hoặc chỉ sử dụng một khái niệm sữa tươi chung (thay vì chia ra 3 như dự thảo). Cụ thể, đại diện Vinamilk đề nghị chỉ sử dụng một khái niệm “sữa tươi”, thay vì nhiều khái niệm như dự thảo.

Ông Lê Thanh Phong giải thích: Các hãng sữa, trong đó có Vinamilk sản xuất nhiều sản phẩm sữa tươi bổ sung đường hoặc nước hoa quả... Sản phẩm này không phải là “sữa tươi nguyên chất” nhưng cần gọi là “sữa tươi” để người dùng phân biệt và “các hãng sữa bán được sản phẩm”. Có ý kiến cho rằng, loại sản phẩm này nếu không gọi là “sữa tươi” sẽ bị xếp vào “sữa hỗn hợp” và sự nhập nhèm giữa sữa bột và sữa tươi lâu nay không được giải quyết.

“Cần sử dụng khái niệm “sữa tươi nguyên chất”, “sữa tươi” để người tiêu dùng dễ nhận biết và phát triển nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, sữa tươi là công cụ quan trọng để ngành sữa cạnh tranh với nước ngoài (khó đưa sữa tươi đến Việt Nam để bán - PV)” – Ông Tống Xuân Chinh - Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT.

MỚI - NÓNG