Mưu sinh trên rác

Mưu sinh trên rác
TP - Trời vừa chạng vạng, những chiếc xe chở rác từ TP Pleiku nối đuôi nhau đổ về bãi rác. Đám người nãy giờ ủ rũ bỗng xô nhau ùa tới làm lũ ruồi nhặng bay náo loạn.

Kẻ cào, người bới. Không găng tay cũng chẳng khẩu trang, chỉ có đôi  mắt luôn mở to hau háu nhìn vào đống rác vừa đổ mong gạn chắt được chút gì.

Mưu sinh trên rác ảnh 1
Những đứa trẻ tại bãi rác

Mảnh đất trống phía sau thành phố khuất sau bạt ngàn cao su (thuộc xã Iabang, huyện Đắc Đóa, tỉnh Gia Lai) được quy hoạch  làm nơi xử lý rác cho toàn thành phố. Hằng ngày, rác từ tứ phía đổ về chất đống.

Ở đây ngoài lũ ruồi nhặng có thể chịu đựng cái mùi hôi nồng nặc này còn có hàng chục con người đã gắn chặt cuộc đời mình với rác rưởi. Có cả người dân tộc (chủ yếu là dân tộc Gia Jai) có cả người Kinh từ vùng khác tới.

Đưa tay xua lũ ruồi đương bu kín ống quần, anh KLor (52 tuổi) tâm sự: “Công việc bẩn thỉu này mà nuôi sống cả nhà tui đó. Ruộng nương thì không có”.

Hai đời vợ, KLor có 15 con. Nhà không có ruộng nương gì, làm thuê thì cũng phải có mùa vụ. Theo bố tới đây nhặt rác, mấy đứa nhỏ còn đi học cũng tranh thủ hè, dịp nghỉ để “ra đây kiếm tiền mua sách”.

KLor nháy mắt “Phải an ủi vậy chứ nhiều khi tụi bạn chọc ghẹo nó cũng tự ái lắm”. Ngoài bố con KLor, ở đây, còn có chín lều dựng lên với hai gia đình.

Căn lều ọp ẹp dựng bằng mấy mảnh bạt rách của nền đất nham nhở. Ngoài vài mảnh rá, rổ đen nhẻm, mấy mảnh ván dựng làm giường chẳng lành lặn. Bất chợt cơn mưa đổ xuống phả tới tấp vào mấy mảnh bạt chắn.

Trườn mình trên đống rác, anh Kiên nói như đuổi: “Các cô muốn hỏi gì thì hỏi rồi đi, đứng đây nhiều sinh bệnh lúc nào không biết đó”. Anh cho biết ở đây rất nhiều người bị nhiễm bệnh, nhiều nhất là bệnh bại liệt và các bệnh về hô hấp. “Chẳng ai đi khám nên cũng chẳng biết mình mắc những bệnh gì nữa chỉ thấy nhiều người đau, chết vì thế”.

Lớn lên từ rác

Đủ mọi lứa tuổi tìm tới đây để bới rác, nhưng hùng hậu nhất thuộc về lớp trẻ khoảng từ 4 – 16 tuổi. Trời vừa ngớt cơn mưa, đám con nít đã đổ xô ra bãi rác để tiếp tục công việc.

Đống rác lúc này đã bị nước mưa nén xuống nên phải dùng mấy que tre để bới lên. Nhưng cũng có đứa chẳng cần que gì, cứ ấn mạnh đôi tay của mình xuống và móc rác lên.

Khi được hỏi về việc thích ứng với công việc này như thế nào, Blum (12 tuổi) cười: “Mấy ngày đầu mới tới em ốm mất một tuần. Nhưng làm lâu rồi cũng phải quen thôi”. Nói xong Blum ho sặc sụa, mặt đỏ au, tay không chịu ngừng bới đống rác.

Bảy chị em PleiMlong bới rác ở đây được năm năm. Bố mẹ là  người dân tộc Gia Jai, làm thuê nhưng không đủ nuôi chín miệng ăn. Đứa em út của em hai tuổi nhưng để ở nhà cũng chẳng có ai chăm nên đưa nó theo kiếm thêm được cái gì hay cái đó.”- MLong tâm sự.

Rim mới học lớp một, nhưng nhà nghèo không có tiền nộp học  lại không có sách vở nên cũng theo bạn lên đây nhặt rác. Rim khoe: “Đi nhặt rác như ri nhiều lúc còn thích hơn đi học. Có tiền mua gạo khỏi phải ăn lá mì”.

Bleng hất mặt về phía con nhỏ: “Đồ ngốc. Đi học phải sướng hơn chứ. Tao mà được đi học tao sẽ trở thành bác sỹ sau tụi bay bị bệnh tao khám miễn phí cho”.

Cả bọn cười vang. Tiếng cười lẫn vào trong thứ mùi hôi nồng nặc của rác. Rồi tất cả lại hối hả chạy về lều lo phân loại rác để giao hàng còn kịp đón chuyến xe tiếp…

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.