Mỳ tôm

Mỳ tôm
TP - Hai trận lụt lịch sử nửa đầu tháng 10 chưa xong, miền Trung lại đối mặt với trận mưa lớn diện rộng từ giữa tuần này. Lại giật mình với những gì vừa trải qua…

Một trong những hình ảnh thân thuộc nhất truyền từ vùng lũ là các thùng mì tôm. Đằng sau thùng mì tôm là tấm lòng thơm thảo của đồng bào cả nước mong người đang sống trong cảnh màn trời chiếu nước có cái gì đó để ăn liền.

Để ý thì thấy các cảnh trao các thùng mì tôm cho người dân ngập lũ đều như đi trên dây. Rủi tròng trành hay lỡ trớn là té, là ướt. Ướt quần ướt áo không sao, nhưng ướt cái thùng mì tôm mà hộp toàn giấy carton dễ thấm nước thì mần răng đây.

Gần nhau còn đỡ cho nhau. Khó hơn chút là đứng từ xa vài mét quăng thùng mì tôm lên mái nhà. Khó hơn nữa, thả mì tôm từ trực thăng. Phải là nghệ sỹ xiếc trung ương may ra mới thực hiện trọn vẹn người quăng, thả và kẻ hứng không làm rơi thùng mì tôm nào xuống mênh mông nước xiết, đục ngầu.

Chưa hết, lấy được mì tôm rồi thì sao? Nước ngập làng quê trắng toát, gió mưa sập đổ mái nhà, cách chi có được nước sôi để được ăn liền mì tôm đây? Sao không thấy ai, báo đài nào, quay cảnh bà con thi công gói mì tôm để đưa vào miệng “3-5 phút sau khi dội nước sôi lên” nhỉ?

Thế mà có báo làm tít rơi lệ “Cho tôi mì tôm với, cháu nó mấy ngày chưa gì bỏ bụng”, tả cảnh đoàn truyền hình và đoàn cứu trợ “vượt gần 20km trên sông Ngàn Sâu lên các địa phương…trắng xóa nước, chỉ còn sót lại những nóc nhà chưa bị ngập hết mái, hàng trăm người đứng trên mái nhà vẫy tay gọi cứu trợ”.

Hàng trăm hàng ngàn đoàn cứu trợ ùn ùn về vùng lũ. Cảm động thay truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Nhưng gần đây, hầu như năm nào cũng điệp khúc cứu trợ mì tôm cho những nơi mưa lụt tang thương như rứa, thứ thiên tai đâu hiếm ở nước ta?

Nước mắt rơi, cái tình đi trước thường dễ đẩy trôi cái lý. Đã bao giờ chúng ta làm một cuộc điều tra tổng thể hoặc tham khảo quốc tế xem nhu cầu thực sự của bà con vùng lũ là gì và cần cứu trợ khẩn cấp cái gì chưa? Nếu rồi, tại sao không chuyển chẳng hạn lương khô và nước uống, cơm nắm và muối vừng, buộc chặt vào túi nilon, thứ mà người lơ lửng trên cây hay chông chênh giữa chóp mái nhà có thể cho ngay vào bụng được khi quanh họ toàn là thủy thần?

Chả cần bắt chước Chính phủ Chile phải tham vấn Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhõn chuyện thực đơn món ăn cứu trợ cho 33 thợ mỏ Chile nằm sâu gần 700 m dưới lòng đất gần 70 ngày. Song, cái mà chúng ta, những con dân nước Việt với truyền thống “lá lành đùm lá rách” cần và nên làm có lẽ là suy nghĩ thật kỹ cứu trợ những gì mà bà con cần chứ không phải những gì mà chúng ta có sẵn.

Lụt to lại lo to nhưng cũng có mặt được là giúp chúng ta có dịp học thay đổi cách nghĩ, cách làm thay vì cứ ngỡ lúc nào chúng ta cũng đúng.

MỚI - NÓNG