Năm 2015, GDP đầu người đạt 2.000 USD

Năm 2015, GDP đầu người đạt 2.000 USD
TP - Sáng 18-1, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khoá X Trương Tấn Sang đã đọc báo cáo tiếp thu, giải trình của đoàn Chủ tịch về ý kiến thảo luận của các đại biểu đối với các văn kiện Đại hội XI của Đảng.

> Danh sách Ủy viên dự khuyết ban chấp hành T.Ư khóa XI

Theo đó đã có 1.402 lượt ý kiến phát biểu ở đoàn và 27 ý kiến phát biểu tại hội trường. “Không khí thảo luận sôi nổi, có trao đổi, tranh luận. Nội dung các ý kiến rất phong phú, thẳng thắn, tâm huyết” - Ông Trương Tấn Sang nói.

Ngày 18-1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các đại biểu thảo luận đóng góp ý kiến và bỏ phiếu thông qua các văn kiện của Đại hội XI. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc họp. Trong ảnh: Các đại biểu tại Đại hội Ảnh: TTXVN
Ngày 18-1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các đại biểu thảo luận đóng góp ý kiến và bỏ phiếu thông qua các văn kiện của Đại hội XI. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc họp. Trong ảnh: Các đại biểu tại Đại hội. Ảnh: TTXVN.

Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Giải trình về ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, hay như vấn đề vừa xác định các thành phần kinh tế bình đẳng, cùng phát triển lâu dài, lại vừa xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là mâu thuẫn, ông Trương Tấn Sang cho biết: 

Vấn đề này đã được các nhiệm kỳ đại hội, nhất là các khóa VIII, IX và X không ngừng bổ sung, phát triển, làm rõ dần. Đây là quá trình vừa làm, vừa tìm tòi, đổi mới hoàn thiện. Trong Báo cáo Chính trị và Chiến lược trình Đại hội XI cũng đã tổng kết lý luận- thực tiễn, bổ sung làm rõ vấn đề này. Đoàn Chủ tịch đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.

Về vai trò của kinh tế nhà nước, từ Đại hội VIII, Đảng ta đã sử dụng khái niệm “kinh tế nhà nước” (không đồng nghĩa với khái niệm “doanh nghiệp nhà nước”), bao gồm: ngân sách nhà nước, các quỹ của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp đó, tại Hội nghị T.Ư 3 khoá IX đã xác định: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo theo nghĩa: “Có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định và phát triển kinh tế , chính trị, xã hội của đất nước”, đồng thời cũng xác định doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

“Như vậy, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không mâu thuẫn, hạn chế sự phát triển bình đẳng, lâu dài các thành phần kinh tế, mà chính là mở rộng, thúc đẩy, tạo điều kiện, tạo động lực cho phát triển mạnh các thành phần kinh tế khác. Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ cụm từ “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như dự thảo” - ông Trương Tấn Sang nói.

GDP đầu người đạt 2.000 USD vào năm 2015

Trong phần góp ý vào các mục tiêu chiến lược và khâu đột phá, có ý kiến đề nghị làm rõ các tiêu chí của mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xác định rõ cụm từ “nước công nghiệp”.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng nhiều chỉ tiêu cụ thể đề ra là quá cao, khó thực hiện trong điều kiện vừa phải đảm bảo phát triển bền vững, vừa phải nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngược lại, cũng có một số ý kiến cho rằng, một số chỉ tiêu đề ra còn thấp, chưa tương xứng với mục tiêu tổng quát là “phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; đưa chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân lên mức 8,2%/năm hoặc GDP đầu người lên 5.000 USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 50% đến năm 2020…

Về việc này, Đoàn Chủ tịch cho rằng các tiêu chí để xác định mục tiêu nói trên đã được thể hiện qua các mục tiêu, tiêu chí cụ thể và các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và vùng như nêu trong dự thảo Chiến lược.

Ban chấp hành Trung ương khoá X cũng đã chỉ đạo nghiên cứu, tính toán, cân nhắc kỹ để xác định các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội và môi trường, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu cao vừa đảm bảo khả năng thực hiện và vì vậy đề nghị Đại hội cho giữ các mục tiêu, chỉ tiêu như trong dự thảo Chiến lược. Theo đó, đến năm 2015, GDP đầu người đạt 2.000 USD.

Về các khâu đột phá Chiến lược, Đoàn Chủ tịch đã báo cáo với Đại hội qua nhiều lần thảo luận, ý kiến đóng góp tại đại hội các cấp, ý kiến của nhân dân và đa số đồng tình với 3 khâu đột phá như trong dự thảo.

Tại Đại hội có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số khâu đột phá như: phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung xây dựng nông thôn mới; tinh giản bộ máy nhà nước; chính sách về đất đai… Tuy nhiên, hầu hết ý kiến thảo luận đồng tình với việc chọn 3 khâu đột phá như dự thảo để đảm bảo tập trung nguồn lực. Vì vậy Đoàn Chủ tịch cũng đề nghị Đại hội cho giữ 3 khâu đột phá như trong dự thảo.

Tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND

Về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, Đoàn Chủ tịch cho rằng, trong nhiệm kỳ X, chúng ta đã chỉ đạo làm thí điểm một số vấn đề như nhất thể hoá chức danh bí thư cấp ủy, kiêm chủ tịch UBND ở cấp xã và huyện; không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Những thí điểm này mới được tiến hành. Cần có tổng kết, trên cơ sở đó mới có thể có quyết định phù hợp. Vì vậy Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội cho giữ nội dung như trong Báo cáo Chính trị: “Tổng kết việc “nhất thể hoá” một số chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp”; “Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND huyện, quận, phường”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG