Nam Định: UBND xã thành nhà thầu, dân bị “móc túi”!

Nam Định: UBND xã thành nhà thầu, dân bị “móc túi”!
Chỉ một gói thầu, người dân đã bị móc túi trên 54 triệu đồng (12% giá trị gói thầu). 2 trong 3 nhà thầu được kiểm tra không có tư cách pháp nhân.
Nam Định: UBND xã thành nhà thầu, dân bị “móc túi”! ảnh 1
Có hay không sự tiếp tay để khu đất cho thuê này biến thành “phố”?

Không chỉ ngạc nhiên về việc UBND xã Nam Phong (TP Nam Định): Xây nhà vệ sinh trường học gần 200 triệu đồng, sửa trường học 352 triệu đồng, sửa nghĩa trang 117 triệu đồng và vụ 300 triệu đồng suýt bị chìm xuồng trong dự án xây dựng trạm nước sạch,  bài viết dưới đây còn cho bạn đọc thấy được thực tế “khó tin” cũng xảy ra tại Nam Phong.

UBND xã làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu!

Sau khi dự án trạm nước sạch được phê duyệt, ngày 23/11/2001 UBND TP Nam Định ra Quyết định 488 thành lập Ban quản lý công trình gồm 3 thành viên do ông Nguyễn Văn Dân, Phó Chủ tịch HĐND xã làm trưởng ban để thực hiện các chức năng mở tài khoản công trình, ký kết hợp đồng với các nhà thầu, thuê giám sát kỹ thuật.

Thực tế tổng mức đầu tư dự án đã được điều chỉnh nhiều lần tăng từ 3,2 tỷ đồng lên trên 4 tỷ đồng, giai đoạn I có giá trị xây lắp thiết bị trị giá 1,789 tỷ đồng và được chia làm 4 gói thầu, áp dụng hình thức chỉ định thầu.

4 nhà thầu được UBND tỉnh Nam Định chỉ định thi công giai đoạn I gồm: UBND xã Nam Phong, Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT, Trung tâm phát triển cao Hà Nội, chi nhánh 5 - 04, thuộc Cty VINACONEX. Tháng 11/2002, UBND xã Nam Phong có Quyết định 02 thành lập ban giám sát do ông Trần Văn Nghiêm - Chủ tịch MTTQ xã làm trưởng ban.

Đáng tiếc, nhà thầu UBND xã không có tư cách pháp nhân và không có năng lực. Nhà thầu trung tâm nước sinh hoạt và VSMT Nam Định cũng không có giấy phép kinh doanh và giấy phép hành nghề. Không hiểu sao UBND tỉnh Nam Định vẫn chỉ định 2 nhà thầu trên?

Không chỉ vậy, việc TP Nam Định quyết định chọn ông Dân làm trưởng ban Quản lý công trình và UBND xã Nam Phong chọn ông Nghiêm làm trưởng Ban giám sát là chưa hợp lý.

Bởi lẽ, cả ông Dân và ông Nghiêm đều không có trình độ, nghiệp vụ trong quản lý đầu tư, trong giám sát công trình đặc biệt là công trình nhà máy nước sạch.

Thêm nữa, nhiều người không có tên trong ban giám sát nhưng vẫn “hồn nhiên” ký vào nhiều biên bản nghiệm thu. Trên thực tế ông Dân không mở tài khoản, không ký kết hợp đồng với nhà thầu… mà việc này đều do ông Phạm Văn Tuấn (chủ tịch UBND xã Nam Phong lúc đó) làm.

Ông Tuấn cùng lúc vừa chủ đầu tư, “trưởng ban QLDA” kiêm nhà thầu. Trong khi đó ông Tuấn không có danh sách trong Ban quản lý công trình.

Dân bị “móc túi”, ngân sách bị “rút ruột”!

Ngay sau khi được chỉ định thầu, UBND xã chỉ thi công một phần đào đường ống còn lại “bán” thầu cho chi nhánh 5-04 thi công và lập hồ sơ quyết toán.

Để hợp thức hoá thủ tục, UBND xã đã ký hợp đồng giao nhận thầu với HTX nông nghiệp Nam Phong. Ông chủ nhiệm HTX Trần Minh Trúc vẫn vô tư ký liều  vào các chứng từ, hồ sơ quyết toán với số tiền 444,5 triệu đồng.

Bằng nhiều thủ đoạn gian dối, chủ đầu tư đã cấu kết với nhà thầu “móc túi” người dân (công trình này chủ yếu do dân đóng góp) số tiền 54,3 triệu đồng.

Với tư cách là chủ đầu tư, UBND xã đã thanh toán cho…chính mình (thực tế là chi nhánh 5-04) số tiền thuế 21,5 triệu đồng. Vậy nhưng nhà thầu này đã “ỉm” số tiền trên không nộp ngân sách…

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ?

Ngoài các sai phạm đã được kết luận, nhiều dấu hiệu sai phạm rất cần được làm rõ như: Việc thi công lắp đặt các thiết bị, đường ống, việc sử dụng tiền đóng góp của dân, nguồn chi từ ngân sách.

Đặc biệt những dấu hiệu tham nhũng trong các dự án: sửa chữa trường trung học cơ sở Nam Phong, xây dựng nhà vệ sinh trường học, sửa chữa nghĩa trang liệt sỹ…và vụ “biển thủ” 300 triệu đồng trong dự án trạm nước cũng rất cần được làm sáng tỏ để xử lý.

Thêm nữa, trong quản lý đất đai, ông Phạm Văn Tuấn, ông Trần Văn Khoa, địa chính xã cũng có nhiều sai phạm như  việc cho thuê đất công ích trái quy định với diện tích hàng chục ngàn m2 gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện, hàng chục hộ thuê đất đã xây dựng nhà. Đặc biệt, tại khu vực gần Cty Sinh hoá 12 hộ dân thuê đất đã lập thành khu phố với những  ngôi nhà kiên cố dưới sự làm ngơ của chính quyền.

Dư luận cũng rất bức xúc và đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ việc một số cán bộ, người nhà cán bộ xã tham gia lấn chiếm đất công, bán đất nông nghiệp như: Ông Vũ Đình Xuân, chánh văn phòng UBND xã  bán gần 1000 m2 đất (trong đó có đất nông nghiệp) mà vợ ông Nguyễn Viết Hưng, Chủ tịch UBND TP Nam Định đứng ra trả tiền, người nhà ông Tuấn lấn đất công… Phải chăng vì lý do đó mà các cán bộ xã vẫn cứ “bình chân như vại” trong sự bức xúc của đông đảo nhân dân? 

MỚI - NÓNG