Nam Ô, điều anh em Gabriel Veyre chưa kể

Cụ bà Huỳnh Thị Suốt, vừa đi biển, vừa làm mắm ngon nức tiếng, bà có 10 người con (5 trai, 5 gái)
Cụ bà Huỳnh Thị Suốt, vừa đi biển, vừa làm mắm ngon nức tiếng, bà có 10 người con (5 trai, 5 gái)
TP - Năm 1896, anh em Gabriel Veyre và Louis Lumière (Pháp) đã đến An Nam và chọn làng Nam Ô (Đà Nẵng) để bấm đoạn phim quý giá lưu lại hậu thế. Anh em nhà Gabriel Veyre không thể quay trọn cảnh phu khiêng kiệu, vì đám trẻ làng chài quá đông và chen chúc chạy theo sát ống kính. Sau 123 năm, vẫn có thể kể vài chuyện vui về những đứa trẻ Nam Ô.

Ngồi kiệu quay kiệu 

Nếu gõ vào google cụm từ Le Village de Namo thì sẽ xem được clip dài 1 phút được anh em Gabriel Veyre và Louis Lumière thực hiện vào năm 1896 tại làng Nam Ô (Đà Nẵng). Đây là những đoạn phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh thế giới (sau phim năm 1888 của Louis Le Prince). Trong phim có rất nhiều đứa trẻ xuất hiện trong khuôn hình không có lời bình. Đoạn phim dù chỉ dài 1 phút nhưng vẫn được chiếu và bán vé tại rạp như phim La Ciotat 1897 (tựa đề Arrivée d’un train en gare de la Ciotat); phim về làng Nam Ô được ghi là Le Village de Namo (1900).

Đoạn phim về Nam Ô hiện ra cảnh hàng chục đứa trẻ chạy theo máy quay phim, 1 cháu trần truồng, 1 cháu khoác yếm, cậu bé chừng 9 tuổi thì mặc áo dài nâu, những người lớn đi sau đều mặc áo dài vải màu nâu và trắng, một đoàn kiệu khởi hành trên bãi cát giữa ngôi làng. Một cô bé chừng 15 tuổi chạy theo giữ em, một chú gà hốt hoảng chạy xé qua đám đông, cậu bé đeo chiếc vòng bạc trên cổ bám theo ống kính sát nhất. Áo quần các em mặc đều thủng nhiều lỗ, có chiếc áo rách toác cả một đường dài; những đứa trẻ lớn thì cạp quần được cuộn lên để độn vật gì vào giống như để cất đồ chơi.

Nhìn hình ảnh cũng đoán ra được, lũ trẻ Nam Ô quá hiếu kỳ với những ông Tây to lớn đang ôm chiếc máy kỳ lạ. Bọn trẻ đã lấn hết khuôn hình mà đạo diễn này định quay là cảnh phu khiêng kiệu. Trong phần lý lịch phim, anh em nhà Gabriel Veyre chia sẻ, đó là phim được quay từ ghế, có nghĩa là người quay phim được ngồi trên một chiếc kiệu để quay một chiếc kiệu khác. Mãi 4 năm sau, phim mới được khởi chiếu tại thành phố Lyon của Pháp vào ngày 15/12/1900, được đăng trên báo Prògres vào ngày 16/12/1900. 

Sau 123 năm, những cậu bé nhỏ nhất hiện ra trong khuôn hình cũng đã già đi, rồi tan vào bụi cát Nam Ô. Nhưng hình ảnh đó cũng nói lên một điều - trẻ em Nam Ô rất đông. Cụ Bùi An, 89 tuổi, nghe nhắc chuyện con đông đã thốt lên: “Nam Ô hồi trước biết hông, họ đi làm biển về chỉ biết vợ thôi, mùa đông thì suốt ngày ôm vợ, đẻ nhiều, cuộc sống cực, con đông lắm, cứ 3 năm 2 đứa, đẻ cả chục, trên chục, ông Lê Diễn 10 đứa con, ông Lê Nấng, 10 đứa con, chu, đông lắm, xả láng, ông Trần Cậy 10 đứa con, ông Cư 14 đứa”.  

Lũ trẻ 60 năm trước

Gia đình ông có bao nhiêu người con? Đến làng chài Nam Ô hỏi thật to câu này với các cụ già thì lập tức sẽ bị bao vây bởi những nụ cười ý nhị, những cảnh che mặt và bảo “kể chi chuyện nớ mắc cỡ chết được”. Những người con trong gia đình chẵn chục ở làng chài Nam Ô hiện nay cũng đã ở tuổi ngoài 50.  

Anh em nhà Gabriel Veyre bấm máy quay cảnh giữa làng chài Nam Ô, nếu quay ngoài bờ biển sẽ ghi lại được những chiếc thuyền buồm chờ căng gió để mở biển vào lúc 4 giờ chiều, trở về lúc 7 giờ sáng. Khoảng 80 năm trước, làng đã phát triển khoảng 50 chiếc thuyền làm nghề đánh cá cơm than, khắp làng là những lu muối mắm. Cha Bori là người Ý từng đến làng Nam Ô năm 1621 và viết: “Tôi đã qua nhiều đại dương, đã đi qua nhiều nước, nhưng tôi cho rằng, không nơi nào có thể so sánh được với xứ Đàng Trong... từng đoàn người chuyển cá từ biển tới tận miền núi, có thể nói trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ thì ít ra họ dùng tới hai mươi tiếng để làm việc này”. 

Công việc diễn ra liên tục, các gia đình cần sinh nhiều con để có nhân lực lao động. Vợ cụ Lý Thái sinh được 10 đứa, gồm 7 người con gái và 3 người con trai; người được dân làng nhắc tên nhiều nhất là ông Lê Ít, vợ ông sinh 10 đứa con trai. Vợ ông Phan Liên sinh 8 con trai, 2 con gái. Một phụ nữ thỉnh thoảng được mọi người nhắc vui là chỉ biết đẻ “công chúa”, đó là bà Lê Thị Giống. Bà đẻ một lèo 7 người con gái xinh đẹp. Khi các cô lớn tuổi đã đến tuổi cập kê thì các chàng ngư dân buông nỗi xao xuyến. Nhưng cha mẹ họ luôn nhắc chừng “3 năm 9 đời không rời cánh tay”, có nghĩa là hàng năm đi chạp mả dòng họ, nếu gặp cô nào thì không được lấy, vì là người trong dòng tộc.

Vì gia đình đông con nên cha mẹ đặt tên con theo vần, tên quốc gia, loài hoa. Đàn con của ông Lắm được đặt là Anh, Tuấn, Tú, Lành, Ly, Lim, Hiền… Ông Phan Liên có 10 người con và đặt theo chuỗi là Minh, Nguyệt, Nhật, Mỹ, Nga, Anh, Mạnh, Tiến…

Gia đình có đặt tên xâu xấu cho con hay không? Hỏi câu này thì người Nam Ô cũng cười, cười hết mức có thể. Nhiều người ở Nam Ô hiện nay có đến hai tên, tên cha mẹ đặt xấu và tên đi khai sinh lại, cái tên kia giấu đi vì ra đường nghe người ta gọi thì rất ngại, như: Heo, Ịt, Gà…

Mẹ suốt, con vàng 

60 năm trước, dân chài ở các địa phương lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế mê mẩn được đóng thuyền bằng gỗ kiềng kiềng mọc ven sông Cu Đê ở Nam Ô. Đó là loại gỗ đóng tàu thuyền chạy 50 năm không bị mục và tốt hơn hẳn gỗ kiềng kiềng của Lào và nhiều nơi khác. Bà Huỳnh Thị Suốt, 89 tuổi là người phụ nữ đầu tiên ở Nam Ô đóng thuyền gỗ kiềng kiềng rồi xung phong đi biển thu mua cá. Dù làm công việc như đàn ông, như bà vẫn sinh được 10 người con, gồm 5 trai, 5 gái. Toàn bộ con cái của bà Suốt đều xinh đẹp, khỏe mạnh, được học hành, học nghề và có việc làm ổn định.

Nhà trẻ cho những đứa trẻ Nam Ô là bãi cát và mặt biển. Những đứa trẻ Nam Ô thời đó vui chơi trên bãi cát, mỗi ngày tắm biển 2 lần, mỗi ngày chỉ được ăn 2 bữa vào 9 giờ sáng và gần 4 giờ chiều. Vậy mà đứa nào cũng chắc da thịt và vẹn toàn sức khỏe.

Ngồi kể chuyện cũ, cụ Suốt vẫn có thể đọc hàng loạt câu vè thường được người dân chài Nam Ô vừa chèo chống, vừa hát cách đây 80 năm trước: “Hò ơ… ngước lên thấy ải cao/anh em lần vào bãi chuối hang dơi/Xong rồi trầu nước nghỉ ngơi/hòn Hành nằm đó là nơi cửa Hàn…”.

Làng Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân vốn là cửa ngõ phía nam của Đại Việt, khi vua Chăm Pa là Chế Mân dâng Châu Ô, Châu Lý cho nhà Trần, sau cuộc hôn nhân với Huyền Trân công chúa vào năm 1306. Ngôi làng này còn dày đặc những di tích như giếng vuông Chăm Pa, bia thờ Huyền Trân Công Chúa, trấn Cu Đê chống giặc Pháp năm 1859, nghĩa trũng thờ hàng trăm dân binh, tử sĩ đã bỏ mạng trong cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược, nhiều câu chuyện về số phận con người, về trận chiến giải cứu nàng Huyền Trân Công Chúa trở về Đại Việt…

MỚI - NÓNG