Khai thác titan ồ ạt:

Nạn cát bay vì mất rừng phòng hộ

Nạn cát bay vì mất rừng phòng hộ
TP - Khai thác titan ồ ạt, thiếu quản lý chặt chẽ tại nhiều địa phương của huyện Phù Mỹ (Bình Định) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân địa phương do rừng phòng hộ bị tàn phá.

Dọc các thôn Vĩnh Lợi 1 - 2 - 3 (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) về phía biển - địa bàn khai thác titan của doanh nghiệp, cảnh tượng những cánh rừng dương bị tàn phá nham nhở, để lại mặt đất những hố sâu 20 - 30m. Không có rừng dương phòng hộ, cả ngày lẫn đêm cát từ biển mù mịt hắt thẳng vào làng mạc.

Bà Nguyễn Thị Nhung (50 tuổi, xã Mỹ Thành) than thở: “Vườn rau mới trồng hôm trước, hôm sau đã bị cát vùi. Máy móc, xe xúc, xe ủi khai thác titan suốt đêm ngày ầm ào...”.

Bình Định là tỉnh có tài nguyên titan thuộc hàng lớn nhất cả nước. Theo Sở TN&MT Bình Định, chỉ riêng huyện Phù Cát, Phù Mỹ hiện có 14 đơn vị được cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác titan với tổng cộng 27 giấy phép.

Các doanh nghiệp đều cam kết đảm bảo môi trường, hoàn thổ, trả lại mặt bằng trồng rừng, tuy nhiên, thực tế việc khai thác đang diễn ra ào ạt, phớt lờ mọi cam kết, hàng loạt cánh rừng dương phòng hộ ven biển các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (Phù Mỹ); Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (Phù Cát) đã bị khai tử.

Bà Đinh Thị Mai (56 tuổi, thôn Vĩnh Lợi 1, xã Mỹ Thành), bức xúc:

“Vùng này là vùng cát bay, nên từ hàng chục năm nay, chúng tôi nhờ gây dựng rừng dương phòng hộ mới có thể sống cùng nạn cát bay và biển xâm thực. Giờ rừng dương bị phá trụi lủi rồi, bà con sống sao đây”.

Để trồng được những rừng dương này, dân phải dày công từ 20- 30 năm. Địa phương còn đưa ra quy ước các thành viên làng xã trên 18 tuổi đều phải trồng 300 cây dương.

Các hộ dân ca thán việc nước thải từ các công trường titan ngấm vào cát, rồi chuyện hút hết nước bề mặt khi khai thác titan khiến cho cây trồng chết khô chết héo. Nhiều diện tích mì, sắn ở Mỹ Thành không sống nổi. 

Cự tuyệt 

Tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, dân thôn Chánh Trạch ngăn cản quyết liệt việc Cty Cổ phần Kim Triều (được UBND tỉnh Bình Định cấp phép) khai thác titan tại đây vì cho rằng vi phạm các cam kết về môi trường. Tại xã Mỹ Thành, dân cũng phản đối Cty Ánh Vi khai thác titan.

Lãnh đạo địa phương nhiều lần xuống hứa sẽ yêu cầu các công ty thực hiện đúng cam kết môi trường nhưng thiếu sức thuyết phục với dân, nên vẫn bị dân cự tuyệt. Dân còn tự lập chốt chặn và thay phiên nhau trông giữ để bảo vệ rừng, kiểm soát chặt chẽ người lạ vào ra.

Trưởng Công an xã Mỹ Thành, ông Nguyễn Đình Phúc, cho biết, có lần vì quá bức xúc, dân kéo đến đập phá máy móc của một doanh nghiệp gây thiệt hại cho doanh nghiệp này hơn 120 triệu đồng.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Mỹ, đơn vị chưa đủ năng lực để đánh giá hết tác động của việc khai thác titan đến môi trường. Ngoài vấn đề cát bay, hiện chưa có kết luận cụ thể nào về các vấn đề khác như nguồn nước ngầm và xâm nhập mặn.

"Việc hoàn thổ, trồng lại cây sau khi khai thác là rất tốn kém nên chẳng mấy doanh nghiệp muốn làm nếu không có sự cưỡng chế. Các doanh nghiệp cam kết thực hiện các biện pháp che chắn cát bay, tưới nước để chống cát xâm thực. Nhưng trong quá trình triển khai cũng không mấy khả thi vì  không đủ nước để tưới cả bãi cát và không có biện pháp nào có thể che chắn được cát bay" - (Ông Đinh Văn Tiên, Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Bình Định)

MỚI - NÓNG