Vụ tra tấn dã man nữ nhân viên tại Hòa Bình:

Nạn nhân hoảng loạn, chính quyền thờ ơ

Nạn nhân hoảng loạn, chính quyền thờ ơ
TP - Bùi Thị Thương nói : “Em sợ lắm! Em không thể ngủ được khi có ai đó nhắc đến nhà hàng Thanh Loan”. Cô vẫn chưa bình phục, từ vết thương cơ thể lẫn tinh thần, trong khi cơ quan pháp luật địa phương thờ ơ.
Nạn nhân hoảng loạn, chính quyền thờ ơ ảnh 1
Hai mẹ con Thương vẫn tiếp tục những ngày sợ hãi

Sau loạt bài điều tra đăng trên báo Tiền phong, dư luận khắp nơi phẫn nộ trước hành động dã man của chủ nhà hàng Thanh Loan (thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình).

Càng theo dõi diễn biến vụ việc, bạn đọc càng lo cho sự an toàn tính mạng của Bùi Thị Thương.

Chiều qua (15/5), PV Tiền phong đã trở lại thăm nạn nhân tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn và giật mình trước sự thờ ơ của các cơ quan pháp luật địa phương…

“Em sợ chúng bỏ thuốc độc…”

Chiều 15/5, cổng Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn vẫn mở như thường lệ. Thương vừa được chuyển từ buồng điều trị tầng I lên tầng II. “Để cho em được yên tĩnh, dưỡng bệnh” - Bác sỹ Phùng Chí Hiếu (Phó khoa Ngoại) giải thích. Thương vẫn nằm trên giường, mỗi lần ngồi dậy vẫn cần người khác đỡ.

Cô gái đáng thương nói: “Em sợ lắm! Em không thể ngủ được khi có ai đó nhắc đến nhà hàng Thanh Loan”. Thương vẫn chưa bình phục, kể cả vết thương trên cơ thể cũng như tinh thần. Câu chuyện Thương kể lại cho chúng tôi vẫn bị ngắt quãng bởi nỗi sợ.

“Hôm vừa rồi, có người phụ nữ tên là Vân (em ruột bà Loan) mang đường, sữa vào cho em nhưng em không dám ăn, vì sợ chúng bỏ thuốc độc”.

Nỗi sợ của Thương ngày một lớn lên trước sự thờ ơ của các cơ quan chức năng huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Từ hôm Thương vào điều trị tại đây, sau lần bị tên Hải - chủ nhà hàng bắt về nhốt trong nhà hàng đến nay, Thương vẫn nằm ở đó mà không có sự bảo vệ của công an. Nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra với Thương thì… Điều này chẳng ai dám khẳng định sẽ không xảy ra.

Khi chúng tôi trò chuyện với Thương, nhiều người dân sống quanh đây vẫn mang tiền, quà đến hỏi thăm, giúp đỡ. Người thì cho dăm ngàn, người gói bánh, nắm xôi, người mua quần áo.

Có cụ già đã ở tuổi cổ lai hy nhưng ngày nào cũng chống gậy đến thăm Thương. Hôm thì cụ mang theo quả ổi vừa hái ở vườn nhà, hôm lại đùm cơm nắm, bên trong có vài miếng thịt mỏng.

Mấy cô bé trạc tuổi đến thăm, vừa đọc tờ báo có bài viết về Thương vừa khóc rưng rức: “Sao Thương không chạy sang bất kỳ nhà ai xung quanh, nhờ họ giúp đỡ?”. Chẳng biết trả lời như thế nào, Thương lại ôm mặt khóc.

Vẫn chưa đủ tiền chụp cắt lớp

Chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh Hòa Bình

Chiều qua, 15/5, trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Tiến Sâm - Viện trưởng Viện KSND huyện Lương Sơn cho biết: Sau khi vụ hành hạ dã man nữ nhân viên được đăng trên báo Tiền phong, nhiều đơn thư tố cáo, phản ánh những vụ việc tiêu cực liên quan nhà hàng Thanh Loan và ông chủ Trịnh Tiến Hải đã được gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình.

Trước tình hình đó, Giám đốc CA tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo CA huyện Lương Sơn chuyển hồ sơ lên CA tỉnh điều tra, xử lý.

Mấy ngày nay, các vết thương ở phần mềm đã đỡ nhiều. Thế nhưng, hai bên xương sườn lại đau nhức hơn. Thương thường bị choáng và chóng mặt, nhiều lúc buồn nôn, đầu óc quay cuồng.

Bác sỹ Hiếu cho biết: “Đó là hậu quả của dư chấn trong trận đòn rất nặng vừa qua. Hơn nữa, sự hoang mang, lo lắng cũng là nguyên nhân làm Thương bị đau nhức và choáng”.

Liệu cú sốc này có ảnh hưởng đến thần kinh, tâm lý của Thương sau này? - Nếu không có biện pháp giúp nạn nhân an tâm thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng xấu”.

Làm thế nào để xác định được sự ảnh hưởng này? Bác sỹ Hiếu buồn bã: “Cần phải chụp cắt lớp. Rất tiếc là Thương vẫn chưa đủ tiền”.

Được biết, sau khi làm việc với Công an huyện Lương Sơn, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Hòa Bình đã nhận 1 triệu đồng từ bố Thương để tiến hành chụp cắt lớp, làm cơ sở giám định tỷ lệ thương tật.

“Họ hẹn ngày hôm kia (13/5) sẽ đến đưa em đi chụp nhưng đến giờ vẫn chưa thấy. Nhiều lúc em đau, không chịu nổi mà vẫn phải nằm đây. Có cách nào cứu em không?” - Thương hỏi mà mắt ngân ngấn nước.

Bố Thương đã về quê chăm nom đồng ruộng. Bà Trương Thị Nông  - mẹ Thương vừa vay hàng xóm được 200.000 đồng chỉ vừa đủ tiền tàu xe ra chăm con thay chồng. Mới ngoài 40 mà trông bà già quá nhiều so với tuổi.

Bà bảo: “Ở quê, ngày nào họ hàng, láng giềng cũng đến hỏi thăm, động viên. Họ cũng nghèo túng khốn khó, chẳng có gì cho cháu, mặc dù rất thương. Mong Công an Hòa Bình nhanh chóng truy tìm tên ác thú kia để con tôi nhanh được trở về”.

Từ hôm lên đây, bà Nông cũng rơi vào tâm trạng sợ hãi. Khi trò chuyện với chúng tôi, mắt bà vẫn luôn hướng ra phía cửa: “Sợ bọn chúng biết tôi gặp báo chí thì nguy”.

Bà kể: “Hôm trước khi cơ quan CA ra lệnh bắt chủ nhà hàng Thanh Loan, chồng tôi và chồng của Thương đi chợ gặp tên Hải. Hắn đe dọa, yêu cầu nhà tôi không được đề nghị CA xử lý, hắn sẽ bồi thường. Mới đây, bà Vân (em ruột bà Loan) cũng đến và đề nghị như vậy”.

Cứ lúc nào vắng khách, mẹ con Thương lại đóng kín cửa, khóa trái lại rồi ôm nhau nép vào góc giường. Từ hôm ra đây, chưa phút nào bà cảm thấy yên tâm  mặc dù bên cạnh vẫn còn nhiều người tốt…

Khi biết nhà báo về, một người dân tên T. sống bên cạnh nhà hàng Thanh Loan, chạy vào gặp chúng tôi. Chị T. cho biết, cứ khoảng 9-10 giờ tối, Hải lại mò về ngủ tại nhà hàng (?).

Tại sao Hải vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Nhiều người dân lo sợ, ngày nào chưa bắt giam được Hải thì chắc chắn Thương và những người dân tốt bụng đang giúp đỡ Thương sẽ còn bị đe dọa.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.