Nạn tham nhũng vặt, hối lộ, lót tay biến tướng, tinh vi

Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
TPO - Nạn tham nhũng vặt, hối lộ, lót tay, phải chi trả những khoản kinh phí ngoài quy định khi người dân thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

35 địa phương chưa công bố lịch tiếp công dân của Chủ tịch tỉnh

Sáng 17/10, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp thu kiến nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ và đột xuất.

Theo số liệu tại kỳ họp trước, chỉ có 11/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 27/63 tỉnh công bố lịch tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các địa phương trên cổng thông tin điện tử.

Đến kỳ họp này, theo kết quả truy cập cổng thông tin điện tử (ngày 1/10/2018) cho thấy, 22/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã công bố lịch tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang bộ (đạt 100%).

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện, vẫn chỉ có 28/63 địa phương (đạt 44,4%) công bố lịch tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh (tăng thêm 1 tỉnh) hiện vẫn còn 35/63 địa phương (chiếm 65,6%) chưa công bố lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình.

Chống “tham nhũng vặt” còn chưa thực sự hiệu quả

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hải, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo kiến nghị của cử tri đã đạt được hiệu quả tích cực. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2018 đã tiến hành trên 3.800 cuộc thanh tra hành chính và gần 93.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế gần 10.000 tỷ đồng, trên 32.000 ha đất.

Trong đó đã kiến nghị thu hồi gần 78.000 tỷ đồng và 370 ha đất; đôn đốc kiểm tra thực hiện 1.900 kết luận và quyết định về xử lý thanh tra, đã thu hồi gần 2.100 tỷ đồng; đôn đốc cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 370 tổ chức, trên 1.100 cá nhân vi phạm; đã phát hiện, xử lý 10.839 vụ án hình sự và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 227 vụ án hình sự và vi phạm pháp luật về tham nhũng, chức vụ nhiều hơn 148 vụ so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng lưu ý, có một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, xử lý kịp thời được cử tri và Nhân dân đồng tình ủng hộ như vụ AVG, vi phạm đất đai ở thành phố Đà Nẵng, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vụ đánh bạc trên Internet...

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện, việc chống “tham nhũng vặt” còn chưa thực sự hiệu quả. Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn đạt nhiều kết quả quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, nạn tham nhũng vặt, hối lộ, lót tay, phải chi trả những khoản kinh phí ngoài quy định khi người dân thực hiện một số thủ tục hành chính (làm chứng minh thư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị phạt vi phạm khi tham gia giao thông,...) ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

“Những biểu hiện tiêu cực này người dân thường bắt gặp và đối diện hàng ngày nhưng lại chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà không được phát hiện thông qua công tác đấu tranh nội bộ, công tác tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức”, bà Hải cho hay.

MỚI - NÓNG