Nâng cao chất lượng hàng Việt để cạnh tranh

Nâng cao chất lượng hàng Việt để cạnh tranh
TP - Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt trước hết là của bản thân các doanh nghiệp, nhưng vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng...

“Việt Nam đã chính thức được kết nạp là thành viên của WTO, tới đây các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu nước ta sẽ phải đối đầu với sự cạnh tranh quyết liệt... Nhưng chất lượng sản phẩm hàng hóa của chúng ta hiện nay chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường thế giới cả về chất lượng và giá thành”.

Đại biểu Trần Thị Mai Phương (Long An) đã mở đầu phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về dự án Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, diễn ra hôm qua (8/11), bằng nhận định nêu trên.

Phát biểu sau đó, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng: “Việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trước hết là của bản thân các doanh nghiệp. Nhưng vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng.

Gia nhập WTO, nhiều sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước bị hạn chế. Do vậy, trong dự án Luật này cần có những quy định theo hướng Nhà nước tạo điều kiện về chính sách cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là về đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích đổi mới và chuyển giao công nghệ, cũng như xúc tiến thương mại...”.

Không để cho người tiêu dùng bị lừa!

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Thị Mai Phương (Long An) nói: “Thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng và chất lượng cuộc sống của người dân. Một phần cũng do hệ thống pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa của chúng ta chưa thống nhất và đồng bộ, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được quan tâm”.

Đại biểu Lê Minh Hồng (Ninh Bình) đề nghị: “Dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc các thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sao cho phải công khai, minh bạch, chính xác và kịp thời.

Đây có thể nói là một nguyên tắc rất quan trọng, bắt buộc nhà sản xuất, bắt buộc các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp cho người tiêu dùng biết để mà lựa chọn.

Không để cho người tiêu dùng bị lừa, ví dụ như mua giống ngô, nhưng cuối cùng không có hạt, rồi lúa không có bông chẳng hạn, hay tránh tình trạng như sản phẩm sữa vừa qua, ghi nhãn là sữa tươi, nhưng không phải là sữa tươi mà là sữa bột, xi măng nói là mác 400, nhưng thực chất chỉ là mác 300 thôi”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bổ sung thêm: “Cần quy định nguyên tắc dành cho nhà nhập khẩu, ví như nhà nhập khẩu phải bồi thường cho khách hàng.

Luật pháp của chúng ta cũng chưa có quy định nhà nhập khẩu có quyền yêu cầu công ty sản xuất ở nước ngoài bồi thường. Như Petrolimex vừa rồi, rõ ràng họ không phải là người cho aceton vào xăng, nhưng họ sẽ phải bồi thường cho khách hàng, vậy họ có quyền yêu cầu 1 công ty ở Hồng Kông hay Singapore bồi thường phần thiệt hại này hay không?”.

Cùng ngày, QH đã thảo luận về dự án Luật Các vùng biển Việt Nam.

Hôm nay (9/11), QH làm việc về  dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.