Nâng cao chất lượng hoạt động Tổ dân phố

Nâng cao chất lượng hoạt động Tổ dân phố
TPO - Tổ  dân phố (TDP) không phải là một cấp hành chính, là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư ở đô thị, được hình thành trên cơ sở địa bàn dân cư và số hộ theo quy định.
Nâng cao chất lượng hoạt động Tổ dân phố ảnh 1
Đại hội Thể dục thể thao phường Khương Mai lần thứ III năm 2009. Ảnh : phuongkhuongmai.gov.vn.

TDP chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn; là nơi trực tiếp, là cầu nối gần nhất giữa Đảng với Dân trong việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thực trạng các Tổ dân phố hiện nay

Về mặt tổ chức, chất lượng hoạt động của TDP là vấn đề từ nhiều năm nay, một số diễn đàn, báo chí nêu ra để bàn bạc, thống nhất tìm ra mô hình tổ chức của TDP hoạt động có hiệu quả. Theo Quyết định số 92/2003/QĐ-UB, ngày 05 tháng 08 năm 2003 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của TDP.

Theo đó, TDP có từ 50 hộ đến 100 hộ, có Tổ trưởng, Tổ phó; TDP có trên 100 hộ gia đình thì có thêm một Tổ phó. Trường hợp đặc biệt do địa dư khó khăn, có thể thành lập TDP dưới 50 hộ gia đình (nhưng phải có sự đồng ý của UBND quận, huyện).

Theo quy định trên thì số lượng hộ dân trong tổ từ dưới 50 đến trên 100 (không có tối đa), vì vậy các địa phương vận dụng linh hoạt về số lượng hộ dân trong một TDP để dễ quản lý. Chúng ta thừa nhận rằng, TDP càng gọn nhẹ, càng ít hộ dân thì công tác quản lý càng đỡ vất vả. Song, về mặt tổ chức chưa tính đến hiệu quả hoạt động của TDP, nhất là công tác phối hợp giữa TDP với các tổ chức đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Mặt khác, sự lãnh đạo của chi uỷ, chi bộ với hoạt động của TDP và các chi hội, đoàn thể cũng cần được phát huy hiệu quả hoạt động nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

TDP là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở, nhưng những cánh tay đó hiện nay chưa thống nhất. Ở thành phố Hà Nội, qua tìm hiểu tại nhiều địa phương cho thấy mô hình TDP tồn tại rất đa dạng và phong phú. Nhiều nơi vẫn tồn tại “cụm, khối, khu …” dân cư còn gọi là “khu dân cư (KDC)” sau đó mới đến TDP. KDC tồn tại không có chức danh chính thức, tức là chỉ tồn tại trong cơ chế tự quản, không có chế độ cho người phụ trách và rất khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ từ Phường xuống đến Tổ dân phố.

Chưa kể đến các tổ chức Đảng, đoàn thể ở KDC, TDP hiện nay rất phong phú. Do đặc thù và cách làm của từng địa phương, về mặt tổ chức chi bộ đảng trực thuộc hiện nay cũng rất phong phú, mỗi nơi một kiểu. Ví dụ, ở phường Khương Mai quận Thanh Xuân xây dựng mô hình TDP “khép kín” có chi bộ đảng lãnh đạo, tổ dân phố quản lý, Ban công tác mặt trận (BCTMT) và các Đoàn thể làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước, tức là đảm bảo được nguyên tắc: Đảng lãnh đạo – Chính quyền quản lý - và nhân dân làm chủ.

Qua tìm hiểu một số địa phương tổ chức theo mô hình cụm dân cư, mỗi cụm dân cư có từ 2 đến 4 hoặc 5 tổ dân phố, các chi bộ, BCTMT và các Đoàn thể thành lập theo cụm dân cư, nên không đồng đều về mặt tổ chức, khó đánh giá chất lượng hoạt động cũng như công tác thi đua ở mỗi đơn vị; đặc biệt có địa phương một BCTMT và chi hội đoàn thể chịu sự lãnh đạo của 4 đến 5 chi bộ, thực tế này các đơn vị không biết chấp hành Nghị quyết lãnh đạo của chi bộ nào.

Mặt khác các mô hình trên cho thấy công tác phối hợp giữa BCTMT với từng TDP trong việc vận động, tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị mình gặp nhiều khó khăn. Nếu TDP nào tích cực phối hợp với các đoàn thể trong mọi hoạt động thì chất lượng các phong trào, các cuộc vận động nổi trội, ngược lại thì mọi hoạt động không đi vào chiều sâu.

Đề xuất một mô hình Tổ dân phố

Vậy, một TDP có bao nhiêu hộ dân là đủ ? Thực tế cho thấy, để đảm bảo hoạt động và tổ chức TDP trung bình mỗi TDP nên có khoảng 150 hộ, không nên ít quá vì liên quan đến công tác lựa chọn cán bộ và đặc biệt khi tham gia vào các hoạt động chung ở địa phương, như hoạt động hè …; trong TDP có BCTMT, các chi hội đoàn thể đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ chi bộ TDP. Như vậy là không có cấp trung gian (là khu dân cư) mà trực tiếp đến UBND Phường, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khoá X, và Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản pháp luật khác.

Một mô hình TDP có cấp uỷ chi bộ lãnh đạo, TDP quản lý, BCTMT và các chi hội đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt các quy định của Đảng và Nhà nước. Đồng bộ về mặt tổ chức từ phường đến tổ dân phố, đây là tiền đề để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp uỷ chi bộ Đảng.

Về  mặt tổ chức tổ dân phố chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND phường, bỏ khâu trung gian (trước kia là khu dân cư); địa bàn tổ dân phố tuy rộng nhưng phù hợp và không có xen đan như trước, các cán bộ tổ dân phố đi sâu, đi sát nắm chắc nhân hộ khẩu, điều kiện hoàn cảnh … đến từng hộ gia đình; đồng thời giúp UBND phường theo dõi và thực hiện công tác quản lý Nhà nước, như công tác nộp thuế nhà đất, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, tham gia phòng chống dịch bệnh, quản lý trật tự giao thông đô thị, quản lý đất đai, xây dựng…

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, những khó khăn bức xúc, những yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng, cũng như ý kiến đóng góp xây dựng phường được phản ánh trực tiếp đến UBND phường. Khoảng cách giữa chính quyền với nhân dân được gần hơn, cán bộ phường sát dân, hiểu dân nên đã có những biện pháp chỉ đạo cụ thể, kịp thời và hiệu quả. Mặt khác vai trò của tổ dân phố được thể hiện rõ ràng trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là cán bộ tổ dân phố luôn chủ động, sáng tạo trong việc triển khai nhiệm vụ không thể dựa dẫm như khi còn tổ chức khu dân cư trước kia.

Mô hình TDP này, đồng bộ về mặt tổ chức trong hệ thống chính trị từ phường đến tổ dân phố, tức là cả phường và tổ dân phố đều có cấp uỷ lãnh đạo, chính quyền quản lý và nhân dân làm chủ thông qua MTTQ và các đoàn thể. Vì vậy việc từ việc xây dựng Nghị quyết đến công tác quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết được triển khai đến từng cán bộ, đảng viên và tuyên truyền đến người dân để tổ chức thực hiện. Hiệu quả lãnh đạo trực tiếp, sâu sát cơ sở, kịp thời, trực tiếp và không bỏ sót việc. Mối quan hệ giữa Tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể gắn bó và hoạt động có hiệu quả rõ rệt.

Trên đây là một số thực trạng và đề xuất mô hình TDP để mọi người tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến. Đối với phường Khương Mai, quận Thanh Xuân đã tổ chức thực hiện theo mô hình này và tổ chức rút kinh nghiệm sau 01 năm thực hiện. Bạn đọc có thể tham khảo tại địa chỉ: http://www.phuongkhuongmai.gov.vn

Phạm Văn Hiện
Chủ  tịch UBND phường Khương Mai – Thanh Xuân – Hà Nội

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG