Nâng đường, 'nhồi' chung cư khó giảm ngập nước, kẹt xe

Ngập nước tại TPHCM giải quyết còn khó khăn hơn so với kẹt xe.
Ngập nước tại TPHCM giải quyết còn khó khăn hơn so với kẹt xe.
TP - Đó là lưu ý của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018 của UBND TPHCM diễn ra ngày 2/1.

Vị lãnh đạo cao nhất TPHCM cho rằng đã đến lúc cần thay đổi tư duy, không giải quyết cục bộ, thậm chí phản khoa học như nâng đường rồi tính số điểm ngập được xoá…

Còn ngổn ngang úng ngập, kẹt xe

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận trong năm 2017, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố còn nhiều hạn chế cần nỗ lực khắc phục như quá tải hạ tầng, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra trong giờ cao điểm. Nạn ngập nước chưa được giải quyết triệt để...

“TPHCM sẽ tập trung thực hiện một số kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…”, ông Phong cho hay.

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết năm 2017 là năm đầu tiên có kế hoạch riêng về giải quyết ùn tắc giao thông. Với 37 điểm nóng về ùn tắc, qua đánh giá có 4 điểm đã xoá, 24 điểm chuyển biến tốt và 9 điểm còn diễn biến phức tạp, cần những giải pháp căn cơ hơn. Tai nạn giao thông được kiểm soát, trong đó số người chết kéo giảm rất sâu (giảm 81 người, đạt tỷ lệ 10,19% so với năm 2016).

TPHCM ưu tiên đầu tư hạ tầng gắn với các hướng phát triển chính của thành phố về phía Đông, phía Nam. Ở phía Đông, TPHCM đầu tư mở rộng Xa lộ Hà Nội; làm cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro số 1...

Trong khi đó (sân bay Tân Sơn Nhất năm 2017 đã đạt 37 triệu lượt khách, tăng 11% so với 2016 (32,5 triệu khách).

Về chống ngập, giám đốc Sở GTVT cho biết trong năm 2017 đã hoàn thành và xoá được 12 điểm ngập, tăng 10 điểm so với 2016 và nâng số điểm ngập đã xoá lên 14/40 điểm, đạt 35% so với chương trình giảm ngập nước đến năm 2021. TPHCM sẽ tập trung triển khai dự án giảm ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu với khối lượng thi công đã đạt 70%, dự kiến đưa vào khai thác trong năm nay để giải quyết ngập cho lưu vực 570 km2 (khoảng 6,5 triệu dân) khi chờ những giải pháp căn cơ hơn.

Cần giải pháp thông minh

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, kẹt xe, Giám đốc Sở GTVT đã nói có các giải pháp khắc phục ùn tắc cục bộ xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và điều tiết thông minh tại hầm Thủ Thiêm nhưng về dài hạn thì không thể né tránh được. Nếu không có đường vành đai 2, vành đai 3 thì không thể nào bớt kẹt xe. Phải đầu tư tăng tốc lên.

Theo ông Nhân, TPHCM cần có kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư. Đường vành đai 2 cần nối liền vì chỉ còn 14 km. Với chiều dài gần 100 km và kinh phí đầu tư khoảng 800 triệu USD, TPHCM phải bàn liên kết vốn với các tỉnh lân cận để làm đường vành đai 3.

“Trong nội đô, quy hoạch xây dựng các đồng chí cần lưu ý. Cấp phép mà xây chung cư, khách sạn cho nhiều thì cũng kẹt xe khủng khiếp”, ông Nhân lưu ý.

Bí thư Thành uỷ TPHCM cho rằng so với kẹt xe, giải quyết nạn ngập nước còn khó khăn hơn. Ngập nước do 2 nguyên nhân chính là mưa và triều cường; cứ đến hẹn triều cường lại lên và có thể biết trước chu kỳ. Mưa cũng tương tự, có chu kỳ, lượng mưa. Vì vậy, ngập nước là tác động có chu kỳ. Các giải pháp về bản chất cũng phải giải quyết vấn đề chu kỳ.

“Chúng ta đang làm dự án kiểm soát triều, đó là một phần của thoát nước theo chu kỳ. Nhưng còn một chu kỳ nữa chưa biết đến bao giờ nước biển dâng, chưa biết bao giờ nước rút xuống”, ông Nhân lưu ý.

Người đứng đầu thành phố cũng chỉ ra phải rà soát quy hoạch thoát nước của toàn thành phố và muốn khắc phục ngập nước thì phải làm sao cho nước đừng tràn vào. Đó mới là giải pháp căn bản chứ không phải nước vào là xây nhà, xây đường cao hơn như TPHCM đã làm ở quận 6, Bình Chánh… đường không ngập nhưng lượng nước vẫn như cũ nên nhà dân xung quanh bắt buộc phải bị ngập.

“Muốn chống ngập thì đừng để nước ngập. Như đường Nguyễn Hữu Cảnh, ngập nước do mưa và ngập nước do triều cường. Qua 4 tháng chạy thử, “siêu” máy bơm chỉ hoạt động 14 lần, trừ một lần cống tắc, nước không xuống để bơm, còn 13 lần bơm là nước rút hết. 14 lần hoạt động trong vòng 5 tháng, mùa khô không hoạt động, tính ra một năm hệ thống máy bơm hoạt động có 5% số ngày, còn 95% thì không hoạt động. Hôm nọ Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến báo cáo, có thể sẽ nghiên cứu một số giải pháp khác”, ông Nhân cho hay.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thoát nước là vấn đề khoa học và kinh nghiệm trị thuỷ, TPHCM cần tham khảo, học tập kinh nghiệm các nước. Đơn cử như Hà Lan có hệ thống đê biển rất tốt nhưng họ đang nhận thức lại là chống ngập theo phương thức chung sống với nước biển chứ không phải làm một con đê càng to, càng tốt vì rất tốn kém và Việt Nam cũng cần xem xét lại việc xây tuyến đê từ Gò Công đến Vũng Tàu.

“Chúng tôi gặp một chuyên gia Nhật. Ông ta nói Tokyo cũng bị ngập từ nửa thế kỷ trước nhưng họ không làm đê. Họ đào trong lòng đất những hồ rất lớn để chứa nước. Khi nào mưa, nước triều lên thì chứa. Mưa lớn, van sẽ tự hoạt động đẩy nước từ trong hồ ra biển để lấy chỗ chứa nước mưa, không cần bơm. Sắp tới đề nghị Chủ tịch UBND thành phố tổ chức đoàn đi tham quan, học tập. Công nghệ của Nhật rất đáng học tập”, ông Nhân lưu ý.

MỚI - NÓNG