Năng suất lao động

TP - Cuối tuần qua, phần thảo luận tại nghị trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đáng chú ý có ý kiến phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TPHCM về vấn đề năng suất lao động thấp của Việt Nam.

Theo ông Nhân, chúng ta cần phải phân biệt rõ năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Trong đó yếu tố quyết định của năng suất lao động kỹ thuật chính là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng của người lao động sử dụng thiết bị. Còn năng suất kinh tế lại mang nặng yếu tố thị trường, được đo bằng giá trị gia tăng của một lao động tạo ra. Năng suất lao động kinh tế được tính bằng năng suất kỹ thuật nhân với giá bán một sản phẩm trừ đi chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động. 

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nêu số liệu thống kê: Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 4.019 USD, so với Thái Lan 11.633 USD, chúng ta thấp hơn 3 lần. Năng suất của Malaysia gấp chúng ta 5 lần, Hàn Quốc gấp 14 lần, Nhật Bản gấp 18 lần và Singapore gấp 25 lần. Đây chính là năng suất lao động kinh tế, không phải năng suất lao động kỹ thuật. 

“Yếu tố năng suất lao động kỹ thuật cao không tự nó đảm bảo năng suất lao động kinh tế cao”. ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân phân tích và dẫn chứng : Năng suất cà phê của Việt Nam rất cao, sản lượng thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng thu nhập không cao. Trong nông nghiệp, hộ nông dân cá thể có thể là người sản xuất giỏi nhưng không thể là người kinh doanh giỏi vì không biết dự báo nhu cầu thị trường, không biết tiêu thụ sản phẩm. 

Đến đây, tôi chợt hiểu cái quy luật nghiệt ngã của kinh tế thị trường mà người nông dân Việt Nam đã và đang phải hứng chịu, hết năm này tới năm khác, đó là điệp khúc “được mùa – mất giá”, thậm chí giá về zero tức phải đem bỏ đi vì không có ai mua. Dưa hấu, củ cải, dứa hay gần đây là thanh long là những ví dụ đau lòng cho hiện tượng: Năng suất kỹ thuật rất cao (được mùa) song năng suất kinh tế lại cực thấp, thậm chí âm, dẫn đến khánh kiệt gia tài người nông dân. Lỗi này đâu chỉ tại nông dân ? Một thị trường phân phối nông sản lành mạnh, văn minh hiện đại, không để cho tư thương lũng đoạn, ép giá, ai sẽ tạo dựng cho người nông dân, nếu không phải nhà nước?

Là giáo sư kinh tế, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đã có những luận giải tường minh và dễ hiểu về thực trạng năng suất lao động của Việt Nam, từ đó đưa ra những kiến nghị xác đáng liên quan tới 8 nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động. Làm rõ nội hàm của năng suất lao động, trong một phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp tới toàn thể cử tri cả nước, giúp người dân hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về một chỉ số thống kê của nền kinh tế nước nhà từng gây nhiều sự chú ý của dư luận, đó là điều hết sức cần thiết.

Lâu rồi, mới thấy một quan chức cấp cao là ĐBQH chủ động đăng đàn phát biểu ý kiến từ hàng ghế ĐBQH, rất chi tiết và cụ thể, trong một phiên thảo luận hội trường của Quốc hội. Không hiểu sao, hiện tượng này vẫn còn hiếm thấy trong các buổi thảo luận nghị trường ở ta?

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.