Nâng viện phí mà phải chi trả toàn bộ thì dân không kham nổi

Nâng viện phí mà phải chi trả toàn bộ thì dân không kham nổi
TP - Theo Ủy ban T.Ư MTTQ VN, thời gian vừa qua việc đề xuất tăng học phí, viện phí, tiến hành cổ phần hóa bệnh viện công và những biểu hiện thương mại hóa trong giáo dục, y tế..., đang gây lo lắng cho người dân.
Nâng viện phí mà phải chi trả toàn bộ thì dân không kham nổi ảnh 1

Tiền phong đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, về vấn đề nêu trên. Bà Mai nói:

Tôi nghĩ rằng cần tiếp tục làm rõ quan điểm về vấn đề xã hội hóa trong điều kiện mới. Thực tế nhiều nước đã cho thấy một mình Nhà nước không thể lo nổi các dịch vụ công như giáo dục, y tế..., mà phải có sự tham gia của người dân.

Dĩ nhiên, tuỳ theo điều kiện của các nước khác nhau thì người dân sẽ tham gia ở mức độ khác nhau.

Nhưng dù sao, cũng cần dựa trên quan điểm cơ bản, đó là giáo dục cũng như y tế là những chính sách lớn liên quan đến an sinh xã hội và Nhà nước đóng một vai trò quan trọng. Do vậy, xã hội hóa y tế, giáo dục cần có sự định hướng rõ ràng, trên cơ sở đó mới có thể xác lập được các bước đi cụ thể.

Mới đây, báo Tiền phong có đưa tin về kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, theo đó nhiều trường học trên địa bàn tỉnh này đã thực hiện đến 45 khoản thu các loại từ học sinh. “Xã hội hóa” như vậy quả là đáng lo, thưa bà?

Giáo dục và y tế là những lĩnh vực thuộc về an sinh và phúc lợi xã hội. Như vậy, Nhà nước phải lo phần cơ bản, ví dụ như với giáo dục thì Nhà nước phải lo phần phổ thông, còn phần đào tạo thì có thể mở rộng xã hội hóa. Trong phần phổ thông thì học phí phải thấp, thậm chí đối với phổ cập phải miễn phí.

Nói đến xã hội hóa và sự tham gia của người dân thì không có nghĩa sự tham gia đó đồng đều, mà cần có sự phân hóa. Kể cả đầu tư của Nhà nước ở các mức độ khác nhau, cũng cần thể hiện sự phân hóa, để làm rõ chính sách của Nhà nước muốn quan tâm đến vấn đề gì và đối tượng nào.

Ví dụ, trong quá trình phát triển Nhà nước cần phải dành sự đầu tư ngân sách cho những vùng khó khăn, vùng nông thôn, những nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội...

Tôi nghĩ rằng nếu đã xem y tế là một phần phúc lợi của xã hội, thì Nhà nước phải đầu tư ở mức độ cơ bản để phục vụ cho toàn bộ người dân, không kể người dân đó giàu hay nghèo. Còn người dân nào có thu nhập khá hơn, người ta có thể lựa chọn thêm các dịch vụ đáp ứng yêu cầu của mình.

Nâng viện phí mà phải chi trả toàn bộ thì dân không kham nổi ảnh 2
Người dân lo lắng khi đề cập đến việc tăng viện phí (ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi T.Ư) - Ảnh: Phạm Yên

Thưa bà, không phải đến bây giờ những vấn đề liên quan đến học phí và viện phí mới được đặt ra. Trong khi báo chí đã phản ánh có những người dân đau ốm nhưng không dám đi viện vì sợ ... viện phí?

Lâu nay dư luận rất lo lắng khi đề cập đến việc tăng viện phí hoặc học phí, vì vậy những phương án này đã được trình ra mấy lần, đặc biệt là ở HĐND một số tỉnh, thành phố lớn, nhưng vẫn đang để lại để chờ những thống nhất về mặt chủ trương.

Bên cạnh học phí, dự kiến về viện phí mới cũng đang được quan tâm. Tôi cho rằng viện phí phải được xác lập theo hướng tính đúng tính đủ, nhưng không có nghĩa là người dân phải trả chừng đó, mà tính đúng tính đủ ở đây là để đánh giá hiệu quả đối với dịch vụ đang cung cấp.

Từ cơ sở của việc tính đúng tính đủ, mới tính toán được người dân sẽ tham gia bao nhiêu, Nhà nước sẽ tham gia bao nhiêu, như vậy các cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm hơn.

Nếu chúng ta không tính đúng tính đủ, thì sẽ khó trả lời khi đặt vấn đề đầu tư của Nhà nước đã đáp ứng yêu cầu hay chưa. Tức là không rõ đầu ra của đồng tiền Nhà nước và nhân dân đóng góp.

Nếu tính đúng tính đủ thì viện phí mới sẽ rất cao, thưa bà?

Tôi thấy Chính phủ đang dự kiến đưa ra hai bước. Bước đầu tiên là tính đúng tính đủ chi phí trực tiếp cho người bệnh, còn toàn bộ những đầu tư khác về cơ sở vật chất Nhà nước vẫn bao cấp. Qua quá trình thực hiện viện phí mới, tổng kết và rút kinh nghiệm mới có bước tiếp theo.

Theo tôi, việc xác định hai bước đi như vậy là phù hợp, bên cạnh đó BHYT sẽ góp phần giải quyết cơ bản vấn đề. Đất nước chúng ta còn nghèo, đa số người dân đang sống ở mức trung bình trở xuống, nâng mức viện phí lên mà phải chi trả toàn bộ thì dân không kham nổi.

Con đường để giải quyết phải là BHYT, số đông mua để chia sẻ rủi ro cho số ít người bệnh. Như vậy cần phải đưa ra các chính sách để người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi... mua BHYT.

Nhưng thực tế BHYT đang gánh nặng nỗi lo “vỡ quỹ”, đặc biệt với quy định mới về BHYT tự nguyện thì đã có lo ngại là chỉ có người ốm đau mới tham gia, thưa bà?

Đó là một vấn đề đối với BHYT, nhưng lúc này chưa thể bàn ngay về chính sách tổng thể đối với BHYT mà phải đợi đến đầu năm 2008, khi Chính phủ trình ra QH dự án Luật BHYT. Theo đó sẽ có rất nhiều chính sách liên quan đến BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện, quỹ BHYT...

Đến lúc đó, Quốc hội sẽ có điều kiện để thảo luận rộng rãi các chính sách về BHYT. Có thể nói BHYT là một giải pháp tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe cho người dân và cần nhanh chóng đưa ra các chính sách phù hợp, vừa rồi chúng ta đã đưa ra một số chính sách nhưng còn mang tính chắp vá...

Cảm ơn bà!                                                  

Võ Văn Thành
(thực hiện)

MỚI - NÓNG