Nát rừng Măng La

Nát rừng Măng La
TP - Lâm tặc phá nát rừng tự nhiên ở tiểu khu 496, 499 của Lâm trường Măng La (Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông), tỉnh Kon Tum. Khi vụ việc được phát hiện thì chẳng thấy bóng dáng lâm tặc đâu.

Ngay sau khi thông tin Bí thư Huyện ủy Kon Plông Nguyễn Đức Tuy phát hiện tình trạng lâm tặc hoành hành rừng tự nhiên của Lâm trường Măng La, chúng tôi có mặt tại UBND xã Hiếu. Một kiểm lâm viên (Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông) dẫn đường, chúng tôi đi vào đường Trường Sơn Đông-đoạn mới được bê tông ở xã Hiếu để vào khu vực lâm tặc đang hoành hành.

Lội vào rừng khoảng 15 mét, chúng tôi gặp một bếp ăn của lâm tặc vẫn còn tro than. Kế bên là một số vật dụng bọn lâm tặc bỏ lại như bình rượu cần rỗng, mũ... Cách bếp ăn khoảng 20 mét, những cây gỗ xoan đào bị lâm tặc cưa xẻ, bỏ lại ngổn ngang, gốc cây ứa nhựa đỏ bầm.

Theo biên bản của đoàn kiểm tra huyện, có 6 điểm tập kết gỗ sát bìa rừng với khối lượng thu được: 73,84m3. Cụ thể gồm: 126 tấm, hộp gỗ dổi (13,181 m3); 502 tấm, hộp gỗ xoan đào (60,659 m3).

Khu rừng bị lâm tặc hoành hành tả tơi nằm dọc hai bên đường Trường Sơn Đông, dài khoảng gần 20 km. Một thành viên trong Đoàn kiểm tra và truy quét lâm tặc cho hay: “Hiện trường cho thấy có nhiều nhóm lâm tặc khai thác tại đây”.

Chủ tịch UBND xã Hiếu Nguyễn Văn Hùng xoa ống chân tím bầm vì bị ngã trong lúc truy quét kể: “Khi Bí thư huyện Nguyễn Đức Tuy phát hiện và chỉ đạo các ngành chức năng tập trung lực lượng kiểm soát, thu giữ và vận chuyển gỗ trái phép về Hạt Kiểm lâm huyện. Tưởng đã yên, nhưng sau đó một ngày, đoàn của huyện truy quét vào rừng vẫn phát hiện một nhóm lâm tặc ngang nhiên khai thác. Đoàn truy quét đã áp sát và kêu gọi nhóm lâm tặc đứng im, nhưng bọn chúng đã xách cưa xăng bỏ chạy tán loạn”.

Đội truy quét thu giữ 1 giấy chứng minh nhân dân, 1 giấy phép lái xe mô tô, 2 thẻ ATM Ngân hàng Nông nghiệp, một điện thoại di động, 10 cái võng và 1 xe mô tô.

Lâm tặc có cánh?

Không ai biết trước khi ông Tuy phát hiện, có bao nhiêu gỗ đã ra khỏi tiểu khu 496, 499. Chỉ biết rằng, rừng tự nhiên ở các tiểu khu này đã bị phá nát. Bằng cách gì lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng? Bởi đường Trường Sơn Đông đoạn từ xã Hiếu đến huyện Kbang chưa thông, lâm tặc đưa gỗ đi tiêu thụ chỉ có thể xuôi đèo Vi Ô Lắk về Quãng Ngãi hay ngược quốc lộ 24 về thành phố Kon Tum, trong khi đó, ngay tại đèo Vi Ô Lắk lại có một đội kiểm lâm cơ động của tỉnh thường xuyên túc trực và nếu ngược Quốc lộ 24 về thành phố Kon Tum thì xe chở gỗ sẽ qua bao nhiêu “cửa ải” Hạt kiểm lâm, Công an, Lâm trường... Con kiến còn khó lọt, nói gì cả xe gỗ cồng kềnh. Thế mà…

Rừng tự nhiên vùng đông Trường Sơn được xem như mái nhà chung che chở cho người dân sở tại và người dân miền xuôi, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH và quốc phòng. Với tốc độ phá rừng như thế này, điều gì sẽ xảy ra?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.