Phủ Lý-Hà Nam: Rết tấn công nhà dân

 Phủ Lý-Hà Nam: Rết tấn công nhà dân
Địa bàn úng ngập, môi trường ô nhiễm là nguyên nhân chính khiến hàng trăm con rết tung hoành tấn công nhà dân. Trẻ em là đối tượng có thể bị rết tấn công bất cứ lúc nào.

Sáng 28/7, chị Hoàng Thị Vui và chồng là anh Nguyễn Tiến Đông tiếp tôi trong căn nhà riêng khá khang trang ở khu phố mới tổ 15, phường Minh Khai, căn nhà mà mới bước vào không mấy ai nghĩ rết có thể “tung hoành” được.

Hai anh chị cho biết: Hiện tượng rết bò vào nhà đã xảy ra nhiều lần và có số lượng nhiều hơn mức bình thường, gây lo ngại cho cả gia đình. Rết bò vào nhà nhiều nhất khi mưa lớn vào đầu tháng 7 vừa qua.

Mấy chục con rết theo đường ống thoát nước trong nhà tắm chui lên rồi ẩn náu vào giẻ rửa bát, sọt rác, và bám vào nhiều đồ dùng khác.

Nhiều khi rửa bát bất ngờ cầm phải rết chị Vui giật nảy người vì sợ. Đôi vợ chồng trẻ cho biết đáng ngại nhất là cháu nhỏ trong nhà nhỡ vô tình chạm phải rết, bị rết cắn thì rất nguy hiểm.

Tại nhà số 133 đường Nguyễn Viết Xuân, tổ 14, phường Hai Bà Trưng, chúng tôi được chị Trần Thị Ngoãn cho hay: Chuyện rết bò vào nhà, chui vào bể nước thường xuyên xảy ra mỗi khi mưa lớn, có khi xuất hiện hàng chục con rết to ngay dưới gầm giường.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại những nơi xảy ra hiện tượng rết bò vào nhà thì hệ thống thoát nước, cống rãnh gần như mất tác dụng khi mưa lớn. Nhiều nơi xảy ra ngập sâu từ 0,5 – 0,7 mét.

Tình trạng đổ rác tùy tiện gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại nhiều khu dân cư; nhiều ao hồ lớn bị lấp đi đã tác động xấu đến khả năng thoát nước…

Ông Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Nam cho biết, Trung tâm đã yêu cầu các bộ phận chức năng kiểm tra hiện tượng rết phát triển và bò vào nhà.

Ông Thoảng thừa nhận thị xã Phủ Lý là địa bàn rất thấp, có sông Đáy chảy qua, hệ thống thoát nước thải còn nhiều hạn chế, gây úng ngập nghiêm trọng tại nhiều nơi khi mưa lớn và đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến rết xuất hiện nhiều và bò vào nhà.

Ông Thoảng cho biết thêm, nhiều năm qua, cơ quan y tế dự phòng tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào tương tự, nên hoạt động của đơn vị chưa đề cập đến phòng chống rết.

Phân tích về hiện tượng này, GS.TS Bùi Công Hiển - Giám đốc Trung tâm ứng dụng côn trùng học (ĐH KHTN) cho biết: Môi trường rết sinh sống là những nơi ẩm ướt như cống rãnh, khi nơi rết sinh sống bị ngập nước nó sẽ tìm đến những nơi cao hơn. Khi đó nó có thể tập trung vào hộ gia đình này hoặc gia đình khác.

Việc rết bò vào nhà không phải là hiện tượng gì kỳ bí mà là bình thường. Nguyên nhân là nhiều khu dân cư từ lâu chưa chú ý đến vệ sinh môi trường, nạo vét cống rãnh nên đã để lại hậu quả xấu.

Đây cũng là điều rất cần lưu ý khi xây dựng đô thị, phát triển các khu dân cư. Hiện nay vẫn chưa có quy định tiêu chuẩn về việc khi biến đất bãi tha ma, bãi rác thải thành nơi xây nhà ở thì cần phải xử lý như thế nào về môi sinh, môi trường.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nam khuyến cáo người dân cần tăng cường dọn vệ sinh nhà ở, phát quang bụi cây, ngủ màn, không nằm  dưới sàn nhà, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước tiêu chuẩn, sử dụng một số loại hóa chất… để phòng chống rết khi ngập úng, mưa nhiều.

MỚI - NÓNG