Né trạm cân xe: Tài xế nghỉ việc, xe tải nằm chờ

Xe quá tải vắng tanh tại một trạm cân xe ở Lào Cai
Xe quá tải vắng tanh tại một trạm cân xe ở Lào Cai
TP - Từ 1/4, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đã có 36/63 tỉnh, thành triển khai kiểm tra tải trọng xe lưu động trên đường bộ. Ghi nhận của PV Tiền Phong tại Lào Cai, một tỉnh giao thương xuất nhập khẩu tấp nập, các trạm cân vắng hoe vì xe quá tải đồng loạt... né.

Lái xe được báo trước?

Ngày 2/4, trao đổi với PV Tiền Phong, trung tá Đào Ngọc Toàn, Phó đội trưởng Đội Tuần tra số 6 – Phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh Lào Cai, cho biết: “Trong hai ngày đầu cân tải (1 và 2/4), chúng tôi chỉ phát hiện 18 xe vượt trọng tải trong đó có 10 xe quá tải là của các đơn vị, cá nhân người Trung Quốc. Điều đáng nói, ngày đầu phát hiện 10 xe quá tải đều là xe của Trung Quốc, không có xe nào của Việt Nam”.

Các tài xế, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về tải trọng xe? Trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng trên, ông Hà Anh Ngọc (Chánh Thanh tra, Sở GTVT tỉnh Lào Cai) xác nhận, có chuyện tài xế hoặc doanh nghiệp gọi điện đến hỏi han về chuyện kiểm tra xe quá trọng tải.

“Không chỉ chúng tôi mà cả lực lượng CSGT cũng vậy, không tránh được chuyện các đơn vị, cá nhân gọi điện hỏi han. Có khi là người nhà, người quen, cũng có khi là cả những số điện thoại lạ cũng gọi đến. Chúng tôi chỉ trả lời là có kiểm tra nhưng không nói địa điểm cụ thể và khi nào kết thúc việc kiểm tra” - ông Ngọc giải thích. Cũng theo ông Ngọc, cách trả lời như vậy cũng là một cách... tuyên truyền đến những tài xế, để họ biết chở quá tải sẽ không lưu thông được, bị phạt rất nặng.

Ông Ngọc cho biết thêm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Lào Cai đặt trạm kiểm tra trọng tải trên quốc lộ 70, nhưng do mặt đường vừa xấu vừa hẹp nên chưa thực hiện được. Việc đặt trạm cân tải tại quốc lộ 70 chủ yếu nhằm kiểm tra xe chở hàng nhập từ Trung Quốc về dưới xuôi. Xe tải dưới xuôi chuyển hàng lên đã có các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc kiểm tra.

Tài xế nghỉ việc, xe tải nằm chờ

Trước ngày triển khai cân tải lưu động, PV Tiền Phong ghi nhận có hàng trăm xe có dấu hiệu quá tải xếp hàng dài hàng chục km trên quốc lộ 70, địa phận huyện Yên Bình Yên Bái. Tài xế N.H.H. khẳng định, xe tải thường phải chở vượt tải trong thiết kế từ 4 tới 5 lần mới có lãi. Anh H. ví dụ, xe có trọng tải 15 tấn, nếu chở cát đầy thùng sẽ là 45 tấn, nếu là xi măng và đá sẽ lên tới trên 50 tấn.

“Xe tải mà chở đúng trọng tải theo thiết kế giá cước vận chuyển sẽ tăng lên từ 4 đến 5 lần, như vậy sẽ không ai dám thuê. Chạy quá tải tài xế thường phải “làm luật” và xe nhanh hỏng hóc nhưng còn sống được. Nếu làm nghiêm, các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá cước hoặc chỉ có nước... bán xe” - anh H. nói.

Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Lào Cai xin giấu tên cũng cho hay, thường ngày đơn vị vận chuyển hàng chục xe quặng về xuôi, nhưng từ ngày 1/4, khi Tổng cục Đường bộ phối hợp các địa phương kiểm tra trọng tải xe gắt gao, họ đã cho tài xế... tạm nghỉ. “Các xe tải của đơn vị chủ yếu có trọng tải 15 tấn, nhưng khi vận chuyển quặng xếp đầy thùng sẽ lên tới 60 tấn” – ông này nói.

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã có 36/63 địa phương triển khai kiểm tra tải trọng xe bằng bộ cân di động do Tổng cục cấp, trong đó có 17 địa phương duy trì hoạt động kiểm tra liên tục 24/24 giờ. Hiện còn 27 địa phương chưa thực hiện việc cân tải. Báo cáo từ các Sở GTVT cho thấy, lý do chưa thực hiện việc cân tải là UBND tỉnh chưa thành lập trạm, chưa bố trí biên chế, kinh phí hoạt động… Công an một số địa phương chưa phối hợp thực hiện.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ, từ khi thực hiện việc cân tải lưu động, xuất hiện tình trạng nhiều xe tải nằm chờ trên đường hoặc chủ động san tải để tránh bị phạt. Trong 3 ngày đầu ra quân, các địa phương đã kiểm tra 1.952 xe, trong đó có 437 xe vi phạm, chiếm tỷ lệ 22,3%...

Thiết bị kiểm tra “bó tay” với trời mưa

Theo quan sát của PV chiều 2/4 tại địa điểm cân xe di động tại Lào Cai, các thiết bị kiểm tra trọng tải xe đang hoạt động bình thường, nhưng vừa gặp trời mưa lập tức được lực lượng chức năng thu dọn lại.

Ông Hà Anh Ngọc, Chánh Thanh tra, Sở GTVT tỉnh Lào Cai giải thích, có một số thiết bị nhập ngoại thì hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, nhưng thiết bị trong nước đặc biệt là hệ thống bảng điện tử sẽ không hoạt động được khi trời mưa.

Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận các thiết bị cân tải không thể hoạt động được khi trời mưa; nhiều khả năng sẽ phải làm mái che cho các trạm kiểm tra trọng tải.

MỚI - NÓNG