Nên chọn người trẻ ứng cử đại biểu Quốc hội

Đại biểu Vũ Thị Hương Sen (SN 1986) - Hải Dương phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đại biểu Vũ Thị Hương Sen (SN 1986) - Hải Dương phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sáng 24/2, tại Hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, lưu ý các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp không nên giới thiệu người cao tuổi, sức khỏe yếu ứng cử đại biểu Quốc hội (QH). Thay vào đó, nên giới thiệu người trẻ, có sức khỏe để đủ sức “chinh chiến” 5 năm trên nghị trường.

Không nhất thiết giới thiệu cấp trưởng

Theo ông Nguyễn Văn Pha, dù luật không quy định giới hạn độ tuổi của các ứng cử viên đại biểu QH thuộc hội nghề nghiệp (vì đã nghỉ hưu), nhưng nếu các đơn vị giới thiệu ứng cử viên là người cao tuổi, sức khỏe yếu thì sợ không đủ sức “chinh chiến”. “Trong nhiệm kỳ trước, một số hội giới thiệu người ứng cử cao tuổi nên khi đi dự Hội nghị tiếp xúc cử tri không đảm bảo sức khỏe, cuối cùng bị trượt. Cấp trưởng yếu, không đủ sức khỏe thì chúng ta có thể giới thiệu cấp phó trẻ trung, đủ sức hoạt động trong 5 năm”, ông Pha nói.

Nên chọn người trẻ ứng cử đại biểu Quốc hội ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Pha

Ông Trần Tình, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, phản ánh, trong kỳ bầu cử QH khóa XIII vừa qua, Hội đã giới thiệu một ứng cử viên tiêu biểu nhưng tuổi cao. Tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều người đề nghị “các cụ già rồi nên nghỉ để cho lớp trẻ làm”; cuối cùng không trúng cử.

Ông Tình cũng phản ánh, đa số địa phương không mặn mà với các ứng cử viên do Trung ương gửi về. Do đó, cần tạo nhiều “cửa” để các ứng cử viên chọn lựa về địa phương này, địa phương kia cho phù hợp. Dẫn chứng được các đại biểu nêu ra là việc nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ứng cử ở Cần Thơ và không trúng cử. “Có đại biểu nói rằng, nhạc sĩ Hồng Quân chuyên về nhạc thính phòng, trong khi Cần Thơ chuyên về đờn ca tài tử nên khó trúng. Có ý kiến nói vui bảo, nếu anh Quân giỏi về đờn ca tài tử thì có khi lại trúng”, ông Pha kể.

Theo các đại biểu, QH khoá XIII có 15 ứng cử viên được Trung ương phân bổ về địa phương và không trúng cử, riêng khối MTTQ Việt Nam chiếm đến 7 người. Vì thế, MTTQ cần có giải pháp để ứng cử viên lựa chọn địa bàn ứng cử phù hợp. Tuy nhiên, ông Pha cho rằng, những tỉnh “lành” thì thường có rất nhiều người đăng ký ứng cử, còn những miền “đất dữ” thì tỷ lệ người đăng ký rất thấp. Do đó, việc trúng cử hay không phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tranh cử, vận động của ứng cử viên và lá phiếu của cử tri, không có cách nào khác.

Có tố cáo, khiếu nại mới xác minh tài sản

Theo ông Pha, trong hồ sơ ứng cử của các ứng cử viên, ngoài hồ sơ lý lịch, phải có bảng kê khai tài sản thu nhập theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Bản kê khai tài sản cụ thể theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các ứng cử viên phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung kê khai. “Nếu có khiếu nại, tố cáo của cử tri về việc kê khai tài sản thu nhập của ứng cử viên thì MTTQ sẽ yêu cầu xác minh theo quy trình đã được luật quy định rõ ràng. Nếu có vấn đề mới xác minh, còn không thì cứ lưu lại vì hồ sơ đó sẽ đi theo đại biểu suốt nhiệm kỳ”, ông Pha nói.

Về việc vận động bầu cử, ông Pha cho rằng, phải thực hiện theo quy định của pháp luật. “Việc vận động bầu cử ở Việt Nam chúng ta khác với những nước khác là phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ Việt Nam tổ chức. Trong một hội nghị tiếp xúc cử tri có 5 ứng cử viên thì thời lượng nói là phải ngang nhau và các ứng cử viên không được hứa những thứ không đúng, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri”, ông Pha nói.

Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong rằng, các ứng cử viên có được phép vận động bầu cử qua mạng xã hội hay không, ông Pha cho biết, không có quy định nào về việc vận động qua mạng. Các hình thức vận động là qua hội nghị tiếp xúc cử tri, hai là qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống.

MỚI - NÓNG