Nên định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng

Nên định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng
TP - Hôm nay (2/8), kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khoá XII sẽ kết thúc công tác bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao. Tổng hợp kiến nghị cử tri của Mặt trận tổ quốc gửi đến đầu kỳ họp lần này nêu rõ: “QH cần thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn”.
Nên định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng ảnh 1

Bên hành lang Hội trường Ba Đình, Tiền phong đã ghi lại ý kiến của một số đại biểu QH xung quanh vấn đề nêu trên.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý: Cần nghiên cứu việc chất vấn và điều trần tại các ủy ban

Khi tổ chức lại các bộ, cơ quan ngang bộ, nếu không khéo chúng ta lại bê y nguyên bộ máy, y nguyên chức năng nhiệm vụ của cơ quan này vào một cơ quan khác.

Như vậy nó sẽ mang tính cơ học, nghĩa là không thực hiện được cải cách hành chính, mà lại còn thêm đầu mối trong đầu mối, làm cho bộ máy càng cồng kềnh, chồng chéo, không hiệu quả.

Do vậy khi cơ cấu lại các bộ, ngành cần phải nghiên cứu tổ chức sao cho hợp lý, như vấn đề tổng cục hay không tổng cục, cục hay không cục, nơi nào là cục, nơi nào là Tổng cục, Tổng cục trong bộ như thế nào... Một bộ có rất nhiều Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, bây giờ đưa vào bộ khác một cách cơ học, sau này ở một loạt bộ mới lại theo dõi lĩnh vực như cũ, vậy thì có gì khác?

Hiến pháp và pháp luật đều đã có quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện, và cái chính là bản lĩnh của những người đại biểu nhân dân. Tôi nghĩ ở đây có 2 vấn đề, về pháp luật thì cần sửa đổi quy trình thủ tục liên quan đến việc bỏ phiếu tín nhiệm, về tổ chức thực hiện cần tạo điều kiện cho các đại biểu hơn.

Bên cạnh đó, nên có hoạt động chất vấn của QH trong kỳ họp và giữa các kỳ họp. Tới đây, nên biến việc chất vấn thành hoạt động thường xuyên và bình thường của QH. Hiện chưa có quy định pháp luật về hoạt động chất vấn hay điều trần ở các Uỷ ban của QH, nhưng đây là vấn đề cần nghiên cứu.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung: “Một số Bộ trưởng làm được ít việc quá”

Nên định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng ảnh 2

Theo tôi, bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới là tương đối hợp lý, nhưng vẫn nặng về bố trí, cơ cấu, sắp xếp. Hiện nay quản lý Nhà nước đang rất mất cân đối trên một số lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mà người dân đặt nhiều kỳ vọng.

Ví như vấn đề về an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, chống tham nhũng..., đều là những vấn đề mà quản lý nhà nước còn rất yếu. Như vậy, sự sắp xếp bộ máy Chính phủ phải đi đến kết quả cuối cùng là khắc phục được những hạn chế này.

Việc tăng số Phó Thủ tướng lên 5 người là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta đang chuyển đổi cơ chế, điều hành của Chính phủ mà ít quá thì không giải quyết được.

Về phía các bộ trưởng trong Chính phủ nhiệm kỳ mới, tôi kỳ vọng đó sẽ là những người dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là có tư duy và cách làm mới. Trong nhiệm kỳ vừa qua, một số Bộ trưởng làm việc rất năng động, có hiệu quả. Đơn cử như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, mặc dù mới làm Bộ trưởng một thời gian ngắn nhưng đã làm được một số việc, như làm sáng tỏ được chất lượng giáo dục hiện nay.

Nhưng cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, ở một số bộ, Bộ trưởng làm được ít việc quá. Một số tiêu cực, yếu kém chậm được khắc phục, những vấn đề mới chậm được tiếp thu và hiệu quả mang lại tất nhiên không tốt lắm. Tôi nghĩ QH nên định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm để xem việc làm của Bộ trưởng đến đâu. Nhưng theo tôi, họ phải là những con người có tài năng để giải quyết thực tiễn. Chỉ có điều, chúng ta lựa chọn và bố trí hợp lý hay không?                                                                                                         

Thành Vinh ghi

MỚI - NÓNG