Nên mang niềm vui sớm cho người nộp thuế

Nên mang niềm vui sớm cho người nộp thuế
TP - “Luật sửa đổi nên có hiệu lực từ 1-1- 2013. Nên mang niềm vui đó đến sớm” - ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) (ảnh) phát biểu tại tổ chiều 5 - 11 khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Một số đại biểu đồng tình.

> Giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng

9 triệu đồng cũng sẽ lạc hậu

ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng, theo quy luật thì lương tăng là giá cả tăng theo. Do vậy, nên lấy lương tối thiểu làm cơ sở tính mức khởi điểm chịu thuế. Ví như, khởi điểm chịu thuế bằng 6 lần mức lương tối thiểu.

 “Chúng ta ban hành Luật Thuế TNCN có phần vội vàng. Lúc nào đời sống nhân dân có điều kiện hơn thì mới thu thuế TNCN. Lần này nâng mức GTGC thì còn 1 triệu người nộp thuế mà vẫn gọi là thuế TNCN thì không có ý nghĩa. Số lượng người nộp quá ít, tập trung vào những người thu nhập cao thì cần đổi thành Luật Thuế thu nhập cao”.  

“Hiện nay chúng ta nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho cá nhân người nộp thuế lên 9 triệu thì có bằng 4 triệu của năm 2007 hay không trong bối cảnh lạm phát tăng cao trong mấy năm gần đây. Việc mặc định mức 9 triệu thì trước sau gì cũng phải điều chỉnh. Có doanh nghiệp sẽ kê bảng lương người lao động là 8,95 triệu để tránh phải nộp thuế. Ngân sách sẽ bị thất thoát chứ không phải tăng được nguồn thu.”- Ông Quang dẫn bất cập này và đề nghị không nên chốt con số GTGC cố định trong luật mà nên dựa vào lương tối thiểu biến động hàng năm.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho biết, việc sửa Luật Thuế TNCN cấp bách bởi hiện nay nhiều quy định không còn đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Chi phí giáo dục, y tế, xăng dầu, lương thực… tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống người có thu nhập.

“Hiện tại tôi đồng ý nâng mức GTGC lên 9 triệu đồng. Tuy nhiên, mức này sẽ nhanh chóng trở lên lạc hậu.”- Bà Hường cho biết và cũng đồng tình lấy lương tối thiểu để tính mức GTGC.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhận định, mức khởi điểm 9 triệu là thấp bởi giá cả biến động lớn. Ở TP HCM thu nhập vậy là thấp chứ chưa phải mức trung bình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, nâng mức GTGC lên 9 triệu đồng là phù hợp thực tế, không thể thấp hơn được. “Chính phủ đã cân nhắc kỹ, không có lý gì đại biểu của dân lại lo hụt ngân sách mà không khoan sức dân.

Trong bối cảnh hiện nay, giảm được sự đóng góp của dân là tốt, nhà nước phải điều tiết khoản chi tiêu của mình.”- Ông Thông nói.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề xuất, nên quy định ngay trong luật về mức GTGC khi lạm phát tăng. “Lạm phát tăng 8%, nên nâng GTGC tương ứng 8%.

Hiện nay thiết kế bằng những con số tuyệt đối, trong khi lạm phát tăng cao, ảnh hưởng ngay đến “nồi cơm” mỗi gia đình” - Ông Thường nói.

Nên mang niềm vui đến sớm

Giá cả sinh hoạt tăng cao, người nộp thuế khó khăn Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá cả sinh hoạt tăng cao, người nộp thuế khó khăn.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, việc nâng mức khởi điểm chịu thuế đã mang niềm vui đến cho người dân.

“Hiện nay người nộp thuế khó khăn do giá cả sinh hoạt tăng cao, Quốc hội phải ban hành nhiều nghị quyết miễn giảm thuế TNCN trong những năm qua. 2013 tăng lương khó khăn thì nâng mức GTGC càng có ý nghĩa. Do vậy, Luật sửa đổi nên có hiệu lực ngay từ 1-1- 2013 thay vì 1- 7. Đã mang niềm vui cho người nộp thuế thì nên mang niềm vui đó đến sớm”- Bà Hường chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Phi Thường nói, luật sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2013 sẽ giúp nuôi dưỡng đầu tư xã hội.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP HCM) đề xuất, nên giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,5 triệu. “Với người phụ thuộc bị bệnh nan y mà chỉ giảm 3,6 thì thấp, do vậy, nên bổ sung đối với những trường hợp này thì tăng mức giảm trừ gấp đôi là 7,2 triệu/người” - Ông Minh nói.

Đề xuất giảm thuế với đầu tư chứng khoán

ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, một số quy định trong luật còn cứng nhắc, không thể hiện được quan điểm là “có thu nhập mới phải chịu thuế”.

Dẫn thực tế thị trường chứng khoán, ông Thường chỉ ra, thời gian qua đa phần nhà đầu tư thua lỗ, nhưng phương thức tính thuế TNCN hiện nay hướng theo sự tận thu.

“Mặc dù luật quy định hai phương thức tính thuế nhưng đa phần hiện nay là thu thuế theo giá trị lần giao dịch. Như vậy, nhà đầu tư lỗ vẫn phải nộp thuế TNCN” - Ông Thường nói.

Hiện nay, nhà đầu tư rời bỏ thị trường, ¾ công ty chứng khoán khó khăn, thị trường chứng khoán không còn là kênh dẫn vốn của nền kinh tế mà phải phụ thuộc vốn ngân hàng, tạo nên nhiều hệ lụy.

Ông Thường đề xuất, miễn giảm thuế từ đầu tư chứng khoán để hỗ trợ thị trường phát triển.

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) lo ngại, từ 2,8 triệu người phải đóng thuế hiện nay sẽ giảm còn 1 triệu người. Như vậy, ngân sách sẽ thâm hụt khá lớn.

Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) lạc quan, không nên quá lo ngại nâng mức GTGC sẽ ảnh hưởng đến ngân sách. Thực tế, 73% người đang nộp thuế bậc 1 nhưng chỉ đóng góp 10% tổng thu. Ông Ngân đề nghị giảm số bậc thuế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG