Nên nghiên cứu chế tài xử phạt của nước ngoài

Nên nghiên cứu chế tài xử phạt của nước ngoài
TP - Tôi đang sống tại Mỹ, mỗi lần về nước thấy tình hình giao thông thật khủng khiếp, nhất là tại các đô thị. Với những gì được chứng kiến tình hình giao thông tại Mỹ, tôi xin đưa ra mấy ý kiến để mọi người cùng tham khảo.
Nên nghiên cứu chế tài xử phạt của nước ngoài ảnh 1
Một tay cầm lái, một tay giữ hàng. Ảnh: Phạm Yên

1- Ở Mỹ, đương nhiên người lái xe đều phải có đủ tuổi, đầy đủ sức khỏe (mắt sáng, thần kinh bình thường). Trước khi lái xe phải được huấn luyện và thi đậu bằng lái loại xe mà đương sự sử dụng.

Bằng lái xe được gia hạn 2, 3, hoặc 4 năm. Mỗi lần gia hạn lại bằng lái, phải kiểm tra lại sức khỏe, lý lịch, nơi cư ngụ, đồng thời cũng là dịp để phát giác người chưa nộp phạt.

Người dân phải trang trải phí tổn gia hạn bằng lái xe và đó cũng là khoản đóng góp để chính phủ có thêm kinh phí đầu tư trở lại cho an ninh giao thông.

2- Trẻ em cũng được dạy về luật lệ giao thông ngay từ lúc mới vào trường, và môn học này được học đi học lại thường xuyên mỗi năm, như một môn học bắt buộc của công dân.

Điều này, khiến ngay từ khi còn nhỏ, các em đã phải chấp hành luật lệ giao thông mỗi khi đi trên đường, khi lên xuống xe buýt, để tránh tai nạn cho chính mình và người khác.

3- Xe nào cũng phải đóng bảo hiểm hàng năm để phòng tai nạn, chi phí bệnh viện, thuốc men cho người lái xe và người bị tai nạn, bất kỳ lỗi thuộc về ai.

Người nào lái cẩn thận thì đóng tiền bảo hiểm ít, người nào vi phạm luật giao thông, bị phạt nhiều thì phải đóng phí bảo hiểm cao. Đây là một hình phạt bổ sung rất hữu hiệu đối với người lái xe ẩu. Tiền bảo hiểm cũng tăng cao đối với các Cty hay cơ sở nào có tài xế thường vi phạm luật giao thông.

4- Khi có tai nạn nghiêm trọng thì người lái xe được thử nồng độ rượu, chất ma túy hay các độc dược khác. Lái xe nào uống rượu hay thuốc kích thích thần kinh (ma túy) trong khi lái xe dù có gây tai nạn hay không cũng phải chịu hình phạt tù và tiền rất cao.

Đối với các vi phạm vì lơ đễnh như đi với vận tốc nhanh khi có bảng giảm tốc độ, vượt đèn đỏ, không tạm ngừng nơi có bảng ngừng cũng bị phạt tiền khá cao (thường bằng 4 hay năm ngày làm việc của lương tối thiểu).

Tuy nhiên có nhiều đại gia không sợ trả tiền phạt, nên luật pháp cho phép cảnh sát áp dụng biện pháp như: Người vi phạm giao thông bị đưa ra trước tòa để xử phạt. Họ thường có các phiên tòa xử ngoài giờ làm việc cho người vi phạm đến hầu tòa.

Sau khi ra tòa, có khi người vi phạm bị mất một hai buổi đi về mới nhận được quyết định xử phạt và nộp tiền. Việc mất thời giờ và công đi lại làm các đại gia cũng phải ngán ngại, không dám vi phạm luật lệ giao thông.

Tại Việt Nam xe máy là phương tiện giao thông chính, theo tôi người sử dụng xe cần phải được huấn luyện, thi bằng lái xe và bằng lái phải được gia hạn 2 năm một lần.

Các xe chuyên chở phải được kiểm soát chất lượng 6 tháng một lần để tránh sự cố gây tai nạn. Phải có chế độ lương bổng riêng cho cảnh sát giao thông để tránh cảnh vì túng thiếu mà sinh tiêu cực.

Tăng tiền thưởng cao cho những cảnh sát giao thông có công trong việc khám phá, ngăn chặn, tịch thu các phương tiện và người vi phạm giao thông, đó là phần thưởng thực tế hơn là những lời khen suông.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.