Nén tâm hương 30 năm cháy mãi

Quét dọn nghĩa trang
Quét dọn nghĩa trang
TP - Ngót 3 thập kỉ trôi qua, ông Nguyễn Văn Nở, 50 tuổi và vợ mình - bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, 52 tuổi vẫn thay phiên nhau chăm sóc những ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TPHCM.

“Có việc gì phải đi xa dù chỉ một ngày tôi lại thấy nhớ nghĩa trang, cũng chẳng biết vì lý do gì”, ông Nở trải lòng về nơi ông gắn bó gần nửa đời người.

Vẫn chưa thoát khỏi hộ nghèo, vẫn phải ở nhà thuê, vợ chồng ông Nở bà Hiệp bao năm qua đem tình thương để chăm nom những ngôi mộ liệt sĩ. Không phải vì lương thưởng hay màng chút danh, họ làm vì đạo nghĩa và tình thương đối với những người đã khuất.

Cái duyên với việc nghĩa

Trong thâm tâm ông Nguyễn Văn Nở, công việc quản trang, chăm nom từng ngôi mộ cũng như việc chăm sóc một người sống, đều phải làm đàng hoàng, gọn gàng và sạch sẽ. Ông làm vậy vì mong muốn để người khuất núi được yên lòng, ấm mồ ấm mả. “Làm bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với người đã khuất thì mới gắn bó lâu dài được. Làm vì đồng tiền lại càng không thể được. Người chết cũng như người sống, đều phải được chăm lo đàng hoàng”, ông Nở tâm sự. Bởi chính tấm lòng của người sống hôm nay, nên hai vợ chồng mới có thể đảm nhận công việc này hơn 30 năm qua. Từ thuở nghĩa trang mới được dựng lên vào năm 1982, ông Nở đã đến chăm lo cho chốn này. Hồi đầu, một người thương binh tiếp nhận quản lý, săn sóc nghĩa trang. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau người này không thể làm tiếp vì… không dám vào đây nữa. Ông Nở kể rằng, người thương binh ấy phải rời đi phần vì sức khỏe, phần vì sợ sệt không gian nơi đây.

“Làm bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với người đã khuất thì mới gắn bó lâu dài được. Làm vì đồng tiền lại càng không thể được. Người chết cũng như người sống, đều phải được chăm lo đàng hoàng”.

 Ông Nở tâm sự

Ông Nở lại khác. Tuy không phải là người bước ra từ cuộc chiến, ông lại đến với việc chăm nom nghĩa trang như một mối duyên định. Thuở nghĩa trang còn lác đác vài ba ngôi mộ, cỏ mọc um tùm, ông đến góp sức cùng những người khác làm việc nghĩa. Có một khoảng thời gian ông không tham gia nữa, nhưng rồi thấy bỏ đi không đành, ông quay lại đây tiếp tục bầu bạn, săn sóc những ngôi mộ liệt sĩ.

Nhớ lại năm xưa, khi ấy thấy bộ đội mang hài cốt liệt sĩ về khu đất này chôn cất, nhiều lúc ông mang đèn măng- sông qua phụ giúp các anh. Từ những nghĩa cử nhỏ nhặt không tên ấy đã nhen lên trong ông sự trân trọng, cảm tình với mảnh đất này, để rồi về sau khó có thể rời đi. Hàng chục năm trời làm người quản trang, ông nhiều lần theo đoàn này đoàn kia đi cất bốc mộ, nhiều nấm mồ không tên, hài cốt cũng không mang theo chứng từ, giấy tờ gì. Mang về có sao để vậy, ghi vào hồ sơ quản lý, liệt sĩ khuyết danh. Bởi vậy, theo ông trong số hơn 730 mộ liệt sĩ đang nằm tại nghĩa trang Tân Xuân thì có đến hơn 200 mộ chưa xác định danh tính, gốc gác.

Nén tâm hương 30 năm cháy mãi ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Nở bên các phần mộ liệt sĩ
Bao nhiêu năm gắn bó với mảnh đất này, giờ ông Nở nhớ gần trọn tên tuổi, vị trí của từng liệt sĩ an nghỉ tại nghĩa trang. Khi phải rời chân đi đâu một ngày đối với ông cũng cảm thấy quyến luyến, nhớ nhung. Kỉ niệm, dấu ấn với nơi này cũng không ít. Ông Nở vẫn còn nhớ như in câu chuyện về một thương binh lặn lội nhiều năm để đưa hài cốt đồng đội mình về với mảnh đất quê hương. Năm đó hai người tập kết ra Bắc, chung vai sát cánh cùng đơn vị, rồi người đồng đội hy sinh trong một trận chiến. Thi hài người chiến sĩ này được đồng đội an táng ở một địa điểm cố định. Sau này trở về địa phương Hóc Môn, người thương binh quyết tâm quay lại nơi an nghỉ năm xưa của đồng đội để đưa hài cốt về quy tập tại nghĩa trang quê nhà vào khoảng năm 1985-1986. Tiếp đó, người thương binh lại trăn trở tìm cách liên lạc với gia đình liệt sĩ để thông tin cho họ nhận người thân. Mọi chuyện đang tiến hành thì người thương binh ấy qua đời.  

“Nhưng cái hậu tốt đẹp cuối cùng cũng đến, vài năm sau, qua đường dây liên hệ trước đó với người thương binh nghĩa tình này, thân nhân của liệt sĩ cũng đã tìm đến nghĩa trang Tân Xuân và đón nhận hương hỏa cha ông mình”- ông Nở kể lại.

Nỗi trăn trở

Những năm qua, không chỉ riêng mình ông Nguyễn Văn Nở đảm nhận việc chăm sóc các ngôi mộ liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp vợ ông cũng phụ với chồng lo liệu thêm. Công việc quét dọn, tưới nước, chăm cây trông đơn giản vậy chứ loay hoay cũng hết ngày. Khuôn viên nghĩa trang có nhiều cây, mới quét dọn sáng đó, chiều chiều lại đầy lá rụng. Cứ vậy, ngày nào hai vợ chồng cũng có việc để làm. Đời sống kinh tế dù còn gặp khó khăn, hai vợ chồng cùng con phải ở nhà mướn, nhưng ông Nở vẫn tiếp tục gắn bó với công việc bao năm qua.

Nén tâm hương 30 năm cháy mãi ảnh 2

Vẫn còn hơn 200 phần mộ liệt sĩ vô danh ở nghĩa trang

Cuộc sống dẫu chật vật nhưng quan trọng được làm việc đúng với tâm nguyện của con người ông, được góp chút công sức trong việc giữ gìn mái nhà chung của những người con anh hùng Mười tám Thôn Vườn Trầu, nơi từng là căn cứ kháng chiến nổi tiếng đất Hóc Môn - Củ Chi năm xưa. Đó là điều mà vợ chồng ông lấy làm tự hào.

Nhiều năm nay, ông Nở vẫn canh cánh nỗi niềm làm sao để có được một hiên nhà quản trang ở bên trong. Không ít lần ông bứt rứt khó chịu khi chứng kiến các cô bác, thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng phải chịu cảnh nắng mưa dãi dầu. Cũng nhiều khi tổ chức lễ  hay cần làm gì cần điện đóm, nước nôi thì ông lại phải chạy qua nhà dân kế bên để xin cắm nhờ điện. Những công việc không tên đó sẽ không còn nếu ở đây có ngôi nhà quản trang.

“Đôi lần cô bác đến thăm gặp mưa bất chợt, không có chỗ trú mình nhìn không đành lòng. Rồi nắng nóng, bà con mình cũng không biết tránh vào đâu. Bao lâu nay tôi chỉ tha thiết mong ngành chức năng dựng lên một mái nhà nho nhỏ bên trong nghĩa trang để sau này bà con đến đây có được chỗ đứng chỗ ngồi đàng hoàng. Được vậy thì quá tốt rồi”. Nỗi trăn trở lớn nhất của ông Nguyễn Văn Nở cũng chỉ dừng ở đó, với tâm nguyện để bà con, thân nhân liệt sĩ được thoải mái hơn mỗi khi về lại nơi chốn này. Riêng ông, dù trước dù sau, dù sớm hay muộn ông vẫn luôn tiếp đón bất cứ ai muốn vào thăm mộ liệt sĩ. “Bất cứ lúc nào, dù có là nửa đêm, hễ có thân nhân liệt sĩ đến thăm thì tôi đều tiếp đón. Đến không gặp tôi ở nghĩa trang thì cứ gọi vào số điện thoại liên hệ trên bảng, tôi sẽ chạy ra liền. Mình làm nhiều năm rồi nên dần thông cảm thôi, chứ thực ra chỉ tiếp đón đến 5 giờ rưỡi chiều như quy định thì không bàn đến”, ông Nở chia sẻ.

Đừng nghĩ đến tiền

Gia đình ông Nguyễn Văn Nở là hộ nghèo của xã Tân Xuân. Vợ chồng ông hiện phải đi ở trọ. Chính quyền địa phương đã hứa sẽ cấp đất cho ông cất nhà. Tuy nhiên, đời sống kinh tế không dư dả nên đến giờ ông vẫn chưa có được mái nhà riêng. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông vẫn gắn bó với công việc hiện tại khi đồng lương vẫn chỉ mang tính hỗ trợ một triệu đồng/ tháng. Dù vậy, ông không bao giờ đòi hỏi gì hơn. Ông vẫn làm với tâm nguyện đem tình thương, tấm lòng để làm yên lòng liệt sĩ, để nơi nghĩa trang này được sạch đẹp hơn. “Đã làm cái việc chăm sóc mộ liệt sĩ thì đừng nghĩ đến tiền”- ông Nở tâm nguyện.    

Éo le vợ chồng quản trang

Gia đình ông Nở hiện còn gặp nhiều khó khăn, bản thân ông Nở mắc bệnh gan, tắc ống mật, phải định kì tái khám nhưng nhiều lần phải bấm bụng chịu đựng vì không có đủ tiền thuốc thang theo toa thuốc bác sĩ đưa ra. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Hiệp lại mắc chứng lệch cột sống, cũng phải định kì đi tái khám tại bệnh viện Chợ Rẫy. Bản thân ốm đau, không thể làm việc nặng, vợ chồng ông Nở cũng chỉ biết cậy trông vào số tiền hỗ trợ từ việc trông nom nghĩa trang. Ông bà có hai người con gái thì một đứa theo chồng lên Đắk Lắk, người còn lại hiện cùng chồng sống chung với vợ chồng ông Nở. Gia cảnh của các con cũng không khá giả gì.

MỚI - NÓNG