Nên thay đổi dự báo bão gần bờ

Nên thay đổi dự báo bão gần bờ
TP - Để hạn chế khu vực bão đổ bộ và cung cấp thông tin sát thực hơn với thực tiễn, một chuyên gia ở Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất đưa các bản tin dự báo bão gần bờ với tần suất ngắn hơn so với hiện tại.

Dự báo bão của VN chính xác hơn nước ngoài?
> Bão kỳ dị thách thức dự báo

Trung Quốc cũng dự báo sai

Dự báo một đằng, bão đi một nẻo là thực tế luôn diễn ra không chỉ ở Việt Nam. Muifa là cơn bão lớn hình thành từ trước khi bão số 3 (tên quốc tế là Nockten) đổ bộ vào nước ta chủ nhật tuần trước. Chính bão Muifa làm cho diễn biến cuối cùng của cơn bão số 3 trở nên khác thường cả về tốc độ, cường độ, và lượng mưa, khi nó áp sát bờ biển Việt Nam.

Không hiểu sao, đến lượt cơn bão Muifa lại khiến cơ quan dự báo bão của Trung Quốc cũng bị bất ngờ. Cuối tuần qua, Trung Quốc dự báo Muifa sẽ đổ bộ vào Trung Quốc, trải trên một vùng bờ biển từ tỉnh Phúc Kiến đến tỉnh Sơn Đông, dài hơn 1.200 km. Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh sơ tán hơn nửa triệu dân sống dọc vùng bờ biển hai tỉnh này.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho biết, Muifa không vào Trung Quốc nữa. Thay vào đó, theo TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV), nó chuyển hướng lên phía bắc và có thể đổ bộ vào vùng biên giới Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên đêm thứ hai, sáng thứ ba.

Vẫn nên thay đổi dự báo gần bờ

Dẫu thế, theo GS. TS Đinh Văn Ưu (Chủ nhiệm Bộ môn Hải dương học, Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), Việt Nam vẫn nên xem xét điều chỉnh cách dự báo bão khi nó đến gần bờ nhằm giảm thiểu tác hại đến mức có thể.

“Cần đánh giá một cách khách quan, cái được và chưa được của dự báo thông qua kết quả đánh giá định lượng so với phạm vi sai số cho phép đối với từng yếu tố dự báo. Điều này hoàn toàn có thể làm được từ góc độ chuyên môn và bản thân Trung tâm DBKTTV cần công khai để mọi người biết, tránh những tranh cãi không cần thiết”, GS.TS Đinh Văn Ưu nói.

Theo ông Ưu, vận tốc gió trong dải ven bờ tại vùng tâm bão đi qua, ở huyện Tĩnh Gia – tỉnh Thanh Hóa chẳng hạn, thấp hơn đáng kể so với dự báo. Với thông tin dự báo mưa và nước dâng do bão cộng với thủy triều có thể xảy ra trên một đoạn bờ gần 500km, rất khó đánh giá sai số dự báo được. Bởi lẽ các hiện tượng này xảy ra với mức độ khác nhau tùy theo vị trí tương đối so với đường đi của bão.

Ông Ưu nói, Vậy đánh giá khả năng gây thiệt hại để đưa ra các biện pháp phòng tránh như sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, phải do chính nhân dân và cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đưa ra trên cơ sở các kịch bản đã được các nhà chuyên môn xây dựng và cung cấp trước.

Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này lại dựa vào độ chính xác của dự báo bão.

Bởi thế, nhà khoa học này cho rằng, nên tiến tới cập nhật dự báo vị trí và cường độ bão cứ ba giờ một lần hoặc ngắn hơn khi bão gần bờ. Làm như vậy, mới hạn chế được khu vực cảnh báo bão đổ bộ. “Tôi xin nhắc lại, bên cạnh tăng cường năng lực cho phép các địa phương tự đưa ra quyết định phòng tránh, cần tìm cách cập nhật thông tin đầu vào một cách tốt hơn và đầy đủ hơn cho các mô hình dự báo. Các bản tin dự báo đưa ra nên đa dạng hơn và cập nhật hơn khi bão gần bờ” - ông Ưu nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.