Nên tổ chức thanh tra vụ xin 'chừa' chống tham nhũng

Nên tổ chức thanh tra vụ xin 'chừa' chống tham nhũng
TP - Phóng viên Tiền phong đã có cuộc trao đổi nhanh với Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lê Quang Bình, về các vấn đề liên quan đến thông tin vụ việc công dân Đoàn Thị Nhâm xin "chừa" chống tham nhũng.
Nên tổ chức thanh tra vụ xin 'chừa' chống tham nhũng ảnh 1
Ông Lê Quang Bình

Báo Tiền phong số ra ngày 15/6/2007, đã thông tin về việc công dân Đoàn Thị Nhâm, Kế toán trưởng Lâm trường Hoành Bồ, có đơn gửi ông Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh ngỏ ý xin “chừa” chống tham nhũng.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Bình nói: Pháp luật hiện nay đã có những quy định về việc công dân được quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người có chức có quyền.

Đồng thời pháp luật cũng quy định các cơ chế bảo vệ công dân đấu tranh chống tiêu cực, như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm giữ bí mật bút tích của người tố cáo, phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

Trong trường hợp người tố cáo đúng, giúp bảo vệ được tài sản của cá nhân và Nhà nước, tùy theo tình hình cụ thể phải được khen thưởng. Đặc biệt, luật pháp nghiêm cấm các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Dĩ nhiên, người tố cáo không được tố cáo sai sự thật, lợi dụng việc tố cáo để làm mất uy tín cá nhân.

Đối với trường hợp công dân Đoàn Thị Nhâm, ông nghĩ sao?

Thời gian vừa qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về một số trường hợp công dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng bị trả thù, bị trù dập...

Mới đây nhất, báo Tiền phong đưa tin về công dân Đoàn Thị Nhâm, ở Quảng Ninh, sau khi tố cáo hành vi tham nhũng của người có chức có quyền, chị Nhâm cho rằng mình bị trù dập nên đã viết thư cho Bí thư Tỉnh ủy để xin “chừa” chống tham nhũng.

Mặc dù chưa trực tiếp xem xét cụ thể vụ việc này, nhưng qua nghiên cứu các bài viết trên báo Tiền phong, tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Quảng Ninh nên tổ chức Đoàn thanh tra để thanh tra sự việc.

Không những là thanh tra các tiêu cực, mà còn thanh tra xem có hay không việc công dân bị trù dập sau khi chống tiêu cực, để có kết luận cụ thể. Nếu cần thiết, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cần trực tiếp chỉ đạo vụ việc được xử lý theo đúng luật định.

Thưa ông, bà Nhâm là kế toán Lâm trường Hoành Bồ, đã tố cáo Giám đốc Lâm trường Hoành Bồ. Bà Nhâm kể rằng: Từ ngày bị tôi tố cáo các hành vi sai trái, ông Đãng (Giám đốc Lâm trường Hoành Bồ) lôi kéo những người thân ở lâm trường, cô lập, bóng gió công kích, đe dọa tôi “trước sau cũng bị khởi tố”?

Như tôi đã nói, luật pháp đã có các quy định để bảo vệ người đấu tranh chống tiêu cực. Vấn đề là trên thực tế các quy định của pháp luật được tổ chức thực hiện như thế nào. Khi người tố cáo là cấp dưới của người bị tố cáo, nghĩa là trong thực tế người tố cáo có nhiều phụ thuộc về chính trị lẫn kinh tế với người bị tố cáo, việc đấu tranh chống tiêu cực sẽ trở nên rất khó khăn.

Tôi được biết nhiều trường hợp tố cáo đúng, đã được công lý bảo vệ và được trân trọng. Trong trường hợp công dân Đoàn Thị Nhâm, nếu những gì báo Tiền phong nêu là đúng, nếu quả thực chị Nhâm bị trù dập thì chị phải được khôi phục các quyền lợi và được khen thưởng.

Cảm ơn ông!

Võ Văn Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG