Nêu cao tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Lễ kỷ niệm Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Lễ kỷ niệm Ảnh: TTXVN
TP - Sáng 27- 7, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7-1947- 27-7-2012).

Tới dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị…

Với lòng biết ơn vô hạn, các đại biểu kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ và đồng chí, đồng bào đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, chủ nghĩa xã hội, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân và phồn vinh của Tổ quốc.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh chị em thương binh, bệnh binh, các thân nhân liệt sỹ, các gia đình có công với nước những tình cảm và lòng biết ơn sâu nặng, lời thăm hỏi ân cần, thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xúc động nói vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường và trong khi làm nhiệm vụ hoặc đã mang thương tật suốt đời.

Hàng triệu thân nhân liệt sỹ, những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại được những người thân yêu nhất của mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với đất nước.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công cũng ngày càng phát triển sâu rộng và đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng ngày tại TPHCM, 27-7, tại Đền tưởng niệm Bến Dược (huyện Củ Chi), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã đến dự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.