Nếu không ở chức vụ đó, liệu con ông bà có được nâng điểm?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ
TPO - “Nếu các ông bà không ở chức vụ đó thì liệu con cái ông bà có được nâng điểm hay không? Tại sao họ lại không nâng điểm cho con nhà nông dân mà lại lại nâng cho các trường hợp gia đình quan chức?”, đại biểu Quốc hội nêu.  

Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh nhìn nhận, trong vụ gian lận điểm thi chấn động vừa qua, điều đáng buồn nhất là việc xử lý từ cơ quan chức năng, thứ nữa là sự tự giác từ các thí sinh và phụ huynh.

“Chính sự thiếu tự giác cũng như liêm sỉ của phụ huynh mới dẫn đến những sự việc như ngày hôm nay”, ông Bộ đánh giá.

Đáng lưu ý, khi sự việc bị phanh phui, nhiều cán bộ quan chức có con được nâng điểm đã trả lời rằng bản thân mình vô can, không hề biết con được nâng điểm, cũng không tác động, thậm chí có trường hợp còn tỏ ra “rất buồn”.

Nhưng theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, ở đây phải đặt ra vấn đề: Nếu các ông bà không ở chức vụ đó thì liệu con cái ông bà có được nâng điểm hay không? Tại sao họ lại không nâng điểm cho con nhà nông dân mà lại lại nâng cho các trường hợp gia đình quan chức?

Ông cũng cho rằng, tất cả các thí sinh có điểm gian lận trong thi cử cần phải tự chịu trách nhiệm vì bản thân đã đủ 18 tuổi. Chắc chắn đa phần sự gian lận này các thí sinh đều biết nhưng không tự giác. Đây là hành vi đáng lên án, vì cũng làm mất đi cơ hội của các bạn khác.

Tại sao chúng ta phải nhân đạo với bộ phận này mà không nhân đạo với bộ phận còn lại? Cái khó không phải do pháp luật, pháp luật đã có và đầy đủ. Cái khó là do quan điểm xử lý đối với cá nhân con người cụ thể, có dám làm và dám xử lý hay không?

Giám sát khâu xử lý, người đứng đầu

Ngoài khía cạnh phụ huynh học sinh, theo Uỷ viên thường trực Nguyễn Mai Bộ, trong vụ việc này, sự chủ động của các cơ quan chức năng “vẫn chưa đạt yêu cầu, còn lúng túng” trong việc công bố hay không công bố các trường hợp vi phạm.

“Nếu nói việc công khai là vô nhân đạo với người này, người kia, nhưng không công khai thì lại đang vô nhân đạo với các cháu chấp chới, mất cơ hội vào đại học.

Nên nhớ trường hợp này không thuộc diện phải giữ bí mật theo quy định của nhà nước, không ảnh hưởng đến chuyện thuần phong mỹ tục, tại sao lại không đưa ra?

Các cơ quan chức năng đang lúng túng rằng có nên công khai danh tính của các quan chức đó ra hay không?”, ông Bộ đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, cơ quan chức năng đang lúng túng về thời gian xử lý vụ việc. Cơ quan điều tra có đủ thẩm quyền để điều tra, vậy tại sao đến nay vẫn không thể làm rõ được vấn đề? Trong khi đó xã hội đang rất cần công khai và làm sáng tỏ điều này.

“Chúng ta đang tích cực phòng chống tham nhũng, việc công bố ra là rất có lợi, loại bỏ được những người lợi dụng chức vụ để mua điểm cho con. Điều này sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ”, ông Bộ cho hay.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chưa sử dụng việc xử lý hay chấn chỉnh con người bằng công cụ đạo đức một cách hữu hiệu nhất, dẫn đến một số người vẫn coi thường. Ủng hộ quan điểm này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc xử lý về hình sự, hay hành chính, phải xét đến cả góc độ đạo đức và trách nhiệm nêu gương của người cán bộ.

Theo đại biểu, trước mắt Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội phải giám sát các khâu xử lý, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan tố tụng hình sự. Phải bắt đầu từ con người cụ thể, không thể chung chung được.

MỚI - NÓNG