Nếu quản lỏng, tham nhũng càng chống càng tăng

Nếu quản lỏng, tham nhũng càng chống càng tăng
"Số vụ tham nhũng phát hiện nhiều, nhưng xử lý trách nhiệm cá nhân ít; một số vụ có biểu hiện thiếu kiên quyết và né tránh...". Đưa ra những nhận xét trên, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự nghi ngại về hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng sau 1 năm luật này có hiệu lực.
Nếu quản lỏng, tham nhũng càng chống càng tăng ảnh 1
Ông Nguyễn Ngọc Trân. Ảnh: TTXVN

Chiều nay, đăng đàn đầu tiên, ông Trần Thanh Khiêm ghi nhận từ khi ra đời, 2 đạo luật đã tạo chuyển biến trong việc phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm tại các cơ quan địa phương. Dù vậy, xét về hiệu quả, ông thẳng thắn đánh giá: "Tình hình tham nhũng chưa được ngăn chặn đẩy lùi". Năm 2006, Chính phủ tiến hành hơn 12.600 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 4.000 tỷ đồng.

Nhìn nhận việc này gay gắt hơn, đại biểu Trần Văn Kiệt nhận xét: "Tham nhũng càng chống thì càng tăng, lan rộng". Thậm chí nhiều lĩnh vực, vị đại biểu Quốc hội này "không thể hình dung là có mà vẫn có", như tham nhũng ngay tại quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ từ thiện hay chương trình 135 trồng rừng xóa đói giảm nghèo.

Cơ chế thực hiện thiếu đồng bộ

Theo phân tích của ông Khiêm, nguyên nhân việc tham nhũng không giảm là do thiếu đồng bộ trong triển khai. Hiện, luật đã có hiệu lực hơn một năm, nhưng nhiều cơ quan, bộ ngành chưa có chương trình hành động, hoặc nếu có thì chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. "Quốc hội và Chính phủ cần xem xét khâu tổ chức hai luật này", ông Kiêm đề nghị.

Trăn trở của ông Khiêm nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu. "Chúng ta nên xem lại cơ chế, liệu có tạo điều kiện cho tham nhũng hay không? Quản lý lỏng lẻo thì càng chống lại càng tăng", ông Kiệt nêu vấn đề.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Minh báo động: "Đã đến lúc đặt ra câu hỏi, phải chăng chúng ta tiếp cận không phù hợp nên quản lý không hiệu quả".

Nghiên cứu báo cáo về thực hiện luật chống tham nhũng, ông Nguyễn Đình Lộc bức xúc khi thấy đến giờ vẫn còn "một số nơi chưa thực sự coi trọng" việc này. Nguyên nhân của tình trạng thờ ơ với đấu tranh chống tham nhũng, được ông Lộc phân tích là do thiếu động lực, như là bắt buộc phải làm. "Người dân mong chờ động thái của cơ quan nhà nước. Nhưng một số người trong cuộc thì lại không thấy, né tránh, chậm chạp được bao nhiêu thì cứ chậm", ông Lộc nhìn nhận.

Còn ông Nguyễn Ngọc Trân dùng hình ảnh: "Ngọn lửa một khi đã tắt, thổi trở lại là vô cùng khó khăn".

Chậm xử lý án tham nhũng, lờ trách nhiệm người đứng đầu

Cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 12 tỉnh thành trực thuộc trung ương, 3 Bộ và các cơ quan ngang Bộ chưa ban hành Chương trình hành động Phòng, chống tham nhũng; 22 tỉnh và 2 Bộ chưa báo cáo kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bản báo cáo nhấn mạnh, trách nhiệm người đứng đầu chưa được xem xét xử lý đúng mức. 

Bản báo cáo nêu kiến nghị "cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành địa phương chưa có báo cáo thực hiện Luật cũng như trách nhiệm của người đứng đầu, của Bộ, ngành để xảy ra nhiều vụ việc.

Gần một nửa trong số 16 ý kiến phát biểu đều đề cập tới việc chậm xử lý, kết thúc các vụ án tham nhũng nổi cộm, dù Thủ tướng nhiều lần nhắc nhở phải đẩy nhanh tiến độ. Ông Trần Thanh Khiêm nhận xét, nhiều vụ, việc xử lý người đưa hối lộ thì nặng nhưng lại "nhẹ tay" với các quan chức có hành vi nhận hối lộ. "Hình như chúng ta có cái gì đó chưa thực sự quyết liệt", đại biểu Kiệt đặt câu hỏi.

Tán thành quan điểm trên, ông Trần Huy Hanh thẳng thắn nhận xét: "Có biểu hiện thiếu kiên quyết, né tránh". Theo đó, vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo, bán thiết bị bưu điện xảy ra trong thời gian dài với sự liên quan của 38 bưu điện, nhưng hiện chỉ có 6 đơn vị có cán bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thông tin về việc đưa nhận hối lộ trong vụ án này được đưa công khai, nhưng giờ chưa ai bị xử lý về hành vi nhận hối lộ. Hay vụ PMU 18, điện kế điện tử, tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn, các sai phạm ban đầu được đưa ra là rất lớn nhưng "càng về sau càng teo tóp".

Còn theo ví von của ông Nguyễn Ngọc Trân, những vụ việc để lâu thì "từ quả núi sẽ biến thành con chuột nhắt".

Những ý kiến trái chiều giữa các cơ quan nhà nước về hậu quả một số vụ án cũng khiến người dân và dư luận nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng. Ông Hanh nêu ví dụ, vụ tiêu cực tại Điện lực TP HCM, tang vật 312.000 điện kế điện tử bị cơ quan điều tra xác định là hàng giả. Nhưng Bộ Công nghiệp lại cho rằng chỉ cần thay vỏ là có thể đưa vào sử dụng. Tương tự, tại vụ siêu lừa Nguyễn Đức Chi, một phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị cơ quan điều tra cho rằng có sai phạm, nhưng Tỉnh ủy Khánh Hòa "lại bảo không".

Trách nhiệm người đứng đầu, các vụ án vừa nêu trên, cũng được các đại biểu đặt ra. "Vụ Nguyễn Lâm Thái, vụ tiêu cực quota dệt may với việc phạt tù nguyên thứ trưởng Mai Văn Dâu, tôi chưa thấy công khai xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại những bộ này", ông Hanh phát biểu.

Theo ông Trần Đình Long, tham nhũng đang diễn ra mọi lĩnh vực nên các cấp lãnh đạo điều hành phải bị xử lý khi để xảy ra tiêu cực ở đơn vị mình. "Tham nhũng là có tội nhưng bao che thì tội càng nặng hơn", ông Long bày tỏ quan điểm.

Lãng phí thời gian, thời cơ - là mất mát lớn nhất

Bà Đặng Thị Kim Chi cho rằng, lãng phí cũng như tham ô đang hiện hữu khắp nơi, đã thành thói quen. Biểu hiện cụ thể của việc này, đang diễn ra hằng ngày, là tình trạng họp quá nhiều, xa xỉ phô trương trong các buổi tổng kết, hay thủ tục hành chính rườm rà...

Dẫn chứng về việc lãng phí, bà Nguyễn Thị Kim Thoa nêu thực tế, tại các thành phố lớn nhiều mảnh đất đẹp các cơ quan nắm giữ nhưng sử dụng không hiệu quả. Trụ sở văn phòng 2 của các bộ tại TP HCM là ví dụ. "Nhìn những công trình bị sử dụng lãng phí mà xót xa", bà tâm sự.

Theo bà Thoa, việc nhà nước tiếp tục nắm giữ 51% cổ phần tại nhiều doanh nghiệp không cần sự chi phối của nhà nước đang gây lãng phí cho sự phát triển. Nếu bán bớt sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời điều tiết được thị trường chứng khoán khi cung không đủ cầu.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Trân trăn trở, từ khi gia nhập WTO, những tháng qua Việt Nam đã nắm bắt cơ hội này ra sao? Nếu bỏ lỡ sẽ gây lãng phí rất lớn; tận dụng thời cơ, chúng ta sẽ phát triển rất nhanh và ngược lại. "Đây là thời cơ, không cho phép làm sai rồi sửa theo cách ứng xử thông thường", ông chia sẻ.

Ngày làm việc hôm nay khép lại với 16 ý kiến của các đại biểu, ngày mai Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường.

Theo Vnexpress

Giá trị vi phạm rất lớn, song tài sản thu hồi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ

Đối với quá trình thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vụ việc tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã kết luận 33 cuộc thanh tra, trong đó có nhiều cuộc thanh tra để làm rõ nội dung tố cáo hành vi tiêu cực do báo chí và quần chúng phản ảnh.

Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, chi tiêu tài chính, lãng phí, thất thoát với tổng giá trị 1.560 tỷ 147 triệu đồng và 5.478.583 USD. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi vào ngân sách 164 tỷ 345 triệu đồng và 207.923 USD; kiến nghị chuyển hồ sơ 3 vụ việc cho cơ quan điều tra. Hầu hết các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đều được Thủ tướng Chính phủ đồng tình và có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm túc.

Riêng 6 tháng cuối năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã kết thúc 10 cuộc thanh tra; phát hiện tổng giá trị sai phạm là 1.439.034 triệu đồng và 94.083 USD, kiến nghị thu hồi vào ngân sách 126.348 triệu đồng và 94.083 USD, kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 1 vụ.

Tổng hợp từ báo cáo, thống kê của các tổ chức Thanh tra ở 64 tỉnh, thành phố, 18 Bộ ngành, trong năm 2006 đã triển khai 14.034 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó đã kết thúc 12.603 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm với tổng giá trị là 4.822 tỷ 616 triệu đồng, hơn 11.346 ha đất.

Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị thu hồi 3.386 tỷ 101 triệu đồng, hơn 9.933 ha đất; đến nay đã thu hồi được 283 tỷ 367 triệu đồng, xử phạt hành chính 69 tỷ 515 triệu đồng đối với 62.650 doanh nghiệp và cá nhân, thu hồi được 183 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.906 trường hợp, xử lý hình sự 92 vụ với 198 người.

Riêng 6 tháng cuối năm 2006, các Bộ ngành, địa phương đã kết thúc 8.741 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện sai phạm về kinh tế 1.186 tỷ 994 triệu đồng, 9.449 ha đất; kiến nghị thu 766 tỷ 862 triệu đồng, 9.448 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 2.325 người, xử lý hình sự 54 vụ với 146 người.

Ngành Công an đã xử lý kỷ luật 23 cán bộ công an đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, trong đó có các trường hợp kỷ luật vì trách nhiệm liên đới để xảy ra vụ việc tham nhũng ở đơn vị được giao phụ trách.

Cơ quan Công an đã điều tra xem xét 118 vụ việc, Viện Kiểm sát thực hiện thụ lý 505 vụ, với 1086 bị can, ngành Tòa án giải quyết 484 vụ với 1284 bị cáo về tham nhũng; đồng thời đã xử lý 200 vụ việc tiêu cực do báo chí và cơ quan phản ánh.

Mặc dù đã có kết quả xử lý bước đầu nhưng hiệu quả chưa cao, giá trị vi phạm rất lớn song giá trị tài sản thu hồi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Bên cạnh đó, việc xử lý còn chưa nghiêm, chủ yếu chỉ là hình thức kỷ luật. Vẫn xảy ra tình trạng bỏ lọt tội trong xử lý các vụ việc tiêu cực.

Trong quản lý về xây dựng, nhà đất, các sai phạm phần lớn có tính chất, mức độ nghiêm trọng, song việc xem xét xử lý vẫn chưa nghiêm minh. Đặc biệt, không có trường hợp do cơ quan đơn vị tự phát hiện và đề nghị xử lý...

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.