ĐBQH Phạm Văn Hoà:

Nếu sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh, 3 bộ

TPO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa cho rằng, việc sáp nhập các tỉnh có dân số thấp, các bộ có nhiệm vụ tương đồng sẽ giảm chi tiêu thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên vào ngày 31/10, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng, việc sáp nhập các tỉnh có dân số thấp, các bộ có nhiệm vụ tương đồng sẽ giúp giảm chi tiêu thường xuyên. Theo tính toán của ông Hòa, nếu thực hiện sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh và 3 – 4 bộ so với hiện nay.

+ Tại phiên thảo luận về bộ máy biên chế vừa qua, ông có kiến nghị nghiên cứu sáp nhập các tỉnh, các bộ có nhiệm vụ tương đồng?

- Đúng vậy. Để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước, chúng ta có thể xem xét sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau.

Còn với tỉnh thì có thể sáp nhập những tỉnh dân số thấp. Và theo tôi, với những tỉnh có dân số từ 700 – 800 nghìn người trở xuống, thì có thể xem xét sáp nhập. Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, dân số lớn như thế nhưng vẫn hoạt động hiệu quả, không lý do gì các tỉnh khác lại không.

Nếu sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh, 3 bộ ảnh 1 ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp

+ Khi thực hiện sáp nhập, bên cạnh những thuận lợi, theo ông chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?

- Tất nhiên, lúc đầu sáp nhập có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức bộ máy, con người, nhưng sau một năm sẽ đi vào nề nếp và hoạt động bình thường.

Vấn đề cốt lõi, quan trọng có thể mang lại khi sáp nhập là hiệu quả về tinh giản biên chế với số lượng rất lớn. Bởi lẽ sau khi sáp nhập sẽ giảm nguyên bộ máy một tỉnh, rất nhiều sở, ban, ngành, cấp huyện, xã giảm. Qua đó có thể giảm chi thường xuyên hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm với một tỉnh. Chúng ta có thể dùng số tiền tiết kiệm đó để đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém và như thế là người dân hưởng lợi.

Khi sáp nhập, điều kiện đi lại của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính, hay cán bộ đi xuống cơ sở cũng khó khăn hơn. Song theo tôi được biết cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư tốt hơn phần nào rồi, tất nhiên ở đồng bào miền núi thì điều kiện có khó khăn hơn.

Lúc đó chúng ta sẽ xin Quốc hội, Chính phủ giữ lại số tiền chi thường xuyên tiết kiệm được sau sáp nhập để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hôi, trong vài năm hạ tầng sẽ tốt hơn, việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn, cán bộ xuống cơ sở địa phương cũng thuận lợi, dễ dàng.

Vấn đề đặt ra sau sáp nhập là trách nhiệm của cán bộ với công việc, với người dân như thế nào, có chịu đi xuống địa bàn khó khăn không, có bám sát địa bàn, có gần gũi với người dân không...

+ Sau gần 10 năm sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, đến nay vẫn còn những ý kiến, nhìn nhận khác nhau. Ông đánh giá sao về những thuận lợi và bất cập từ việc sáp nhập này?

- Khi sáp nhập cũng có những phần khó khăn như những gì người ta nói. Nhưng đến nay, bản thân tôi cũng chưa nắm được những khó khăn cụ thể sau sáp nhập là gì. Có lẽ đó là vấn đề con người, sau khi nhập lại thì có một số người, một bộ phận người bị mất chức. Những bộ phận đó người ta cũng không vui, không hài lòng.

Nếu không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ dẫn đến sự hình thành lợi ích nhóm. Còn theo nhìn nhận của tôi, việc sáp nhập trong thời gian qua cũng không có vấn đề gì. Hà Nội cũng có trách nhiệm với Hà Tây, cũng dành ngân sách cho Hà Tây đi lên, vấn đề đó là tốt.

+ Theo ông nên nghiên cứu thực hiện sáp nhập tỉnh trước hay bộ trước, hay sẽ tiến hành song song?

- Tôi cho rằng, trước tiên phải nhập tỉnh trước, sau đó sẽ tiến hành xem xét sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau, như thế sẽ phù hợp.

+ Theo tính toán của ông, nếu sáp nhập thì có thể giảm được bao nhiêu tỉnh, bao nhiêu bộ?

- Theo tính toán của tôi, sau khi sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và có thể giảm được 3 – 4 bộ có nhiệm vụ tương đồng.

+ Theo ông cái khó khăn vướng mắc nhất khi thực hiện sáp nhập là gì?

- Đúng là có cái khó trong sáp nhập, mà ở đây cái khó nhất là vấn đề về con người, suy nghĩ của con người cũng chưa hài lòng lắm. Cái khó khác là địa bàn, địa hình phức tạp và việc quản lý rộng như thế chắc cũng có khó khăn.

Cái khó ở con người ở đây là chức quyền, chức vụ, rồi phải tinh giản một số lượng con người nằm trong bộ máy rất lớn như vậy. Mà chúng ta đều biết, đụng đến con người thì rất nhạy cảm, liên quan đến chế độ, chính sách, đến cuộc sống của con người đó nên sẽ rất tâm tư.

Tuy nhiên, theo tôi về lâu dài vẫn phải thực hiện, phải có lộ trình và tính toán thật kỹ, có đề án kế hoạch cụ thể. Đồng thời phải lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thực hiện đề án tinh giản biên chế đạt hiệu quả cao hơn.

Cảm ơn ông.
"Vấn đề cốt lõi, quan trọng có thể mang lại khi sáp nhập là sẽ mang lại hiệu quả về tinh giản biên chế với số lượng rất lớn. Vì sau khi sáp nhập sẽ giảm nguyên bộ máy một tỉnh, rất nhiều sở, ban, ngành, cấp huyện, xã giảm. Qua đó có thể giảm chi thường xuyên hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm với một tỉnh. Chúng ta có thể dùng số tiền tiết kiệm được đó để đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém và như thế là người dân hưởng lợi", đại biểu Phạm Văn Hoà
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.