New York Times viết về cô dâu Việt trên đất Hàn

New York Times viết về cô dâu Việt trên đất Hàn
Tờ The New York Times (Mỹ), ngày 30/3 đã đăng bài viết về cuộc sống của hai cô dâu Việt Bùi Thị Thuý và Tô Thị Viên - đều ở độ tuổi 23, sau một năm hoà nhập cuộc sống trên đất Hàn Quốc (HQ).
New York Times viết về cô dâu Việt trên đất Hàn ảnh 1
Tô Thị Viên cùng chồng và cô con gái mới sinh.

Hiện, Tô Thị Viên (23 tuổi) cùng chồng là anh Kim Wan-su (40 tuổi) -  một công nhân tại Kwangmyong - sống cùng gia đình tại ngoại ô Seoul. Còn Bùi Thị Thuý (23 tuổi) cùng chồng - anh Kim Tae-goo, định cư tại thị trấn hẻo lánh Yongju - nơi họ có một nông trại táo.

Cả Thuý và Viên cùng đón chào một niềm vui mới khi hai "cô công chúa" nhỏ ra đời vào đầu năm Mậu Tý.

Tại Kwangmyong, gia đình nhỏ của Viên sống cùng mẹ chồng và gia đình người chị chồng trong một căn hộ nhỏ. Bà mẹ chồng không thích cô con dâu nước ngoài, và càng xa lánh cô cháu gái mới sinh.

"Mẹ tôi còn thậm chí không nhìn đứa bé. Bà ấy bảo tôi chẳng việc gì phải chăm sóc, vì đó là cháu gái chứ không phải cháu trai" - chị chồng của cô Viên nói.

Tuy nhiên, cô Viên may mắn gặp người chồng yêu thương mình. Trận cãi nhau lớn nhất của họ là khi anh Kim đi uống rượu cùng đồng nghiệp về muộn, khiến Viên lo lắng.

Còn Thuý thì luôn khổ sở vì không thể giao tiếp được với chồng. Cô sống cùng mẹ chồng và cô con gái riêng của chồng đã 17 tuổi. Thuý hầu như không có bạn bè. Cô đã tham gia lớp học tiếng Hàn, nhưng không mấy tiến triển vì luôn kêu quá khó.

Việc cô con gái bé bỏng chào đời đã mang lại niềm vui chung cho hai vợ chồng. Anh Kim rất tích cực phụ vợ chăm con gái nhỏ. Anh lên mạng, tìm kiếm mọi thông tin từ cho bé ăn đến thay tã lót.

Thúy cho biết, cô thích Kim vì anh cũng là nông dân, giống như cha cô. "Tôi biết, nếu mình lấy một cô gái có học thức hơn, hoặc cao hơn, cô ấy sẽ nhanh chóng rời bỏ tôi. Tôi nghĩ tôi và Thuý thực sự là một cặp hạnh phúc".

Theo các nhà hoạt động xã hội, khoảng cách văn hoá vẫn khiến các cô dâu nước ngoài, đặc biệt là từ VN, gặp khó khăn trong việc hoà nhập với cuộc sống tại HQ.

"Các cô dâu Việt thường ngại ngùng khi muốn xin lời khuyên hoặc không thổ lộ khi có vấn đề với gia đình chồng" - Kim Myung-soon - một nhân viên xã hội tại Yeongdeungpo - nói. "Họ thường tỏ ra nhẫn nhịn. Nhưng một ngày kia, họ biến mất khi mọi việc vượt quá sức chịu đựng".

Số các vụ ly hôn giữa các cặp vợ chồng HQ mang yếu tố nước ngoài đang tăng lên đáng kể. Trong lúc các cô dâu nước ngoài lo ngại về cách người chồng sẽ đối xử với họ, thì người chồng HQ lại luôn nghi ngờ các cô vợ bỏ trốn nếu có cơ hội kiếm được việc làm.

Theo ông Han Kuk-yeom - Chủ tịch Trung tâm Di cư quyền phụ nữ ở HQ - chính phủ chưa có những biện pháp thoả đáng để bảo vệ quyền lợi cho các cô dâu nước ngoài.

Một số đàn ông HQ cho rằng họ có quyền được đối xử thô bạo với cô dâu nước ngoài, vì họ đã trả tiền để cưới vợ, cộng với thái độ khinh thị những người vợ đến từ các quốc gia nghèo hơn.

"Khoảng 3 năm trước, số phụ nữ có học vấn đến HQ nhiều hơn. Nhưng sự bùng nổ các cuộc hôn nhân quốc tế đã đưa những phụ nữ nghèo, thất học đến làm vợ các nông dân HQ. Điều đó khiến họ chịu áp lực nhiều hơn khi thích nghi với cuộc sống tại HQ" - ông Han nhận xét.

A.P
Theo Lao động

MỚI - NÓNG