Ngã ba đông dương: Biên viễn nên phố thị

Ngã ba đông dương: Biên viễn nên phố thị
TP - Những ai trở lại ngã ba Đông Dương hẳn sẽ ngỡ ngàng trước đổi thay nhanh chóng một miền biên giới xa xôi. Nơi đây từng là những địa danh rợn người như Đăk Tô-Tân Cảnh, Tu Mơ Rông, Sạc Ly, Bến Hắc của mùa hè đỏ lửa năm 1972. 

Sau khi chiếm lĩnh một khu vực rộng lớn trên trục đường Hồ Chí Minh ở phía Bắc Tây Nguyên, ngày 20-11-1973, Quân khu 5 quyết định thành lập Trung đoàn 732- tiền thân của Cty 732 với nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa sản xuất lương thực, thực phẩm và trung chuyển vật tư, vũ khí phục vụ chiến trường Tây Nguyên.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Trung đoàn đổi tên thành Nông trường 732, rồi Cty 732 (Binh đoàn 15) vừa sản xuất lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc đến phát triển mạnh cây công nghiệp dài ngày: cao su, cà phê để làm hậu cứ vừa giúp đỡ đồng bào các dân tộc ngã ba biên giới phát triển kinh tế.

Trên vùng “đất lửa" xơ xác ngày nào, cây cao su, cà phê đã lên xanh tốt, phủ kín vườn đồi. Đến thời điểm này, Cty 732 phát triển được gần 2.300ha cao su, hàng trăm hécta cà phê và lúa nước.

Từ cuộc sống du canh, du cư phát đốt chọc trỉa với các cây lương thực truyền thống trên nương rẫy, đồng bào dân tộc Sê đăng K dong đã định canh, định cư.

Ngã ba đông dương: Biên viễn nên phố thị ảnh 1

Nghề thổ cẩm sống lại ở Bờ Y

Thượng úy Nguyễn  Văn Tân nguyên là Đội trưởng Đội 11 làng Đăk Vang cho biết: Năm 2003 khi cán bộ Cty 732 được tỉnh Kon Tum giao cho hơn 300 ha đất sát biên giới Campuchia trồng cao su vào vận động bà con K’dong làng Đăk Vang, Yang Lố vào công nhân chẳng ai đồng ý.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi toàn bộ nhân công trồng, chăm sóc cao su đều phải đưa từ bên ngoài, mỗi ngày đi về gần ba chục cây số. Dần dần khi thấy cây cao su bén duyên với đất, làm công nhân có thu nhập khá, đồng bào bắt đầu làm thử, về sau xin vào công nhân.

Bây giờ thanh niên làng đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới như Đăk Vang, Yang Lố, xã Sa Loong học theo bộ đội 732 trồng hàng trăm hécta cao su gia đình.  Điển hình có hộ hằng năm thu nhập cả trăm triệu đồng từ kinh tế hộ.

Đổi thay không ngờ

Cùng đi với tôi về ngã ba biên giới lần này có nhà văn, nhà báo Nguyễn Hoàng Thu. Năm 1992  tấp tểnh vào nghề làm báo, theo anh về Bờ Y- lúc đó vừa mới chia tách khỏi huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ngọc Hồi, Hoàng Thu là nhà báo đầu tiên giới thiệu dân tộc B’râu - một trong 2 dân tộc ít người nhất nước, lúc đó chỉ có 40 hộ 218 khẩu ra với thế giới bên ngoài.

Trung tâm huyện lỵ Ngọc Hồi lưa thưa vài ba căn nhà công sở, một cửa hàng mua bán cấp 3. Con đường từ huyện vào xã Bờ Y ngã ba biên giới, nơi có làng Đăk Mế của dân tộc B’râu chui giữa đại ngàn tre nứa, đi bên dưới mà luôn sợ rắn lục, rắn xanh mổ trên đầu. Cả xã Bờ Y ngoài cán bộ chiến sỹ ở Đồn Biên phòng 677 còn lại vỏn vẹn 3 giáo viên người Kinh từ dưới xuôi lên bám trường.

Ngã ba đông dương: Biên viễn nên phố thị ảnh 2

Chiêng tha - một báu vật của dân tộc B’râu

Thầy cô giáo ở Bờ Y mỗi tháng 1 lần đi bộ ra đến huyện họp giao ban mua được vài cân cá khô, nước mắm còn thì quanh năm ăn muối với rau rừng. Mà tiền lương giáo viên ngày ấy chẳng biết mua gì bởi cả xã không một hàng quán. Dân thương thầy cô tặng họ vài gùi lúa rẫy để giữ chân thầy lại với làng.

Vậy mà bây giờ Bí thư Đoàn xã Bờ Y chị Đinh Thị Vân cho biết thanh niên ở đây đã có hàng chục người học đại học, cao đẳng, trong đó có anh Thao Hồng Sơn, người con đầu tiên của Bờ Y tốt nghiệp đại học trở về làm đến chức Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi. Trung tâm huyện lỵ Ngọc Hồi giờ hàng chục khách sạn, đường ngang phố dọc nguy nga, đất thị trấn lên đến hàng tỷ đồng/căn hộ 5 mét mặt tiền.

Trở lại ngã ba Đông Dương nhà báo Nguyễn Hoàng Thu không nhận ra bóng dáng của làng B’râu từng đứng trên bờ vực tuyệt chủng năm nào. Sau bài viết của anh năm 1993 Chính phủ đã đầu tư 1,2 tỷ đồng cứu dân tộc này.

Làng Đăk Mế, xã Bờ Y - Ngọc Hồi giờ có đường nhựa phẳng lỳ bon bon nối từ thành phố Kon Tum lên tận cửa khẩu. Khu trung tâm xã Bờ Y đường đôi có bồn hoa phân cách. Dân tộc B’râu liên tục hưởng nhiều chính sách ưu đãi để phát triển tất cả mọi mặt. Bà con bây giờ đã biết trồng lúa nước, cao su cà phê, biết làm nhà ra mặt phố.

Mười năm trước xã ngã ba biên giới Bờ Y còn nằm trong chương trình 135 cần có sự cứu trợ của Chính phủ, bây giờ đất ở đây tính giá mặt tiền 40-50 triệu đồng/mét.

Cô Võ Thị Thu Hà, cán bộ văn phòng UBND xã Bờ Y chìa cho tôi bản thống kê dân số, dân tộc trên địa bàn đến ngày 1-1-2010. Từ việc chỉ có 2 dân tộc bản địa là B’râu và K’dong (497 hộ/1.929 khẩu), đến nay Bờ Y đã có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó có 13 dân tộc mới di cư đến.

MỚI - NÓNG