Ngậm ngùi nữ công nhân xa xứ

Đọc báo cũ là giờ giải trí xa xỉ của chị Loan
Đọc báo cũ là giờ giải trí xa xỉ của chị Loan
TP - Rời công ty lúc 10 giờ đêm, tạt qua tiệm tạp hóa mua gói mì tôm về ăn qua loa rồi đi ngủ để 5 giờ sáng hôm sau lại dậy tiếp tục công việc, không vui chơi, không giải trí, chủ nhật chỉ ở nhà ngủ bù, cuộc sống của chị Hà hằng ngày phải đối diện với bốn bức tường. Chị thèm được giải trí nhưng không có tiền, điều kiện không cho phép và cũng không biết chơi ở đâu.

Chị Hà, 25 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An, công nhân may trong khu công nghiệp (KCN) Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, lương cơ bản không đủ sống nên hằng ngày chị phải làm tăng ca đến 10 giờ đêm mới nghỉ và cũng chỉ được hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Ngày nào cũng như ngày nào, mờ sáng đi, nửa đêm về. “Nhiều lúc mệt mỏi muốn nghỉ ngơi nhưng nghỉ một ngày trừ lương ba ngày thì ai dám nghỉ. Nhiều lúc ốm cũng phải cố gắng đi làm, bức quá mới xin nghỉ chứ nghỉ nhiều đứt ruột lắm”.

“Nhóm có bảy đứa thì năm đứa bỏ chồng, một đứa chồng sắp bỏ”

Chị Hà cho biết, công ty chị chủ yếu là nữ. Chị chơi thân với một nhóm bảy người mà theo chị “Một đứa chưa lấy chồng, năm đứa bỏ chồng, và một đứa chồng sắp bỏ”. Mỗi người một quê nhưng đều lên đây làm lụng để kiếm tiền gửi về nuôi con. “Nhiều lúc đi làm về nhớ con chỉ biết ôm mặt ngồi khóc rồi mấy đứa lại dỗ dành cố gắng làm lụng gửi tiền về cho con ăn học để sau này không phải khổ giống mẹ nó nữa”.

Chúng tôi gặp chị Hà vào ngày mà chị gọi là “sướng nhất đời công nhân” đó là ngày chị được lãnh lương. Cầm gần 4 triệu tiền lương mới lãnh còn “nóng hổi” trên tay với bao nỗi lo nhưng gặp ngày người bạn cùng phòng chuẩn bị về quê nên cả phòng mở tiệc chia tay. Chị rủ “đi cho biết công nhân ăn chơi thế nào”. Một nhóm bảy nữ công nhân rủ nhau vào quán karaoke giá 25 nghìn/giờ. Trước khi đi, chị chạy ra chợ gần đó mua ít trái cây, hũ muối tiêu kèm vài ổ bánh mì không. Chị Hà giải thích “Vào quán hát mà gọi mấy cái này đắt gấp mấy lần mua ngoài chợ”. 

Ngậm ngùi nữ công nhân xa xứ ảnh 1 Mỗi lần đi chợ họ chỉ mua vài nghìn tiền rau, hiếm khi mua thịt

Cầm ổ bánh mì chấm tí muối tiêu ăn lót dạ sau một ngày làm việc, chị Hà cho biết: “Chia tay đứa bạn cùng phòng mà không biết đi đâu chơi nên cả nhóm lại rủ nhau vào quán karaoke hát hò một lúc rồi về”. Nói là tiệc nhưng chỉ có ít trái cây, vài ổ bánh mì mua ngoài chợ. 

Cả nhóm đang vui vẻ thì một người cất giọng hát bài “Nhật ký của mẹ”, khi nghe đến câu “Này con yêu ơi, con biết không, mẹ yêu con, yêu con nhất đời” thì những người khác nhìn nhau sụt sùi vì nhớ con. Người đưa tay lau vội giọt nước mắt lăn trên má, người cố gắng nuốt ngược giọt lệ vào trong rồi như không thể kìm nén, họ òa lên thành tiếng. Những người phụ nữ này một mình nuôi con, chắt chiu từng đồng lẻ, không dám tiêu pha mua sắm cho bản thân. Và cuộc vui chia tay người bạn hôm ấy tốn mỗi người gần một trăm nghìn mà họ cảm thấy xót bởi số tiền đó bằng cả tuần ăn uống. “Hai tháng nữa hãy đi karaoke nha, bữa nay tốn mất chín chục rồi”.

10 năm sống xa chồng con

Đêm đầu tháng 6, khi mọi người chìm vào giấc ngủ thì chị Loan (32 tuổi, quê huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa , công nhân một công ty may) mới rời KCN Bình Đường, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương trở về phòng trọ trong mệt lả, gương mặt hốc hác. Bước vội qua những đoạn tối đen dưới gầm cầu vượt vào dãy phòng trọ lụp xụp, tồi tàn. Lúc này đã gần 11 giờ đêm, lối vào khu trọ chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy chạy đã tắt điện tối om. Về đến nhà thì ba người bạn ở cùng đã ngủ. Tắm qua loa, bật bếp ga nấu vội tô mì gói lót dạ cho dễ ngủ rồi 5 giờ sáng lại lục đục thức dậy chuẩn bị cho một ngày mới cũng như thế.  

Vào Bình Dương làm công nhân hơn 10 năm và cũng chừng ấy năm chị sống trong sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Cường độ công việc cao, tinh thần luôn căng thẳng và cánh cửa giao tiếp với bên ngoài gần như bị khép lại. Đó cũng là thời gian chị dần đánh mất đi hạnh phúc gia đình với hai đứa con khi chị rời quê chúng còn bé tí, nay đã học lớp 8.

Ngậm ngùi nữ công nhân xa xứ ảnh 2 Sau giờ tan ca, công nhân lại về quanh quẩn với bốn bức tường phòng trọ

Chị cho biết, ở quê hai vợ chồng với hai đứa con có vài sào ruộng nhưng đất kém màu và liên tục bị hạn hán lũ lụt nên có khi cả mùa làm chỉ được vài tạ lúa không đủ sống trong vài tháng. Không còn đường nào khác, chị đành xa gia đình vào Bình Dương làm công nhân. Hằng ngày thức dậy lúc tinh mơ đi làm đến khi đèn đường sắp tắt mới về phòng. Mỗi khi về đến nhà chị chỉ muốn không suy nghĩ gì và lăn ra nền nhà ngủ. Nhiều lúc muốn gọi điện thoại nói chuyện với con nhưng đã quá khuya. “Mình đi làm khi mờ đất, lúc đó ở nhà chồng con đang ngủ, khi về thì chồng con cũng đã ngủ hết rồi. Nhớ con, thèm được nghe gọi tiếng mẹ nhưng cũng không được. Mỗi lần gọi điện vào thì chồng trách móc không quan tâm đến gia đình”.

Chồng một nơi, vợ một nẻo suốt thời gian dài, may ra chỉ gặp nhau vào ba ngày tết khiến tình cảm vợ chồng chị dần dần tan vỡ. “Hai năm nay gần như không có một cuộc điện thoại nào giữa hai vợ chồng. Mỗi lần về quê lại nghe hàng xóm nói này nói nọ mình cũng chán chỉ muốn ly dị nhưng lại thương hai đứa con nên cố gắng níu giữ”. 

Mệt mỏi vì công việc, chán nản vì hạnh phúc gia đình rạn nứt, chị muốn tìm một nơi nào đó để nghỉ ngơi, xua đi những mệt nhọc cũng như lo toan trong đầu nhưng không có. “Làm ngày làm đêm cả tuần có ngày chủ nhật rảnh muốn đi đâu đó cho khuây khỏa nhưng tìm không ra. Biết đi đâu khi tiền không, xe không, công ty thì không có chương trình gì cuối tuần nên đành ở nhà ngủ. Với lại mệt mỏi cả tuần rồi được ngày chủ nhật nghỉ cũng chỉ muốn ngủ để bù sức thôi”.

Tủi phận công nhân

Chị Ngân (26 tuổi, quê huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) là con thứ ba trong một gia đình nông dân có sáu anh em. Học hết lớp 9, hoàn cảnh khó khăn nên Ngân ở nhà giúp gia đình làm nông một thời gian rồi vào TPHCM làm công nhân, trong KCN Linh Xuân quận Thủ Đức, TPHCM. Mức lương không đủ sống, chị phải xin làm tăng ca thêm mỗi ngày ba đến bốn tiếng mới hi vọng đủ tiền chi tiêu và gửi về quê phụ giúp gia đình nuôi đứa em út ăn học. Vì thế, một ngày chị làm việc 15 tiếng, 7 ngày trong tuần và 30 ngày trong tháng không có một ngày nghỉ.

“Làm ngày làm 
đêm cả tuần có ngày chủ nhật rảnh muốn đi đâu đó cho khuây khỏa nhưng tìm không ra. 
Biết đi đâu khi tiền không, xe không, công ty thì không có chương trình gì cuối tuần nên đành ở nhà ngủ.

Chị Loan tâm sự

Nỗi nhớ nhà, thiếu tình thương, áp lực công việc lúc nào cũng căng như dây đàn khiến chị ước ao có một bờ vai để chia sẻ nhưng thời gian của chị không có để đi giao lưu, kết bạn. Rồi chị quen một người đàn ông trong dãy trọ không lâu thì hai người chuyển phòng “góp gạo thổi cơm chung”. Thiếu kiến thức, hiểu biết về các phương pháp phòng tránh thai nên chỉ sau hơn hai tháng sống chung chị mang bầu. Cuộc sống hai người quá chật vật nên chị quyết định phá thai. “Phát hiện mình có thai ban đầu thì mừng lắm, nhưng sau đó nghĩ mình chưa nuôi nổi mình, bây giờ nuôi con làm sao nổi. Thế là hai người quyết định bỏ đứa con”.

Sau lần phá thai đầu tiên được gần sáu tháng, chị lại phát hiện mình dính bầu, lúc này, thai đã hơn hai tháng chị bàn với người yêu làm đám cưới. Thế nhưng, khi nghe chị muốn giữ lại đứa bé và muốn kết hôn, thì người mà hằng ngày chị vẫn gọi là chồng bỗng biến thành gã họ Sở “quất ngựa truy phong” không một lần liên lạc. Đau đớn vì bị phản bội, chị định về quê rồi sinh con nhưng sợ bố mẹ ở nhà mang tiếng xấu chị lại một lần nữa tìm đến phòng khám tư. “Bất lực, tuyệt vọng khi lần thứ hai bỏ đi đứa con của mình tôi chỉ muốn chết nhưng không đủ can đảm”.

Đặt hết niềm tin vào người yêu nhưng bị phụ bạc, Ngân trở nên hận đời, đề phòng đàn ông, nhưng cuộc sống công nhân ngày đêm đối diện với bốn bức tường khiến chị trở nên trầm lặng. “Buồn chán, cô đơn, tôi muốn tìm cho mình một nơi để xua đi nỗi buồn trong lòng nhưng không biết phải tìm đâu, nơi nào”. 

Trong nỗi cô đơn và hận đời ấy, chị giải khuây bằng những cuộc tình chóng vánh. Chị đã ba lần tìm đến các phòng khám tư để giải quyết hậu quả. “Lần cuối cùng và cũng gần đây nhất, bác sĩ nói tôi khó có khả năng mang thai lại lần nữa. Thế là hết, hối hận cũng đã muộn”. Chị Ngân cố kìm nén nhưng đôi mắt chị đã hoe đỏ, hai hàng lệ cứ thế lăn trên đôi má gầy gò, hốc hác của chị. “Cũng tại mình không có kiến thức, không biết phòng ngừa đúng cách nên mới như thế”. Ngước mắt nhìn quanh bốn bức tường lạnh lẽo của phòng trọ, chị bước ra cửa phòng ngồi nhìn về một nơi xa xăm. Người con gái mới ngoài đôi mươi nhưng đã ngấn những dấu chân chim nơi đuôi mắt.

MỚI - NÓNG