Ngăn chặn tình trạng các Bộ “ôm quyền” khi xây dựng luật

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh QH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh QH
TPO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị thay đổi quy trình làm luật theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính khách quan, tránh việc Bộ nào ra luật cứ khư khư giữ lấy quyền của mình.

Chiều 9/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 41, cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Thường vụ tiếp tục quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay; đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong Luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật, thì quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo quy trình tại 2 kỳ họp và 3 kỳ họp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội là cơ quan đại diện cho Nhân dân, có quyền lập hiến và lập pháp, do đó không thể nói “thay đổi vai” được. Đồng tình cần có sự thay đổi khi làm luật, ông Hiển ủng hộ phương án qua 2 kỳ họp nhưng phải qua 3 lần “lọc”.

Như vậy, khi Chính phủ trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ, sau đó Chính phủ giải trình rồi mới đến thảo luận tại hội trường. Nếu còn ý kiến khác nhau, Chính phủ tiếp tục giải trình, nếu không đồng tình thì có quyền rút toàn bộ dự án luật, còn nếu đồng thuận cao thì biểu quyết thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, chức năng làm luật là của Quốc hội, còn trình luật là của Chính phủ. Đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành, theo bà Ngân, không phải vì sai sót của Bộ Luật Hình sự trước đây mà đổ hết do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Bộ Luật Hình sự đồ sộ lắm, to tát lắm, chuyện sai kỹ thuật dẫn tới ảnh hưởng tới nội dung là việc đáng tiếc và chúng ta đã khắc phục được rồi. Nhưng đừng lấy một việc để phán xét quy trình xây dựng luật”, bà Ngân lưu ý.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội thì có thể thay đổi quy trình, Chính phủ sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của Quốc hội. Khi đại biểu Quốc hội đề xuất những chính sách mới thì Chính phủ phải đánh giá tác động, xem có đưa vào được hay không, rồi chuyển sang cơ quan thẩm tra phản biện và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau đó trình ra Quốc hội. Quy trình sẽ thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn, tăng cường thêm trách nhiệm của cơ quan trình ngay từ đầu.

Như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan, tránh việc Bộ nào ra luật cứ khư khư giữ lấy quyền của mình, sợ mất quyền. “Mục đích của chúng ta là sửa rồi thì phải nâng cao chất lượng và tăng cường tính phối hợp trong quá trình xây dựng luật cho tới cuối cùng. Chính phủ vẫn theo tới cuối cùng và cơ quan thẩm tra cũng phải bám sát ngay từ đầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chốt phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đừng có nói “sân anh, sân tôi” để khắc phục tình trạng cục bộ và lợi ích nhóm. Do vậy, phải phát huy trách nhiệm tất cả các cơ quan, từ cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan góp ý kiến vào văn bản của các Bộ, ngành, rồi cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra… và đại biểu Quốc hội sẽ là người quyết định cuối cùng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.