Ngăn ngừa, xử lý sự cố công trình tại TPHCM: Thua từ A đến Z

Ngăn ngừa, xử lý sự cố công trình tại TPHCM: Thua từ A đến Z
TP - “Cơ quan quản lý nhà nước chỉ xử phạt, thống kê khi báo chí đưa tin về sự cố; ý thức của chính quyền địa phương còn bất cập, cần có sự hướng dẫn và quy trách nhiệm cụ thể…”.
Ngăn ngừa, xử lý sự cố công trình tại TPHCM: Thua từ A đến Z ảnh 1
Sập nhà đang xây dựng ở huyện Hóc Môn làm một người chết, hai người bị thương  Ảnh: Hồng Hạnh

Đó là thừa nhận của UBND TP xung quanh công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 Biết muộn, xử lý cũng muộn

Ông Nguyễn Thành Tài – Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết hầu hết các sự cố (SC) xảy ra, cơ quan quản lý xử phạt, thống kê khi có báo chí đưa tin. Thông thường, khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, cơ quan quản lý chỉ bắt đầu vào cuộc khi được cơ quan điều tra bàn giao lại hiện trường, nên không kịp thời trực tiếp xử lý sự cố mà chỉ có những thông tin được cơ quan điều tra cung cấp.

“Điều này cho thấy ý thức báo cáo SC của chính quyền địa phương còn bất cập, cần hướng dẫn và quy trách nhiệm cụ thể. Ngoài ra, cần phân định rõ việc phối hợp điều tra SC giữa cơ quan điều tra và chính quyền” - Ông Tài nói.

TS Nguyễn Văn Hiệp – Phó Giám đốc Sở Xây dựng (XD), cho biết các quy định hiện hành đều giao trách nhiệm cho lực lượng thanh tra xây dựng phường, xã kiểm tra việc xây dựng không phép, sai phép tại địa phương. Trong khi đó, năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao của lực lượng này vẫn còn nhiều bất cập.

Xây thế nào cũng được

Thi công bát nháo, công tác hậu kiểm cũng kém. Lãnh đạo Sở XD cho biết, số lượng các đơn vị được phép hoạt động kiểm định ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, dễ xảy ra tình trạng kết quả kiểm định không đánh giá đúng thực chất chất lượng, mà chủ yếu là làm hài lòng chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công

Trong một báo cáo gửi Bộ Xây dựng mới đây, UBND TPHCM thừa nhận SC xảy ra hầu hết tại các công trình xây dựng tư nhân.

Tại các công trình chủ đầu tư ngoài ngành xây dựng, do không có năng lực chuyên môn, bị phụ thuộc vào tư vấn giám sát, quản lý dự án, nhà thầu thi công nên thiếu chủ động kiểm tra, kiểm soát quá trình thi công, trong khi, theo quy định, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về sự cố, báo cáo chất lượng định kỳ, kết quả chứng nhận phù hợp chất lượng…

Các vi phạm chủ yếu là thuê tư vấn, nhà thầu thi công không có năng lực phù hợp với loại, cấp công trình, thiết kế và biện pháp thi công không phù hợp, trong khi chủ đầu tư, tư vấn giám sát ít quan tâm phê duyệt biện pháp thi công của nhà thầu.

Ở một số công trình, chủ đầu tư tiết kiệm chi phí, bỏ bớt khối lượng (số lượng mẫu, kết cấu cần kiểm tra, thí nghiệm…) hay một số kiểm định theo quy định buộc phải có hoặc thậm chí ngụy tạo kết quả kiểm định.

Theo thống kê của UBND thành phố, tính riêng trong năm 2008, toàn thành phố xảy ra 14 sự cố công trình, trong đó, có hai SC nghiêm trọng là vụ sạt lở bờ kè bến đò Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cuốn trôi 14 căn nhà, và vụ sập sàn bê tông công trình toà nhà văn phòng khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) làm hai người chết, ba người bị thương.
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.