Ngàn người “mục sở thị” cánh đồng ngô biến đổi gen

Ông Nguyễn Lâm, một trong những nông dân đầu tiên ở Việt Nam trồng giống ngô biến đổi gen.
Ông Nguyễn Lâm, một trong những nông dân đầu tiên ở Việt Nam trồng giống ngô biến đổi gen.
TP - Năng suất của ngô biến đổi gen cũng tương đồng với giống thông thường. Tuy nhiên, ngô biến đổi gen lại kháng được 3 loại sâu bệnh thường gặp trên cây ngô.

Trong chương trình Chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô có khả năng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ, ngày 2/4, cả ngàn nông dân đến từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Long An  đã được “mục sở thị” cánh đồng ngô biến đổi gen do Công ty Dekalb Việt Nam chuyển giao cho nông dân trồng trình diễn tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Điều các nông dân quan tâm nhất là năng suất, thị trường tiêu thụ và chi phí đầu tư. Các kỹ thuật viên của Công ty Dekalb Việt Nam cho rằng thực tế canh tác cho thấy năng suất của ngô biến đổi gen cũng tương đồng với giống ngô thông thường.

Tuy nhiên cái lợi của nông dân đạt được đó là ngô biến đổi gen kháng được 3 loại sâu bệnh thường gặp trên cây ngô là sâu khoang, sâu đục thân, sâu đục trái và khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ do vậy nông dân sẽ giảm chi phí mua thuốc và công bơm xịt thuốc trừ sâu.

Với thâm niên gần 40 năm trồng ngô ở  xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc (Đồng  Nai), ông Nguyễn Hồng Lâm là một trong những nông dân đầu tiên trồng thử nghiệm giống ngô biến đổi gen, nói: “Tôi trồng thử 3 sào ngô biến đổi gen. Nếu như trước đây trồng loại ngô thường, nông dân rất vất vả để xử lý sâu bệnh, cỏ dại và tốn kém tiền mua thuốc sâu và phun xịt. Thì với ngô biến đổi gen, các công đoạn trên đã giảm đi nhiều nhưng năng suất, chất lượng vẫn đảm bảo”.

Theo tính toán của ông Lâm, mỗi hécta nông dân giảm được tiền mua thuốc trừ sâu 600 ngàn đồng, và 300 ngàn đồng cho hai công lao động xịt thuốc. 

Đầu tháng 4/2015, ba giống ngô biến đổi gen của Công ty Syngenta Việt Nam cũng sẽ chính thức đến tay hàng ngàn nông dân cả nước. Ông Ngô Lành, Giám đốc Thương mại Kỹ thuật, Cty Syngenta Việt Nam cho biết, về cơ bản hình thức canh tác giống ngô chuyển gen không thay đổi gì nhiều so với các giống lai thường.

Tuy nhiên, về quy trình canh tác thì có hai điểm khác biệt, đó là không phải phun thuốc trừ sâu đục thân và có thể phun trùm thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate để diệt cỏ tận gốc mà không ảnh hưởng gì đến cây ngô, giúp nông dân canh tác thuận tiện và dễ dàng hơn.

Một lưu ý quan trọng nữa là, do ngô chuyển gen NK66Bt/GT chống chịu với thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate nên bà con cần tránh phun nhầm thuốc diệt cỏ không chọn lọc khác lên ngô chuyển gen, và không trộn lẫn giống ngô chuyển gen kháng thuốc Glyphosate với ngô thường để trồng.

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, với cơ chế kháng bệnh và năng suất, chất lượng cao của ngô biến đổi gen, không chỉ đem lại lợi ích cho nông dân mà còn có thể kỳ vọng góp phần cải thiện sản lượng và chất lượng ngô trong nước, hạn chế tình trạng nhập khẩu ngô tăng mạnh trong thời gian qua, đồng thời bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân nhờ hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu và trừ cỏ.

MỚI - NÓNG