Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh:

Ngân sách, tài sản công 'đang đứng trước hiểm nguy'

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh. Ảnh Mạnh Thắng
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh. Ảnh Mạnh Thắng
TPO - Theo tính toán của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, có tổng cộng 5 tỷ USD ngân sách sử dụng không đúng mục đích, trong khi ngân sách quốc gia mỗi năm có khoảng 50 tỷ USD. Điều đó cho thấy, ngân sách và tài sản công đang đứng trước sự hiểm nguy.

“5 tỷ USD ngân sách được dùng vào những việc linh tinh”

Tại hội thảo sửa đổi bổ sung Luật KTNN năm 2015, Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh thông tin: Chỉ riêng năm 2017 đã có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu, dẫn tới không thể kiểm toán được nội dung theo kế hoạch. Nhiều trường hợp còn chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của KTNN.

Thực tế cho thấy, số kiến nghị kiểm toán không được các đơn vị thực hiện còn cao, gây thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật. “Biện pháp chủ yếu hiện nay KTNN áp dụng là đôn đốc, nhắc nhở. Để khắc phục tình trạng này, cần có những quy định cụ thể hơn về chế tài xử lý khi đối tượng vi phạm”, ông Vinh cho hay.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cũng đồng tình với việc sửa đổi luật để đặt vị trí và hoạt động của KTNN cao hơn nữa. Thậm chí về địa vị pháp lý, hoạt động kiểm toán có giá trị cao hơn Thanh tra Chính phủ. Đặc biệt, theo ông Thanh, mỗi kết luận thanh tra khi được công bố phải gây rúng động. Thậm chí nếu kết luận nặng, người đứng đầu đơn vị được kiểm toán đó phải từ chức.

Cũng tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, mỗi năm KTNN kiến nghị thu hồi, xử lý vi phạm 2 tỷ đô la, ngành thanh tra cũng lên tới 3 tỷ đô la. Như vậy đã có tổng cộng 5 tỷ đô la ngân sách sử dụng không đúng mục đích, trong khi ngân sách quốc gia mỗi năm có khoảng 50 tỷ đô la.

“Nghĩa là 10% ngân sách được dùng vào những việc linh tinh, chưa nói tham ô, chiếm đoạt. Thậm chí khả năng còn trên 10% vì không ai dám khẳng định đã phát hiện hết vi phạm. Điều đó cho thấy, ngân sách và tài sản công đang đứng trước sự hiểm nguy”, ông Thanh nói.

Cần kiểm toán thuế vì thất thoát rất lớn

Đề cập đến đối tượng và đơn vị được kiểm toán, Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh cho biết, về nguyên tắc, ở đâu có tài chính công và tài sản công là ở đó có hoạt động kiểm. Chính vì vậy, luật cần quy định đầy đủ để làm cơ sở kiểm toán. KTNN cho rằng, cần đánh giá, xem xét bổ sung để quát hết đối tượng kiểm toán theo Hiến pháp, nhất là lĩnh vực kiểm toán thuế, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường…

Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh lại cho rằng, không nên mở rộng tràn lan đối tượng kiểm toán. Chính vì thế, ông Thanh không đồng tình với đề xuất kiểm toán cả lĩnh vực thu thuế.

“Với hơn 40 nghìn cán bộ ngành thuế, nếu họ làm không tốt thì kiến nghị chấn chỉnh. Nếu mở rộng tràn lan quá là tự mình làm mất thiêng mình. Mặt khác, với chỉ vài nghìn cán bộ, KTNN không đủ lực để làm. Chúng tôi có hơn 20 nghìn cán bộ ngành thanh tra làm mà có ăn thua gì đâu”, ông Thanh nói.

Theo Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, hiện nay chưa tiến hành kiểm toán lĩnh vực thuế, mà chỉ có đối chiếu thuế. Tuy nhiên, có vụ cũng phát hiện và thu về hàng nghìn tỷ đồng, thất thoát rất lớn.

“Chỉ với một thành phố, như Hải Phòng chẳng hạn, khi kiểm tra vấn đề thu thuế, chúng tôi đã kiến nghị thu về hơn nghìn tỷ đồng trong một năm. Việc kiểm tra đối chiếu thuế chỉ có hơn 10%, còn lại hơn 85% chưa kiểm tra đối chiếu hết. Tuy mới đối chiếu được một tỷ lệ rất nhỏ, nhưng lại thu về ngân sách nhiều nghìn tỷ đồng”, ông Tiên cho hay.

MỚI - NÓNG