Ngăn sông Bến Hải cứu nông dân

Ngăn sông Bến Hải cứu nông dân
TP - Người nảy ra ý tưởng ngăn sông Bến Hải, xây đập dâng tạo nguồn nước, giải hạn cho hàng nghìn héc ta đất, tưới mát ruộng đồng là anh nông dân Trần Công Chức.
Ngăn sông Bến Hải cứu nông dân ảnh 1
Trần Công Chức đang hướng về phía thượng nguồn sông Bến Hải, nơi anh đang quyết tâm ngăn sông mang nước ngọt về tưới mát cho ruộng đồng

Thôn Nam Sơn (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh), quê anh Chức, nằm bên bờ sông Bến Hải nửa lở, nửa bồi.

Sau nhiều lần thuê người khảo sát thực địa, anh Chức đã chọn được địa điểm làm đập dâng ngăn sông Bến Hải tại vùng Bến Than. Vị trí chọn ngăn dòng lại là thác cuối cùng (tính từ thượng nguồn) của sông Bến Hải, nên rất thuận lợi cho việc ngăn đập. Chiều rộng của sông vị trí dự tính ngăn đập chừng 30 m, lúc hạn nhất dòng chảy vẫn có độ sâu hơn 1m.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, ngăn đập dâng với cao trình 2 mét sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy và không gây ngập ở thượng nguồn khi lũ về.

Phía trên đập ngăn sẽ đặt hệ thống máy bơm điện đẩy nước lên độ cao 5 mét rồi chảy vào  một con kênh (dựa vào rãnh thấp của nhiều dãy đồi) có chiều dài 9.000 m, men theo chân các ngọn núi trước khi đưa nước về chứa tại hồ Dục Đức. Từ đây, nước ngọt của sông Bến Hải sẽ được phân phối cho đồng ruộng khô hạn. Tổng chi phí công trình ước tính khoảng 3,2 tỷ đồng.

Anh Chức hiện đã tích cóp được 2,5 tỷ đồng, phần vốn còn lại sẽ tiếp tục huy động từ người thân và các nguồn khác. Theo tính toán, khoảng 6 năm, anh Chức sẽ hoàn đủ vốn đầu tư ban đầu. Nhưng trước mắt để giúp đỡ dân nghèo, anh chưa tính đến chuyện thu thủy lợi phí.

Chức nói rằng, vùng quê này vốn bị tàn phá rất nặng nề bởi chiến tranh, nên đa số người dân có hoàn cảnh khó khăn, họ cần được giúp đỡ để thay đổi cuộc sống.

Lãnh đạo và người dân các  xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy rất hào hứng khi biết Trần Công Chức đang quyết tâm thực hiện dự án độc đáo này.

Ông Hoàng Đức Hòa- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho rằng, ý tưởng xây đập dâng của Chức phù hợp với nguyện vọng của nông dân trong vùng. Đập dâng ra đời sẽ đem lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp đáng kể cho nông dân.

Ý tưởng xây đập dâng của anh Trần Công Chức quá thiết thực đối với đời sống hàng vạn người dân vùng khô hạn nên nhận được sự đồng tình của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh  Lê Đức Yên.

Ông Yên còn đề xuất các cấp tạo điều kiện giúp cho anh Chức thực hiện công trình ngăn sông, đặc biệt là mặt kỹ thuật từ phía Sở NN&PTNT Quảng Trị.

Theo tính toán của nhiều người, mỗi năm khô hạn đã gây thất thu cho 1.600 ha đất nông nghiệp 3 xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm và Vĩnh Thủy khoảng 20 tỷ đồng. Tình trạng hạn mặn kể trên sẽ được cải thiện nếu có đập dâng trên sông Bến Hải.

Công trình thủy lợi của anh Trần Công Chức được thực hiện sẽ mở ra bước ngoặt trong phát triển nông nghiệp vùng thượng nguồn Bến Hải, mang lại lợi ích cho nông dân ba xã hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó còn làm lợi cho điều kiện môi trường, cải thiện cảnh quan du lịch.

Một vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị nhận xét rằng, ý tưởng làm đập dâng ngăn sông Bến Hải để phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp của nông dân “dám nghĩ dám làm” Trần Công Chức là rất hay, nên xem xét ủng hộ.

Chọn vị trí Bến Than trên sông Bến Hải để ngăn sông theo cách của anh nông dân Trần Công Chức tôi thấy là rất khoa học. Nước ngọt được ngăn từ thượng nguồn dẫn về tưới cho vùng hạ lưu là hợp lý. Vì lý do nào đó nên Nhà nước chưa thực hiện được, bây giờ một anh nông dân dám đứng ra làm việc này tôi hoàn toàn ủng hộ.   

(Tiến sĩ  Hoàng Phước - Nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi tỉnh Quảng Trị)

MỚI - NÓNG