Ngàn tỷ gửi ngân hàng, vì sao dân vẫn khát?

Dự báo mùa hè năm nay, nhiều khu vực dân cư Hà Nội vẫn phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch.
Dự báo mùa hè năm nay, nhiều khu vực dân cư Hà Nội vẫn phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch.
TP - Các Cty cung cấp nước sạch ở Hà Nội có tiền dư gửi ngân hàng hàng tỷ đồng nhưng lại luôn đẩy khách hàng vào tình trạng nơm nớp lo mất nước, thiếu nước. 

Có nghìn tỷ gửi ngân hàng

Việc cung cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội lâu nay do 4 Cty đảm nhiệm, gồm: Cty nước sạch TNHH MTV Hà Nội, Cty CP kinh doanh nước sạch Viwaco; Cty nước sạch Hà Đông và Cty cấp nước Sơn Tây. Các Cty này cung cấp cho khoảng 1.152.000 hộ dân, tương đương 4,6 triệu người.

Trong 4 Cty trên, Cty TNHH MTV nước sạch Hà Nội (gọi tắt Hawaco),  giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất và kinh doanh nước sạch hiện nay của Hà Nội. Hawaco hiện quản lý sản lượng khoảng 617.000 m3/ngày đêm trong tổng sản lượng 963.304m3/ngày đêm. Được thành lập theo mô hình Cty mẹ - Cty con vào năm 2008, Hawaco có địa bàn kinh doanh lớn nhất hiện nay.

Trong năm 2016, Hawaco có hơn 2.300 lao động với mức lương bình quân trên 9,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, Hawaco đặt mục tiêu doanh thu tiền nước là trên 1.753 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 vừa được Cty này công bố thì doanh thu bán hàng tiếp tục tăng từ 1.576 tỷ đồng lên 1.852 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 206 tỷ đồng lên 230 tỷ đồng. Tổng tài sản tính tới cuối năm 2016 là 5.185 tỷ đồng. Tại bản báo cáo tài chính ngày 31/12/2016, Hawaco có tổng cộng 1.052 tỷ đồng dưới dạng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn và không kỳ hạn (tăng mạnh so với 840 tỷ đồng thời điểm đầu năm).

Một đơn vị kinh doanh khác là Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco). Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2005, với số vốn điều lệ là 80 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính tại Đại hội cổ đông vừa qua, trong năm 2016 tổng doanh thu của Cty này  trên 515 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 90 tỷ đồng, còn tiền đầu tư là 112,8 tỷ đồng. Kế hoạch đề ra trong năm nay dù doanh thu và lợi nhuận giảm hơn so năm 2016 nhưng số tiền bỏ vào đầu tư lại tăng “khủng” trên 324 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chi trả cổ tức ở mức 30%.

So với hai Cty trên, Cty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Đông thuộc diện “đàn em” khi địa bàn và lượng khách hàng ít hơn. Trong năm 2017, Cty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Đông có tổng doanh thu là 260 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế là trên 1,3 tỷ đồng…

Thua thiệt khách hàng chịu

Mới đây, Cty CP Viwaco – đơn vị hiện đang quản lý vận hành hệ thống cấp nước cho người dân ở khu vực phía Tây Nam Thủ đô ra thông báo về việc hạn chế phát triển khách hàng mới. Lý do mà Cty này đưa ra để từ chối khách mới là do trong mùa hè này sản lượng nước sử dụng sẽ tăng cao trong khi lượng nước và áp lực nước cấp có giới hạn. “Hiện chúng tôi đang cung cấp nước cho trên 150.000 khách hàng với địa bàn rộng, nhưng thực tế nguồn nước cấp với công suất, áp lực không đảm bảo nên việc hạn chế phát triển khách hàng mới trong mùa hè này là đương nhiên”, vị cán bộ Viwaco nói.

Ngay cả giải pháp mà phía doanh nghiệp kinh doanh nước đưa ra là xây dựng các  trạm tăng áp nhằm đảm bảo ổn định nguồn nước trước việc công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận không đạt thì khách hàng cũng bị thua thiệt.

“Về nguyên tắc hợp đồng, họ kinh doanh bán nước thì phải đảm bảo nguồn nước cho khách hàng. Việc lắp đặt các trạm bơm tăng áp nhằm hỗ trợ cho việc công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận không đạt thì đáng ra họ phải bỏ tiền để đầu tư nhưng đằng này các khu chung cư cao tầng mua nước của Viwaco cũng phải bỏ tiền ra để cùng họ đầu tư các trạm tăng áp. Khi chúng tôi thắc mắc họ bảo muốn đủ nước dùng thì phải đóng góp mà số tiền này không phải nhỏ, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng”, một chủ đầu tư khu chung cư cao tầng ở quận Hoàng Mai tiết lộ.

Trong bản hợp đồng ký kết với khách hàng mua nước, các Cty kinh doanh nước sạch đều nêu quyền và nghĩa vụ của hai bên. Nhưng khi xảy ra sự cố mất nước thì khách hàng không biết kêu ai. “Về trách nhiệm với khách hàng khi liên tục xảy ra vỡ đường ống gây mất nước, thay vì phải bồi thường cho khách hàng thì các doanh nghiệp này cho rằng đây là sự cố khách quan, bất khả kháng, không ai mong muốn. Nhưng thực tế đây là lỗi từ đơn vị cung cấp dịch vụ, không thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng thì người dân có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại”, luật sư Nguyễn Bá Sơn, Văn phòng Luật sư Phidenson Việt Nam phân tích.

Một vị cán bộ thuộc Ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội) cho rằng, những bất cập trên thành phố cần phải sớm giải quyết để đảm bảo cấp nước cho người dân trong mọi tình huống. “Tôi được biết, trong 5 năm tới sẽ cổ phần hóa toàn bộ các Cty kinh doanh nước sạch. Hiện các Cty này dưới sự quản lý trực tiếp của thành phố và đang làm thất thoát 21% nước nhưng nếu chuyển sang các Cty cổ phần quản lý, có thể chỉ thất thoát 9% nước. Đặc biệt là đảm bảo hiệu quả cung cấp nước cho người dân cũng như tiết kiệm được nước sạch, xóa được việc kinh doanh một mình một chợ như hiện nay của họ”, vị này nói.

Các chuyên gia ngành nước cho rằng, vì liên quan đến quyền lợi của người dân, của khách hàng rộng lớn nên việc triển khai dự án đường ống số 2 dẫn nước sông Đà về Hà Nội phải tiến hành khẩn trương chứ không để cho doanh nghiệp khởi công xong để đấy mà không biết bao giờ hoàn thành: “Nếu phụ thuộc vào doanh nghiệp, chờ doanh nghiệp là chết. Cái này Hà Nội đã nhìn ra và phải có những hành động quyết liệt thì mới đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.