Ngang ngược và vô lý

Ngang ngược và vô lý
TP - Hỏi thăm đường vào nhà ông Lê Vinh, một bà cụ ở Lý Sơn thốt lên: “Cái thằng Vinh đen làm biển cả đời không đủ nộp cho Trung Quốc”. Tàu ông Vinh đã bị Trung Quốc phạt tiền 4 lần.

21 ngư dân Lý Sơn vẫn bị Trung Quốc giam ở Hoàng Sa

Ngang ngược và vô lý

>Yêu cầu Trung Quốc thả ngay 21 ngư dân Việt Nam
>21 ngư dân bị Trung Quốc bắt: Lại đỏ mắt người thân

Trăm lần bị bắt

“Trời, tôi làm gì có nhà to như họ. Mấy chục năm đi biển thì bị Trung Quốc bắt cả trăm lần, bị phạt 4 lần, lần này Trung Quốc đòi phạt lần thứ 5 nữa coi như bán nhà luôn cho xong” - trong căn nhà tối om, lập loè ngọn đèn dầu đỏ quạch, ông Lê Vinh, chủ con tàu đang bị Trung Quốc bắt nói. Theo ông Vinh, tàu ông đã hàng trăm lần bị lực lượng trên tàu tuần tra Trung Quốc bắt và lục soát tại Hoàng Sa. “Mình ra đó đánh bắt, vừa khẳng định chủ quyền nên phải chấp nhận chuyện bị rượt đuổi như là cái nghiệp”.

Những năm trước, ông Vinh giao tàu cho ông Bùi Kiến Tín làm thuyền trưởng, còn lần này giao cho người cháu là Lê Lớn (43 tuổi) cầm lái, đưa 10 ngư dân đi Hoàng Sa làm nghề lặn đêm.

Ở Hoàng Sa thời gian gần đây số vụ Trung Quốc bắt giữ ngư dân có giảm, chủ yếu là chặt phá dây neo, hút dầu, thu giữ ngư lưới cụ, xịt nước, bắn đạn cháy vào ca bin tàu gây tâm lý kinh sợ cho ngư dân. Vậy nhưng, đùng một cái, tàu của ông và của thuyền trưởng Trần Hiền với tổng cộng 21 ngư dân đã bị phía Trung Quốc bắt nhốt tại đảo Phú Lâm từ ngày 3-3-2012. Hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục đòi tiền phạt 70 vạn tệ.

Ông Vinh ngồi tính: Năm 2000, tàu của ông bị Trung Quốc bắt giữ lần đầu tiên và gia đình ông đã phải chạy vạy 70.000 NDT để nộp. Năm 2004, Trung Quốc lại bắt tàu, ông lại phải chạy nộp phạt tiếp 50.000 tệ. Qua năm 2005, tàu ông lại bị phạt 50.000 tệ. Tưởng chừng tai họa bấy nhiêu là đủ, ai dè tiếp sang năm 2009, Trung Quốc lại bắt tàu và ông lại phải nộp 70.000 tệ nữa.

Những ngày đầu tiên nghe tin tàu bị bắt, gia đình ông Vinh luôn giữ bình tĩnh. Nhưng rồi ông cũng đứng ngồi không yên khi ngày nào vợ con của các ngư dân Đặng Văn Tươi, Bùi Văn Lan...cũng kéo tới căn nhà xập xệ của “ông chủ” tàu gặng hỏi: “Liệu mình không nộp tiền họ có nhốt luôn cha của sắp nhỏ không cho về...?”.

Nhớ những ngày ở Phú Lâm

Ông Vinh không thể quên câu chuyện mà các ngư dân tường thuật lại trong lần bị bắt vào ngày 14-2-2009. Lần đó, tàu QNg 66101 TS của ông đang hành nghề ở khu vực gần Hoàng Sa thì bị tàu ngư chính của Trung Quốc màu trắng, mang số 308 bắt giữ. Tất cả các ngư dân bị buộc giơ tay lên đầu, dồn về mũi tàu. 15 kiểm ngư Trung Quốc nhảy qua tàu ngư dân lục lọi, đập phá mọi thứ. Các ngư dân động viên nhau bình tĩnh, vì chuyện bắt bớ, săn đuổi đã gặp như cơm bữa.

Thuyền trưởng và 7 thuyền viên bị bắt qua tàu ngư chính, chỉ 3 ngư dân ở lại tàu. Tàu ngư chính kéo tàu ông Vinh về đảo Phú Lâm. Vừa vào cảng, 10 ngư dân Lý Sơn đã gặp ngay đồng hương cũng bị bắt giữ tại đây, đó là 2 tàu QNg 96154 TS của ngư dân Đặng Thu (Lý Sơn) và tàu cá QNg 95031 TS của ngư dân Nguyễn Lự (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). Ông Lự rớt nước mắt kể lại, khi nghe biển động, ông hộc tốc đưa 12 ngư dân chạy tránh gió thì bị phía Trung Quốc vây bắt. Đây là lần bị bắt thứ 2. Trước đó, ông Lự đã bị Trung Quốc bắt và phạt 50.000 NDT. Ngôi nhà ông giờ vẫn là túp lều tạm ở quê.

Tất cả các ngư dân bị bịt kín mặt bằng túi vải đen khi đưa về nhà giam. Lần lượt các thuyền trưởng bị gọi lên lấy khẩu cung. Ngày 16-2, các thuyền trưởng nhận được quyết định xử phạt tiền 50.000 NDT/tàu. Cái mà Trung Quốc biến thành cớ để phạt ngư dân là “vi phạm luật ngư nghiệp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”. Một việc làm ngang ngược.

Địa chỉ mà ngư dân phải nộp tiền qua cho Trung Quốc là số 035, đường Giải Phóng Tứ - TP Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Người nhận tiền là Fu - Zhu. Địa chỉ ngân hàng đơn vị: Số 15, đường Đông Hà Tây, TP Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Số tài khoản 780166020005704.

Phía Trung Quốc đã đưa cho các ngư dân số điện thoại 0898-66835966 và 66765528 để điện về Việt Nam cho người thân gởi tiền chuộc người. Dù gia đình các ngư dân đã gởi tiền chuộc qua, lực lượng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục xuống tàu tịch thu toàn bộ ngư lưới cụ của các ngư dân, gồm: 4.000 lít dầu, 3 định vị, 1 máy dò cá, đồng hồ đeo tay, bình ga, lương thực, thực phẩm...trị giá 200 triệu đồng.

Bà Đinh Thị Hợi, mẹ thuyền trưởng Trần Hiền héo hon vì con đang bị giam cầm ở Hoàng Sa
Bà Đinh Thị Hợi, mẹ thuyền trưởng Trần Hiền héo hon vì con đang bị giam cầm ở Hoàng Sa.

Sạt nghiệp

Bị bắt giữ và tịch thu tài sản liên tục, ông Lê Vinh cho biết, nợ nần ngày càng chồng chất. Nợ chủ nậu, nợ xăng dầu, đá lạnh hàng trăm triệu. Ông Vinh dự tính, nếu chuyến này mà Trung Quốc phạt tiền hay thu tàu thì coi như ông bán nhà là cái chắc. Bởi chỉ trong vòng mấy năm đã bị Trung Quốc phạt 240.000 NDT. Trong đó có 3 lần phạt có biên bản được lập rất vô lý từ phía họ, còn một lần phạt chui, không giao biên bản cho tàu cá của ông.

Những ngư dân đi trên tàu của ông Vinh, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ngư dân Nguyễn Dư (SN 1968) bị Trung Quốc bắt. Cả gia đình ông Dư buồn rầu vì chồng bị giam giữ.

Gia đình ngư dân Đặng Văn Tươi (26 tuổi) cũng rất khó khăn. Vợ con thường xuyên đau ốm. Không có tiền làm nhà, anh Tươi đành tá túc nhà vợ trong cảnh mùa đói, mùa no. Thấy đội ngư dân đi tàu của ông Vinh đều trẻ tuổi, sức lặn tốt nên anh Tươi bám theo, bây giờ lại phải chịu cảnh giam cầm.

Ông Vinh cho hay, ngày nào vợ con anh Tươi cũng tới bày tỏ băn khoăn về số phận chồng con. Bởi những ngày qua, phía Trung Quốc chỉ liên lạc thông qua điện thoại của vợ ngư dân Trần Hiền. Còn phía ông thì hầu như bặt thông tin.

Yêu cầu Trung Quốc thả 21 ngư dân và phương tiện vô điều kiện

Chiều 10-4, trả lời báo chí, ông Lê Minh Huấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi là tiếp tục cùng với các bộ, ngành Trung ương đấu tranh bằng con đường ngoại giao với phía Trung Quốc để thả 21 ngư dân và trả 2 tàu cá của ngư dân Lý Sơn vô điều kiện.

Được biết, tàu QNg 66074 TS của anh Trần Hiền (SN 1980) và tàu QNg 66 101 TS của ông Lê Vinh đều ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) bị phía Trung Quốc bắt giam ở đảo Phú Lâm ngày 3-3-2012 khi đang hoạt động đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa. Thời gian qua, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh đã quyên góp hỗ trợ cho gia đình chủ tàu và 21 ngư dân gần 200 triệu đồng để bước đầu ổn định cuộc sống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.