Ngập lụt là hậu quả của sai lầm chiến lược

Ngập lụt là hậu quả của sai lầm chiến lược
TP - PGS-TS, KTS Trần Trọng Hanh (ảnh), Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam (nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội) trao đổi với PV Tiền Phong bên lề kỳ họp HĐNDTP Hà Nội, sáng qua.

>> Mùa mưa bão 2010: Bão ít, cường độ mạnh hơn

Quy hoạch đô thị đang bộc lộ nhiều yếu kém, chỉ một trận mưa bất thường cũng làm cho phố xá ngập úng nghiêm trọng. Phải chăng những giải pháp Thành phố thực hiện trong thời gian qua chưa có kết quả cụ thể?

PGS-TS, KTS Trần Trọng Hanh
PGS-TS, KTS Trần Trọng Hanh.

Tôi cho rằng đó là hậu quả sai lầm về chiến lược. Nền kinh tế của chúng ta chậm phát triển, khả năng đầu tư cho hạ tầng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Theo quy hoạch Thủ đô mở rộng, với số dân 10-15 triệu thì những vấn nạn như vậy sẽ ngày càng gia tăng. Bên cạnh hạ tầng yếu kém tại nội thành, còn là vấn đề của 4 triệu nông dân đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất, bị bần cùng hóa.

Úng ngập chỉ là biểu hiện yếu kém cụ thể trong chiến lược phát triển. Nếu không chấn chỉnh, các giám đốc sở ngành dù có thức 24/24 giờ cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Đứng trước hàng loạt vấn đề bức xúc, tắc đường kẹt xe, ô nhiễm chưa được cải thiện..., dường như Thành phố vẫn loay hoay chưa tìm ra lối thoát?

Tôi cho rằng Thành phố phải thay đổi chiến lược, chuyển từ học thuyết phát triển tăng trưởng sang phát triển bền vững. Nếu cứ chạy đua theo tăng trưởng thì những vấn đề nổi cộm về giao thông-đô thị không thể giải quyết được.

Chủ tịch HĐNDTP kết thúc phiên chất vấn về vấn đề này đã đề nghị ĐB nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Còn Thành phố không thấy có gì đột phá: hết bịt lại mở các ngã tư. Phương tiện công cộng bao năm nay chỉ có mỗi xe buýt, tại sao chúng ta ì ạch trong việc đa đạng các loại hình công cộng, như Metro...?

Quy hoạch giao thông công cộng không phải Thành phố không nghĩ đến nhưng có lẽ là lực bất tòng tâm. Các nước phát triển như Pháp vừa qua định chi 32 tỷ Euro nâng cấp giao thông công cộng, nhưng cũng phải cân nhắc.

Chúng ta thu nhập cả nước mới có gần trăm tỷ USD/năm, nếu mơ ước quá xa sẽ dẫn đến những dự án viển vông. Không phải cái gì nước ngoài có mình cũng mang về được, bởi nếu cố làm sẽ dẫn tới bần cùng hóa. Cần hoạch định bình tĩnh, có lộ trình cụ thể.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Thành phố cứ ngồi chờ cho đến khi có GDP cao, thưa ông?

Không phải ngồi chờ mà là tính toán một lộ trình tương ứng với GDP. Chúng ta cũng có thể đi vay nhưng không thể vay mãi được, mà nên chấn chỉnh những dự án hoang tưởng, gây lãng phí tiền bạc để cân bằng tài chính công, cũng như phải huy động từ các nguồn khác để đầu tư.

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

MỚI - NÓNG