Ngập úng vì dự án... chống ngập

Ngập úng vì dự án... chống ngập
TP - Một trong những mục tiêu của dự án đại lộ Đông - Tây, TP.HCM, là chống ngập. Thế nhưng không chỉ gây ô nhiễm, việc thi công còn gây ra tình trạng ngập úng trầm trọng.
Ngập úng vì dự án... chống ngập ảnh 1
Nhiều nhà dân bị ngập triền miên Ảnh: Hồng Hạnh

Được thực hiện bởi các Cty: Obayashi-PS.Mitsubishi JV (OPJV - thi công) và Pacific Consultant International (PCI - tư vấn giám sát) - hai nhà thầu có uy tín của Nhật, thế nhưng từ nhiều tháng nay, việc triển khai dự án đại lộ Đông - Tây đã khiến hàng trăm hộ dân thuộc phường 10, quận 6 (TPHCM) phải sống trong những điều kiện hết sức tồi tệ mà nguyên nhân chủ yếu là do thi công bê bối.

Ngủ phải đeo khẩu trang

Chị Thạch Thị Cảnh Hiệp- Tổ trưởng tổ dân phố 17 bức xúc: “Họ thi công suốt cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày hàng trăm lượt xe tải nối đuôi ra vào, bụi bay mù mịt bám dày trên đồ đạc, quần áo. Mỗi khi nước triều dâng cao rồi rút đi để lại lớp đất dày.

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đến mức nhiều gia đình phải “di tản” người già, trẻ con, người đau yếu. Những người ở lại suốt ngày phải đeo khẩu trang, kể cả lúc đi ngủ. Số người mắc các chứng bệnh về hô hấp ngày càng tăng. Ban đêm, xe nhấn còi inh ỏi, không ai ngủ được”.

Ông Phùng Văn Phú - Chủ tịch UBND phường 10 cho biết có ít nhất 7 tổ dân phố (từ tổ 14 đến tổ 20) với trên 350 hộ dân bị ảnh hưởng. “Nhà thầu thi công đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân nhưng rất thiếu trách nhiệm, không kịp thời khắc phục khiến người dân địa phương rất bức xúc” - Ông Phú khẳng định.

Dự án chống ngập gây ngập úng

Đại lộ Đông – Tây có chiều dài 21,89km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành một tuyến trục giao thông Đông - Tây, kết nối hai đầu Đông Bắc - Tây Nam thành phố, cải thiện hệ thống giao thông nội thị hiện đang quá tải.

Có đại lộ Đông - Tây, các phương tiện giao thông ra vào cảng Sài Gòn để đi và về các tỉnh miền Đông và miền Tây sẽ không phải đi vào trung tâm thành phố, tạo thành mối liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư 660.660 nghìn USD tương đương 9.863 tỷ VND, trong đó vốn ODA 428.276 nghìn USD tương đương 6.393 tỷ VND, chiếm 64,82% tổng mức đầu tư; vốn đối ứng 232.384 nghìn USD tương đương 3.470 tỷ VND, chiếm 35,18% tổng mức đầu tư.

Một trong những mục tiêu của dự án đại lộ Đông - Tây là chống ngập. thế nhưng, không chỉ gây ô nhiễm, việc thi công còn gây ra tình trạng ngập úng trầm trọng.

Theo UBND phường 10, khu vực bị ngập nặng nhất là hẻm 19 Nguyễn Văn Luông (NVL). Mới đây, qua kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện toàn bộ rạch thoát nước tự nhiên của khu vực đã bị san phẳng.

4 hố ga thoát nước cũng chịu chung số phận. Bùn đất đổ bừa bãi đã làm nghẽn cả cống thoát nước. Qua đo đạc của người dân, cửa xả ra rạch Lò Gốm có đường kính 3m nhưng hiện chỉ còn chưa đến 0,5m.

Ngày 26/6, làm việc với Đoàn giám sát HĐND TPHCM, đại diện BQL dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đều thừa nhận những bức xúc của người dân là có cơ sở. Theo ông Huỳnh Ngọc Sĩ - Trưởng BQL dự án, ở khu vực trên, nhà thầu OPJV đang thi công hạng mục cầu Lò Gốm sát khu dân cư.

Do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ nên hạng mục này đang thi công 3 ca/ngày để chạy kịp tiến độ. Hiện nay, đường NVL là tuyến độc đạo ra – vào công trường. BQL dự án đã yêu cầu nhà thầu từ ngày 23/6 phải cho rửa xe khi ra khỏi công trường, thu gom bùn đất rơi vãi ra đường …

Về tình trạng ngập úng, BQL dự án cho biết trước đây khu vực trên thoát nước theo hai hướng tự nhiên. Hiện tại, nhà thầu OPJV đang thi công cọc khoan nhồi của trụ và mố cầu nên phải san lấp, gây hạn chế một hướng thoát nước, gây ngập khi có mưa lớn.

“Chúng tôi xin nhận khuyết điểm là trước đây chưa có thái độ cương quyết đối với nhà thầu” - Ông Sĩ nói.

Ông Nguyễn Minh Hoàng- Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND TPHCM kiên quyết yêu cầu: Trong vòng 10 ngày, phải chấm dứt ngay tình trạng thi công bừa bãi.

Ngoài những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, đời sống sinh hoạt, người dân còn bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do thi công kéo dài, không kinh doanh được. BQL dự án phải có biện pháp chế tài nghiêm khắc và tăng cường giám sát nhà thầu.

MỚI - NÓNG