Ngày chiến thắng & thế giới phi hạt nhân

Ngày chiến thắng & thế giới phi hạt nhân
TP - Sáng mai, 9-5, Nga sẽ kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát xít với màn phô diễn sức mạnh quân sự được xem là lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng trường Đỏ ở Matxcơva.

>>Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ: 1945 và 2010

Tại lễ duyệt binh, lần đầu tiên, tên lửa chiến lược thế hệ mới nhất Topol-M mà NATO gọi là SS-27 Sickle B1 ra mắt. Với tầm phóng 11.000 km, Topol-M được cho là “miễn dịch” với bất cứ hệ thống chống tên lửa đạn đạo nào của Mỹ hiện nay.

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm, Matxcơva cho phô diễn  máy bay ném bom chiếc lược Tu-22M3 Backfire, Tu-160 Blackjack, “gấu” Tu-95MS, Su-25 Frogfoot, chiến đấu cơ MiG-29 Fulcrum, MiG-31 Foxhound… ngay trên bầu trời Quảng trường Đỏ.

Những khí tài tối tân ấy có đe dọa nền hoà bình của thế giới? Hãy nghe tuyên bố của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại lễ kỷ niệm 64 năm chiến thắng phát xít vào năm ngoái: “Nước Nga đã phải trả giá rất lớn để có được Ngày Chiến thắng vĩ đại.

Chúng ta vô cùng trân trọng và nâng niu tương lai hoà bình trên hành tinh này, trân trọng và nâng niu sự bình yên và cuộc sống vững tin vào tương lai. Quân đội Nga phải đủ mạnh và có trình độ chuyên nghiệp cao, trung thành với lý tưởng chính nghĩa và hoà bình”.

Như vậy, tuyên bố của ông Medvedev đã đưa ra thông điệp rõ ràng: Nga phải có đủ sức mạnh và nội lực để đàm phán, cân bằng về hòa bình.

Xin được nhắc lại rằng, hơn 20 triệu người Xô Viết đã ngã xuống, góp phần rất lớn cứu thế giới thoát khỏi thảm hoạ phát xít để có ngày 9-5 với tên gọi chính thức ở Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay là “Ngày Chiến thắng” (Den Pobedy). Vì thế, Ngày Chiến thắng ở Nga còn được gọi là Ngày lễ lệ tràn mi.

Có ai đó đã nói rằng, sau thảm hoạ phát xít, người ta mới hiểu thấu lòng nhân ái của nhân dân Liên Xô. Một dân tộc có truyền thống nhân ái như thế sẽ luôn là niềm tin vững chắc cho những ai yêu chuộng hoà bình.

Còn nhớ hồi tháng 4 năm nay, Tổng thống Nga D. Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Prague (CH Czech) ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược.

Theo đó, trong vòng 7 năm tới, mỗi bên sẽ giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của mình xuống còn 1.550, thấp hơn 30% so với 2.200 đầu đạn theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí phòng thủ chiến lược (SORT) đạt được năm 2002.

Ngoài ra, mỗi bên cũng cắt giảm một nửa số tên lửa, tàu ngầm và máy bay chiến đấu có thể mang đầu đạn.

Với thoả thuận này, Mỹ sẽ có tiếng nói thuyết phục hơn trong việc yêu cầu một số quốc gia, trong đó có Iran và CHDCND Triều Tiên từ bỏ giấc mơ hạt nhân của mình.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở New York  hồi tháng trước, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông khẳng định nước này sẽ không tham gia chạy đua vũ trang hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào và “chỉ duy trì sức mạnh hạt nhân của mình ở mức thấp nhất theo nhu cầu an ninh quốc gia”, đồng thời tiếp tục thúc đẩy tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân quốc tế.

Với những tín hiệu tích cực dồn dập trước ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít năm nay, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một thế giới nhân ái, hoà bình, không có vũ khí hạt nhân, như phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Obama trước hàng chục ngàn người Czech hồi tháng 4 năm ngoái: “Mỹ mong muốn một thế giới hòa bình, an toàn và không có vũ khí hạt nhân, kêu gọi thế giới ngừng hoàn toàn việc thử vũ khí hạt nhân”.  

MỚI - NÓNG