Ngày đặc biệt của tổ bay VN103

Ngày đặc biệt của tổ bay VN103
TP - Đó là một chuyến bay chưa từng có tiền lệ, và đã đi vào lịch sử. Chuyến chuyên cơ mang biểu tượng của sự tiếp nối sự nghiệp huyền thoại của Đại tướng.

> Hành trình tiễn đưa Đại tướng từ Hà Nội về đất Mẹ
>Ngày chưa từng có tiền lệ tại Nội Bài

Việc vận chuyển linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một khâu quan trọng trong lễ quốc tang. Công việc này dự kiến được thực hiện bằng máy bay quân sự vì có cửa lớn.

Tuy nhiên, sau đó, Ban tổ chức Tang lễ chuyển sang phương án sử dụng máy bay dân sự của Tổng Cty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Máy bay ATR 72 với cửa lớn phía trước, khoảng cách từ mặt đất lên cửa thấp, đảm bảo cho việc thực hiện nghi lễ trang trọng. Chuyến bay được đặt số hiệu VN 103.

Điều đặc biệt trong việc bố trí đội bay

Việc lựa chọn đội bay phục vụ trên chuyến chuyên cơ được tiến hành sớm, thận trọng, không thông tin rộng rãi. Trong một cuộc trao đổi hiếm hoi với PV Tiền Phong, anh Vũ Tiến Thắng, cơ trưởng chuyến bay kể: Yêu cầu của Tổng Cty đặt ra là phải chọn một cơ trưởng từng bay máy bay quân sự để phục vụ người anh cả của quân đội.

Anh Thắng đáp ứng yêu cầu đó, vừa là giáo viên bay, Đội trưởng đội bay ATR 72 của Vietnam Airlines. Bản thân anh có một kỷ niệm đặc biệt với Đại tướng: Năm 1976, khi vừa nhập học trường Sỹ quan Không quân (Khánh Hòa), anh được gặp, bắt tay, nghe Đại tướng nói chuyện tại trường. “Đại tướng nói chuyện với lính như người ông, người cha nói với con cháu chứ không phải một thủ trưởng cấp cao” – anh Thắng nhớ lại.

Phi công thứ hai của chuyến bay là anh Phạm Văn Hải. Sinh năm 1982, cũng là cơ trưởng nhưng trong chuyến bay này đảm nhận vị trí cơ phó, Hải nói: “Tôi biết Đại tướng qua các trang sách lịch sử, quý bác như bao thanh niên khác. Việc Tổng Cty bố trí một phi công có kinh nghiệm như chú Thắng và một phi công trẻ như tôi là muốn gửi gắm một điều rằng, những việc mà Đại tướng đã làm sẽ được các lớp người khác nhau học tập”.

Ngoài đội bay chính, chuyến chuyên cơ còn có đội bay và máy bay dự bị. Sau khi biết được bổ sung vào đội bay, phi công Bùi Hồng Trường (sinh năm 1984) chuẩn bị nhiều ngày cho chuyến bay. Có ngày, Trường cùng đồng nghiệp hòa vào dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng đến 11 giờ đêm.

Ngày đặc biệt nhất trong đời

Những ngày chuẩn bị cho chuyến bay cũng là lúc bão số 11 áp sát biển Đông; thông tin về thời tiết luôn được theo dõi từng giờ.

Từ 6 giờ sáng 13/10, ngày cử hành quốc tang, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đến viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia cùng đoàn của lãnh đạo Chính phủ rồi vội vàng ra sân bay Nội Bài kiểm tra lần cuối. Tại sân bay, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh báo cáo thời tiết rất thuận lợi. Ngoài sân bay, chuyên cơ ATR 72 sẵn sàng, giá đỡ linh cữu được đặt sẵn phía trong.

Quang cảnh sáng hôm đó tại sân bay Nội Bài chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành hàng không. Hàng ngàn người có mặt trong sân bay. Lính tiêu binh, quân nhạc, xe pháo được bố trí theo từng khối, nối nhau thẳng tắp. Ngoài hàng rào, hàng vạn người đến tiễn Đại tướng về quê.

Anh Nguyễn Thanh Trúc là tiếp viên từng được phục vụ Đại tướng 2 lần. Lần này, anh phụ trách tổ tiếp viên gồm 3 người trên chuyến bay, có nhiệm vụ đọc bài phát thanh đặc biệt trong hành trình, Trúc kể lại: “Bài phát ngôn thường ngày không được đọc trên chuyến bay, thay bằng bài phát ngôn đặc biệt do Tổng Cty soạn thảo. Trong đó, có lời chia buồn cùng gia quyến Đại tướng”.

Khi máy bay đạt độ cao, bay bằng, thi thoảng, một vài thành viên trong gia đình được phép tiến về phía linh cữu. Suốt chặng bay, các tiếp viên phục vụ đúng theo tiêu chuẩn dịch vụ chuyên cơ. Anh Trúc nói sau khi chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới an toàn, tổ bay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: “Đây là vinh dự, tự hào của tập thể Tổng Cty. Với tôi, đó là ngày đặc biệt nhất trong đời”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG