Ngay ngáy nỗi lo quản lý học sinh dịp hè

Trẻ em miền núi Quảng Nam mưu sinh trong những ngày hè. Ảnh: Trần Tuấn
Trẻ em miền núi Quảng Nam mưu sinh trong những ngày hè. Ảnh: Trần Tuấn
TP - Mùa hè, học sinh nghỉ học cũng là lúc phụ huynh gánh cả trăm mối lo: lo phòng tai nạn thương tích, lo quản con cái sao cho chúng không nhiễm thói hư, lo chỗ chơi cho con trẻ…
Trẻ em miền núi Quảng Nam mưu sinh trong những ngày hè. Ảnh: Trần Tuấn
Trẻ em miền núi Quảng Nam mưu sinh trong những ngày hè.
Ảnh: Trần Tuấn.


Từ tai nạn…

Năm nào ở Quảng Nam cũng có trường hợp học sinh gặp nạn do thiếu nơi vui chơi. Riêng đầu tháng 5, đã có 2 trường hợp học sinh gặp nạn. Em Nguyễn Thị Trinh - học lớp 11 trường THPT Phan Châu Trinh chết đuối tại khu vực thác Ồ Ồ vào ngày 14-5 và em Đặng Văn Sửu - 13 tuổi, trú tại thôn Phú Đông, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ gãy hai chân khi leo trèo dừa.

Tại TP Tam Kỳ có trên 14.000 em nhỏ, học sinh, thiếu nhi nhưng chỉ có một khu vui chơi với hai con vịt đu quay, hoạt động cầm chừng. Vào những ngày cúp điện, khu vui chơi này hầu như không có bóng trẻ em ghé chơi.

Mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 ở TPHCM tiếp nhận hơn 10 trường hợp trẻ em đến cấp cứu vì tai nạn thương tích. Trong lúc ghé qua nhà hàng xóm chơi, Trần Vân Anh, 7 tuổi ở Tây Ninh vịn tay vào cửa sổ và bị điện rò rỉ giật văng xuống đất bất tỉnh. Cháu được chuyển lên BV Nhi đồng 1 điều trị trong tình trạng bỏng độ 3 ở cẳng tay và bàn tay phải.

Tại BV Nhi đồng 1 hôm qua (24-5) cũng có 12 bệnh nhi đang nằm điều trị do bị bỏng, trong đó đa số các em bị bỏng độ 3-4. Khoa cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi ở Bà Rịa- Vũng Tàu bị bỏng độ 4 do té vào nồi nước sôi. Em Nguyễn Hoàng Lan, 10 tuổi ở Long An, bỏng nặng do mẹ bất cẩn đổ nguyên nồi nước sôi lên vai con.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó trưởng Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1 cho biết, ngoài các vụ ngộ độc, bỏng, điện giật, té ngã... tai nạn do ngạt nước ở trẻ vào dịp hè vào viện tăng đột biến. Tại đây mỗi năm có hơn 10.000 ca tai nạn sinh hoạt đến cấp cứu, gần 8.000 ca bị bỏng, hơn 2.000 ca tai nạn khác gồm dị vật, ngộ độc, điện giật, ngạt nước, ong đốt, rắn cắn... Tại BV Nhi đồng 2, theo thống kê mỗi năm cũng có khoảng 8.000 ca cấp cứu tai nạn thương tích ở trẻ, hơn 1.000 ca bị dị vật và khoảng 100 ca tử vong do các tai nạn quá nặng.

Bác sĩ Lưu Đình Trứ- Trưởng khoa Mắt- Tai Mũi Họng và Răng Hàm Mặt- BV Nhi đồng 2 cho biết: Từ đầu năm đến nay, BV tiếp nhận hơn 150 trẻ bị tai nạn dị vật liên quan tai mũi họng, răng hàm mặt và mắt. “Nhiều ca bị mù mắt do dùng ná bắn nhau, có ca bị viêm phổi nặng do nuốt đồng xu, nuốt đinh... vào bụng mà không phát hiện kịp thời, đến khi trở nặng mới đến bệnh viện”- Bác sĩ Trứ nói.

Theo báo cáo của Chương trình phòng chống tai nạn thương tích tại TPHCM, có gần 1.300 ca tai nạn do dị vật ở trẻ em từ năm 2005 đến nay.

Bệnh nhi bị tai nạn thương tích điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: L.N
Bệnh nhi bị tai nạn thương tích điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: L.N.


Đến phạm pháp

Chỉ trong nửa đầu tháng 5, tại Bình Định đã xảy ra 1 vụ giết người và hàng chục vụ cướp giật, cướp tài sản do học sinh gây ra. Một vụ án gây xôn xao dư luận xảy ra trong những ngày học sinh đã thi xong học kỳ 2. Chỉ vì nghi ngờ một học sinh trường THCS Đống Đa - TP Quy Nhơn tán tỉnh bạn gái, Phan Hoài Hảo - học sinh lớp 9 trường THCS Tây Sơn, Quy Nhơn rủ thêm Nguyễn Quốc Cường học cùng lớp và 7 thanh thiếu niên khác, phần lớn là học sinh rượt đâm Hoàng Việt Quảng - học sinh trường THPT Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn) trên đường đi chơi về qua trường THCS Đống Đa.

Quảng chết tại bệnh viện sau đó ít phút. Các đối tượng gây án bị bắt giữ ngay sau đó. Các học sinh này khai đi theo Hảo tìm đánh Bùi Lê Lâm Đồng do Đồng dùng điện thoại tán tỉnh bạn gái Hảo, nhưng lại đâm nhầm em Quảng.

Ngày hôm sau, Công an TP Quy Nhơn lại tiếp tục bắt một nhóm 4 đối tượng tuổi từ 14-17 tuổi, trong đó có Lê Lợi - học sinh trường THPT Trưng Vương- Quy Nhơn - khi bọn chúng bịt mặt, mang 4 con dao Thái Lan chặn đi xe môtô trên tuyến đường mới Quy Nhơn- Sông Cầu để cướp tài sản.

Trước đó không lâu, 2 học sinh là Phạm Thanh Trí - học sinh lớp 12 trường THPT Tư thục Quy Nhơn và Trần Phạm Tiến Duy - học cùng lớp với Trí cũng bị Công an Quy Nhơn bắt giữ về tội cướp giật tài sản. Hai học sinh trên đã gây ra gần 20 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố. Điều đáng nói là cả 2 học sinh này vờ xin cha mẹ cho đi học thêm, và lợi dụng khoảng thời gian “học thêm” để gây án.

Nhớ lại thời gian đầu hè 2009, tại Bình Định học sinh cũng đã gây ra 3 vụ giết người và nhiều vụ cướp tài sản khác, chưa kể những vụ đánh nhau, trộm cắp. Hầu hết những vụ án trên, đều do học sinh lớp 9, 10 gây ra. Sở dĩ học sinh gây án trong thời gian này gia tăng, theo nhiều giáo viên, một phần do đã thi xong, nhà trường và phụ huynh lơ là trong việc quản lý.

MỚI - NÓNG