Ngày quốc tế “quyền được biết”

Ngày quốc tế “quyền được biết”
Hôm 28-9 vừa qua, nhiều nước trên thế giới đã long trọng tổ chức ngày quốc tế “Quyền được biết” (International right to know day) lần thứ tư.

Ngày này, theo FreedomInfo.org, là để “nâng cao mức hiểu biết của mỗi cá nhân về quyền được tiếp cận các thông tin do chính phủ nắm giữ, xem các quan chức được bầu lên đang hành xử như thế nào với quyền hạn của họ và xem đồng tiền của người dân đóng thuế được chi tiêu như thế nào”.

68 quốc gia hiện đã ban hành luật về quyền được thông tin (FOI), mà từ năm 1946 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên cáo là “một quyền cơ bản của con người và là nền tảng cho mọi quyền tự do mà LHQ đã tôn vinh” (nghị quyết 59 ngày 14-12-1946).

Trong thực tế, chưa hẳn có luật FOI thì các công dân đã có Quyền được biết. Các tác giả của cẩm nang “Implementing Access to Information: practical guide for operationalising freedom of information laws” (Cẩm nang thực thi tiếp cận thông tin) vừa xuất bản, khuyến cáo:

“Tự thân luật pháp chẳng làm được gì mấy trong việc làm biến đổi một môi trường cai trị khép kín thành một xã hội mở. Những nền văn hóa bảo mật cửa quyền thâm căn cố đế, những chế độ pháp lý không nhất quán, những hạn chế đặt ra bởi hệ thống và thủ tục, cùng sự thiếu hiểu biết về luật pháp của các viên chức, là những rào cản cần phải vượt qua trên con đường đến tính công khai” (Cẩm nang, tr.2).

Các tác giả thừa nhận: “Ngay cả khi một đạo luật FOI đã được quốc hội thông qua, thì nơi các quan chức cao cấp và giới lãnh đạo cũng chỉ thực thi một cách yếu ớt mà thôi. Sự thiếu quyết tâm chính trị đó sẽ hủy hoại luật này bằng các thông điệp mâu thuẫn với nhau gửi đến những người có trách nhiệm thực thi luật này” (Cẩm nang, tr.5).

Hậu quả của thứ “văn hóa bảo mật” là gì? Các tác giả phân tích: “Bản năng giữ rịt thông tin thường mọc rễ trong những môi trường bảo mật cho phép các quan chức trở nên “bất khả xâm phạm”, chẳng phải giải trình gì với ai, chính là một khó khăn cần vượt qua. Những nền văn hóa bảo mật đó làm chậm bước mở cửa của xã hội” (Cẩm nang, tr.5).

Để giải quyết vấn nạn này, các tác giả khuyến cáo: “Trừ phi các nhà lãnh đạo tuyên cáo rõ ràng và lập ra những hệ thống “mở” thích hợp, các quan chức vẫn còn bất cần đến quyền được thông tin như là một ưu tiên trong công việc hằng ngày của họ. Thành ra các bộ trưởng, dân biểu quốc hội, quan chức cao cấp phải tích cực nhìn nhận quyền được thông tin này và hậu thuẫn một cách rõ rệt cho việc tiến tới một chế độ thông tin mở”.

Trong thực tế, ngay cả những nước thuộc loại “thâm căn cố đế bảo mật và quan liêu cửa quyền” cũng đang chuyển dịch theo hướng một xã hội mở thông tin. Tháng mười hai năm ngoái, tổng thống Azerbaijan đã ký đạo luật thu thập thông tin, theo đó các quan chức phải cung cấp những thông tin nào (30 nhóm thông tin) cho công chúng trong thời hạn bảy ngày sau khi có yêu cầu. Hơn thế, luật này cũng đặt ra một cơ quan công lực giám sát việc thực thi luật này (Baku Today, 26-12-2005).

Ở Jamaica, luật “tiếp cận thông tin” đã được ban hành và có hiệu lực từ bốn năm qua song vẫn còn kẹt bởi đạo luật “bí mật quốc gia” có từ năm 1911. Gần đây, chính Bộ Thông tin nước này đã soạn thảo một dự luật bãi bỏ đạo luật “bí mật quốc gia” này (Jamaica Gleaner Online, 10-6-2006). Thậm chí ở một nước đang dẫn đầu thế giới về tần số đảo chính là Sierra Leone, quốc hội nước này cũng đang xem xét luật tự do thông tin nhằm lôi ra ánh sáng tình hình tham ô của chính phủ, kích thích phát triển kinh tế và giảm nghèo (Concord Times, 19-6-2006).

Tất nhiên cũng có những nước mà ở đó chính phủ đang đi giật lùi. Trước tình hình đó, tại một số nước đã có những thái độ khác nhau. Ở Bulgaria, tổ chức AIP của các nhà báo, luật gia... mỗi năm đều trao giải “Cơ quan bí mật nhất” cho công sở nào được bầu chọn là “giấu giếm” nhất. Giải thưởng là bức tượng hình ổ khóa.

Tất nhiên, nước nào cũng có những bí mật “thiêng liêng”... Còn thì những tin tức qui hoạch, mua bán nhà đất, chính sách, chế độ, chi tiêu ngân sách, sử dụng công quĩ, đi học nước ngoài, tuyển dụng đề bạt... ở nước nào cũng phải được công khai và đó là tiêu chuẩn để đo lường chất lượng cầm quyền. Bằng không sẽ là “cánh cổng rộng mở” cho tham ô, bất công và bất bình. 

Theo Danh Đức
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG