Ngày trở về Hà Nội

Đoàn quân chiến thắng tiếp quản Thủ đô
Đoàn quân chiến thắng tiếp quản Thủ đô
TP - Như một cơ duyên, đúng dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, một bản thảo viết tay đề tên cố thi sỹ Hoàng Cầm bỗng được tìm thấy trong lưu trữ tư liệu của báo Tiền Phong. Tiền Phong trân trọng giới thiệu bài viết này của cố thi sỹ tài hoa Hoàng Cầm

Việt Bắc đã hoe hoe ngả màu thu sớm. Một gợn heo may lăn tăn qua những tâm hồn đang rạo rực nỗi trở về. Tôi đứng tựa một gốc dâu da bên bờ suối Nậm Thình, đọc lệnh của Tổng cục Chính trị: “- Đoàn Văn công Quân đội là một binh chủng đặc biệt trong những binh chủng đã chiến thắng, sẽ phải có mặt trong cuộc diễu hành vào giải phóng Thủ đô. Từ tuần đầu tháng 9-54 Đoàn phải về đóng quân ở một địa điểm gần ngoại thành cách Hà Nội không quá 20km, ôn luyện những tiết mục đặc sắc nhất để cùng các binh chủng khác hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô và cả miền Bắc, phát huy tinh thần chiến thắng, gây lòng tin trong nhân dân vào một chế độ tốt đẹp của lịch sử dân tộc.


Việt Bắc ngày 31/8/1954 

Đã ký Nguyễn Chí Thanh

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày trở về Hà Nội ảnh 1

Nhà thơ Hoàng Cầm năm 1954. Ảnh: Tư liệu

Tôi bồi hồi xúc động trước viễn cảnh trở về. Trong tư thế người thắng trận, trong tư thế người nghệ sĩ của một dân tộc anh hùng. Ngay sau khi nhận lệnh, tôi cùng các đồng chí ở Cục Tuyên huấn và các nghệ sĩ có tên tuổi trong Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị họp bàn về công tác tiếp quản toàn miền Bắc, chia đoàn Văn công gồm hơn 200 cán bộ, diễn viên và nhân viên kỹ thuật thành ba phân đoàn. Đoàn 1 do tôi làm đoàn trưởng sẽ về tiếp quản Hà Nội, với 2 đoàn phó Đỗ Nhuận và Văn Chung. Đoàn 2 do nhạc sĩ Lương Ngọc Trác với Trọng Loan, sẽ về khu Ba.

Đoàn 3 do nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Vũ Trọng Hối về khu Bốn. Tôi được quyền ưu tiên chọn cho Đoàn 1 những diễn viên ưu tú nhất như Thùy Chi, Kim Ngọc, Mạnh Thắng v.v… Có anh chính trị viên, cấp trên xếp đặt và tôi ưng thuận là Lê Khang, con người rất tốt bụng, biết chăm lo đời sống diễn viên, anh đã từng là người xây dựng và chỉ huy đoàn Văn công trường Lục quân của ta, ở nhờ đất bạn Trung Quốc đến hai ba năm và đặc biệt mặc dầu cũng giáo điều như tất thảy hệ chính trị viên thời bấy giờ anh biết phận sự mình, không bao giờ choán quyền về nghệ thuật của Đoàn trưởng.

Anh chỉ góp ý kiến, điều nào đoàn trưởng không chấp thuận, anh cũng vui vẻ “rút lui ý kiến” ngay, không cậy thế “chính ủy văn công” và bí thư đảng ủy! Nên với anh Lê Khang, tôi rất yên tâm là, sẽ không gặp khó khăn gì về chuyên môn, lại còn trở thành bạn tâm tình với anh ấy nữa.

Ngày 6/9, Đoàn 1 chúng tôi đã đóng quân ở thôn Sấu Giá, cách Hà Nội 18 cây số... Đêm, đứng trên 1 cái gò cao, nhìn về phía Hà Nội, đã thấy bừng lên cái màu sáng xanh xao leo lét nhưng đầy hứa hẹn của những ngày xây dựng hòa bình.

Một tháng liền, chúng tôi ôn luyện - Đơn ca, tốp ca, đồng ca, đại hợp xướng - Múa dân tộc, quạt, lượn, xòe, sạp, nón, riêng về màn quan họ 25 phút, đến đây đã đầy đủ điều kiện về trang phục, nhạc cụ để làm nổi bật một tiết mục dân ca đã từng gây sóng gió trong đêm hai Đại tướng mở tiệc khao quân, mừng công ở rừng Việt Bắc.

Lệnh, đêm 8/10, Đoàn 1 hành quân có vẻ bí mật vào Hà Nội. Xuất phát lúc sâm sẩm tối, đi bộ chừng ba cây số rồi ra đường Hà Nội - Sơn Tây, có xe tải và com - măng - ca đón chưa phải lúc trống rong cờ mở, Đoàn 1 vào đến phố Lý Nam Đế (bây giờ) lúc gần 10 giờ đêm. Không có giường chiếu, hơn bảy chục người trải vải bạt lên nền nhà trống trơ, ngủ một giấc đầy mộng mị chiêm bao. Riêng tôi cứ thao thức.

Đêm nay (8/10/1954) là đêm cuối cùng của một lũ ăn cướp, một lũ quỷ bị đánh gãy cổ, què chân, cụt tay. Chúng sẽ kéo lê cái thân tàn về nước.
Nhưng rồi tôi cũng thiếp đi, có lẽ cũng như giấc ngủ dân Việt sau những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, trong bóng chữ lung linh “Nam Quốc Sơn hà”, trong âm vang của Hịch truyền Tướng Sĩ nhà Trần, trong ba hồi chín tiếng trống vang lừng Bình Ngô Đại Cáo… Sống một đời được một đêm như đêm ấy, được giấc ngủ như giấc ngủ Thơ ấy. Kể cũng là một hạnh phúc hiếm có.

Ngày hôm sau, để cả đoàn nghỉ ngơi tại chỗ và chuẩn bị mọi tư trang cần thiết cho cuộc sống mới sẽ bắt đầu ở Thủ đô một đất nước đại thắng, tôi không ra lệnh cho ai phải làm gì cả. Tôi tìm gặp đồng chí tiểu đoàn trưởng chỉ huy Đoàn quân cảnh.

Mặc dù rất bận những công việc gấp rút trong ngày cuối cùng của đối phương trong một số địa điểm tập kết quân Viễn chinh Pháp, đồng chí tiểu đoàn trưởng vẫn ân cần cho tôi biết chương trình, kế hoạch nhất là “cung cách, tác phong” quân viễn chinh của bại tướng Navarre đang “rút lui có trật tự”.

Âm mưu chúng định phá nhà máy nước, nhà máy Điện đã bị ta vạch ra và phá vỡ. Chúng không thể còn cách gì giở những thủ đoạn hèn hạ để rồi “vĩnh biệt” cái đất thuộc địa giàu có, màu mỡ nhất của chúng từ thế kỷ trước.

Chiều 9/10/1954, tôi được đồng chí chỉ huy Quân cảnh giúp chứng kiến những bước đi thất thểu cuối cùng của những tên lính viễn chinh cuối cùng đi lên cầu Long Biên để rút sang địa điểm tập kết cuối cùng là Gia Lâm rồi tếch xuống Hải Phòng.

Tôi bắt buộc phải vận thường phục, lên chiếc xi-vin (civil = dân sự) đi vòng 1 lượt từ Cầu Giấy, sang Đồn Thủy, qua trại Bảo An binh, qua thành, đường Cột Cờ, lên đến phố Hàng Đậu thì tôi được thả xuống đường, đi tản bộ để quan sát.

Chiều ấy, các phố đều vắng vẻ, chỉ đôi lúc có những xe quân sự của ta hoặc của Pháp qua lại. Ở Hàng Đậu, các nhà dân đều đóng cửa im ỉm, đôi khi có mấy nhà he hé cửa, và bên trong, có những con mắt tò mò ngó ra ngoài đường.

Anh quân cảnh cho tôi biết vào giờ ấy, nhiều nhà có máy khâu đang gấp rút may cờ, chuẩn bị cả khẩu hiệu bằng giấy dán sẵn lên những tấm vải đỏ để ngày mai (10/10) đón “bộ đội Việt Minh” vào. Ôi chao! Tiếc quá, tôi không có máy ảnh và giá như bây giờ, có một cái camera! Để mà ghi những bước chân chiến bại.

Tôi lại không biết vẽ, và bây giờ có nhớ lại thì cũng chỉ biết vẽ bằng chữ. Thật là bại- bại gần như liệt. Cái gân đùi như không chỉ huy nổi hai bàn chân nằm trong đôi giày quá nặng. Mặt mũi thì sớn sác, những bộ râu quai nón những bộ ria vênh vểnh mà trông cũng phờ phạc như vạn bất đắc dĩ phải cắm vào cằm vào mép. Ấy vậy mà cũng những gót giày ấy đã từng đạp lên ruộng lúa, ruộng khoai, đạp lên ngực lên bụng những người phụ nữ Việt Nam đấy.

Lúc này, những ống chân lồng trong những cái quần có túi rộng, ăn dài xuống đến đầu gối, hình như tôi cứ trông thấy nó bủn rủn, xương đang cãi nhau với gân và gân đang rầy la bắp thịt… Lại xin nói. Sống một đời mà được tận mắt nhìn vào những con mắt lờ đờ, tê dại, nháo nhác, ngẩn ngơ, vô hồn của lính bại trận, hàng mi cụp xuống, hai tràng mày như bạc thếch như rụng lông, hình như xấu hổ phải nằm ngang dưới những vòm trán u tối, sầm sì.

Được chứng kiến những bộ mặt ghê tởm và thật đáng thương hại như vậy, âu cũng là cái may mắn hiếm có trong một đời đi cảm nhận mọi nỗi niềm, mọi tình huống, mọi trạng thái của kiếp người trên trái đất có một loài động vật siêu đẳng mà luôn tranh giành nhau, chém giết nhau, tàn hại nhau vì cái bản năng tham lam quá lớn... Chiều ấy, thật quả tôi được no mắt nhìn những bộ mặt người không ra người chỉ vì cái lòng tham độc ác dội từ thượng đỉnh xuống đã làm cho méo mó, nhàu nát một cách thảm hại.

* * *

Đúng 2 giờ sáng ngày 10/10, đồng chí trực nhật đánh thức cả đoàn dậy chuẩn bị cuộc “tiến quân chiến thắng vào Thủ đô”. Nao nức. Rối rít. Bồi hồi. Cạo râu, rửa mặt, chải tóc. Tôi cho phép một số nữ diễn viên thoa nhẹ phấn hồng lên mặt, tô nhẹ son lên môi. Chọn những bộ quân phục mới nhất. Không có bàn là, nhiều cậu có sáng kiến trải quần dưới vải bạt nằm ngủ, sáng dậy, quần phẳng phiu, có “khi” rất thẳng.

Anh trực nhật lôi ở ngoài sân vào mấy đống cành lá xanh rờn, gọi là để anh em tỉa ra gài lên lưới mũ. Tôi lại không cho phép dùng những cành lá xanh non mới mẻ quá.

“-Các cô các cậu nhớ là chúng mình chiến đấu tám năm. Lá ngụy trang cũng phải qua nhiều mưa nắng. Có lá vàng, lá khô với lá xanh. Vài ba mảnh lá khô úa đỏ lác đác trên mũ có lẽ khiến người ta nhìn mà cảm động hơn. Đồng chí trực ban lại phải chạy ra vườn, ôm vào rất nhiều cành lá héo úa. Rồi đến hai cái xe tải, toàn là xe do Liên Xô viện trợ. Tôi yêu cầu hai đồng chí lái xe đi đổi ngay lấy loại xe của quân đội Pháp do mình đoạt được từ chiến dịch biên giới. Các lái xe tuân lệnh, phóng xe đến chỗ đóng quân của Tổng cục Hậu cần. Đến khi xe đã đổi về, mấy cậu đóng đinh hai bên thành xe những tấm vải đỏ, với khẩu hiệu bằng giấy vàng cắt dán: “Hoan hô bộ đội về giải phóng Thủ đô”, tôi yêu cầu bỏ ngay và nói với cả đoàn: “Văn công là một binh chủng. Còn việc hoan hô là của dân. Các em thay ngay bằng 2 hình biểu trưng: âm nhạc và sân khấu – với dòng chữ Văn công quân đội – Thế thôi. Làm ngay đi – Trong 30 phút phải xong”.

Và mọi việc chuẩn bị xong lúc 3 giờ sáng. Tôi chỉ định tất cả 2 xe có 54 diễn viên (ý muốn nhớ mãi năm 54 của thế kỷ bão táp này) nửa trai, nửa gái, gồm cả đoàn trưởng, chính trị viên và hai đoàn phó. Nhạc cụ gồm 4 accordeon, 4 viôlông, 4 ghi ta. Cấp dưỡng đưa lên hai thúng bánh mì kẹp pa tê xúc xích. Cứ đem sẵn đi, đến chỗ tập kết (chợ Mơ) ăn là vừa. Vì đúng 7h30 đoàn quân chiến thắng mới khởi hành cơ mà!

Khi đến chợ Mơ, tôi nhìn đồng hồ mới 4 giờ 20 phút. Vậy mà các đơn vị, các binh chủng hầu hết đã có mặt. Một không khí nhộn nhịp, tưng bừng chưa từng thấy. Ngày giải phóng Lạng Sơn, chiến dịch Biên giới 1950, một số văn nghệ sĩ và một nhóm trong đoàn kịch Chiến thắng lúc bấy giờ như: Mai Văn Hiến, Thanh Tịnh, Đỗ Nhuận, Văn Chung, Lương Ngọc Trác, Thùy Chi, Thúy Cẩm, Kiều Hạnh, Song Kim, Kim Bình với tôi, đoàn trưởng Văn công Liên khu Việt Bắc đã cùng một trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 vào tiếp quản cái thành phố nhỏ nơi biên thùy, không khí cũng rất hào hứng, nhưng so với ngày 10/10/1954, này thì thật như một Hy Mã Lạp Sơn với một đèo Cả.

Ngoài các đơn vị bộ đội, còn rất nhiều người dân khu Chợ Mơ, Tương Mai, Vạn Thái cũng dậy sớm ra hiên nhà trông ngắm bộ đội không chán mắt. Quân cảnh giữ trật tự luôn luôn phải ngăn những phụ nữ, những cụ già, cả thanh niên học sinh cứ xông ra sờ mó quần áo bộ đội. Có bà cụ cứ ôm riết một anh pháo binh bên cạnh chiếc xe chở cỗ pháo 105 ly mà xuýt xoa, khóc mếu.

Chao ôi! Kể từ buổi Trung đoàn Thủ đô rút đi sau cái Tết chan hòa máu đổ, súng ran thay pháo đón xuân tạm để lại Hà Nội cho địch chiếm, 8 năm trời tưởng dài như chẳng có ngày gặp lại nhau, vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại, tưởng như nỗi chết chóc, lìa tan, tàn phá mới hôm qua đấy thôi, sớm nay đã chiến thắng rồi đây, giải phóng rồi đây, cả nước ta, cả thủ đô ta sống lại rồi đây. Không khóc sao được. Không gào thét lên sao được!

Còn nữa

Hành quân về xuôi trong bầu trời đầu thu, đẹp và gợi cảm. Có lẽ các diễn viên cũng như tôi đều ngẩng cao đầu lên trời xanh, hưởng ngọn gió thanh bình không còn vương mùi khói súng và đêm đến, trong lúc tạm nghỉ ở một vài thôn xóm trung du, chỉ còn ngọn lửa ấm tình quân dân, không còn ánh lửa man rợ, khủng khiếp và đáng căm ghét của chiến tranh và tàn phá.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.