Nghề âm công

Nghề âm công
Cái nghiệp vận vào cuộc đời họ không thể dứt ra khi đã một lần khoác áo âm công, đặt đòn khiêng lên vai đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nghề âm công ảnh 1
Lội ruộng khiêng quan tài hàng chục cây số là chuyện thường. Ảnh: Người lao động.

Không chỉ có sự nhọc nhằn, nghèo khó, nghề âm công phải đương đầu với nỗi buồn triền miên.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề khiêng quan tài, nhóm âm công đang ngồi tán gẫu chờ việc ở trước Trại hòm Tường Phước (đường Trần Phú, quận 5 - TP Hồ Chí Minh) vội lảng đi.

Tôi vẫy một bác âm công kiêm nghề chạy xe ôm cạnh đó. Một cuốc xe và ly cà phê khiến bác bớt ngại ngần. Hỏi thăm gia cảnh, tên tuổi, bác chỉ lắc đầu, hồi lâu mới bảo: “Cô cứ gọi tui là bác Tuấn được rồi”.

Tôi thắc mắc về thái độ của nhóm âm công ban nãy, bác trầm ngâm: “Anh em người ta lầm lũi quen rồi, thấy ai hỏi chuyện lại ngại. Hay ho gì công việc này...”

Sống nhờ lộc gia chủ

Bác Tuấn cho biết đã theo nghề gần 20 năm. Công việc ngày có, ngày không. Bác thở dài, chép miệng: “Nói phải tội, không có người “đi” thì tụi tui đói rã ruột”.

Tôi chợt nhớ lại, trong những lần lân la các nhà quàn, trại hòm, tôi nghe những cuộc trò chuyện đầy xót xa. Hôm trước, cũng tại Trại hòm Tường Phước, tôi vô tình nghe một thanh niên nói: “Hôm nay hên, đi hai vong, được 80.000 đồng tiền công, chưa kể lộc. Nhưng gặp đám nhà sang, hàng nặng quá”.

Một bác trạc 50 tuổi than ngắn, thở dài: “Mấy trại quen không có đám, may mà chạy được hai cuốc xe ôm 20.000 đồng. Ngày mai không có vong nào “đi” thì nhà tao toi!”... Sự mong mỏi được lao động là chân chính mà sao quá đỗi bi hài.

Chỉ đoạn đường Trần Phú ngắn này đã có cả đội quân trên 20 âm công. Việc ít, người đông, chuyện tranh giành cũng là lẽ thường. Những thanh niên khỏe mạnh thường được các chủ trại hòm ưu ái hơn, người già yếu chủ yếu nhờ vào mối quen. Lúc có mối quen gọi thì bác Tuấn làm nghề, thời gian còn lại bác xoay đủ việc từ làm thuê, chạy xe ôm. Bác bộc bạch: “Vậy mà cũng chẳng dư được đồng nào”.

Nói về thu nhập, anh Quang ở Trại hòm Công Vĩnh Thọ cho biết: “Tụi tui sống được là nhờ lộc của gia chủ”. Theo anh, lộc nhà giàu, một đám cũng được hơn triệu đồng (chia đều cho khoảng 15 âm công). Lộc ở đám nhà nghèo khó chỉ là những lời cảm ơn da diết của gia chủ.

Chị Lôi Thị Kim Oanh, chủ Trại hòm Công Vĩnh Thọ, cho biết: “Ngoài 15 người có lương cứng hằng tháng, số anh em còn lại, chúng tôi trả công theo đám. Anh em âm công chủ yếu lấy đám nhà giàu bù đám nhà khó. Nhiều đám nhà khó khăn quá, anh em chẳng được bao nhiêu tiền công, tui phải bồi dưỡng thêm”.

Duyên nợ

Như vòng xoáy của cái nghiệp vận vào thân, nguy hiểm, khổ cực và lầm lũi trong nỗi buồn triền miên là vậy mà con cũng nối nghiệp cha.

Anh Phương, con trai bác Ngọc cùng làm ở Trại hòm Công Vĩnh Thọ, bộc bạch: “Những lúc rảnh rỗi em đi theo coi phụ ba được gì không. Thấy mấy chú, mấy bác sống có nghĩa có tình với nhau, tự nhiên em muốn theo nghề”.

Anh Thành, 30 tuổi, 10 năm khoác áo âm công ở Trại hòm Tân Bình, kể: “Tôi làm công việc này lần đầu khi đang là học sinh. Nhà bạn bè có đám, thiếu một vai... Tôi cũng không ngờ, từ đó không thể dứt ra”.

Tôi bảo, nhiều người già đồn rằng, phải có “duyên nợ” mới theo được công việc này. Bù lại, dù nghèo khó, vất vả nhưng khi âm công nằm xuống, linh hồn được siêu thoát...

Thành tán thành: “Coi như sự an ủi giúp mình hoàn thành tốt công việc và không cảm thấy day dứt khi những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn qua đi”.

Mặc cảm

Tiếp xúc hằng ngày với tử thi nên nguy cơ lây nhiễm bệnh ở nghề này rất cao. Lúc nào họ cũng chuẩn bị tinh thần để khi xảy ra hữu sự, đội tập trung đầy đủ và đi ngay.

Bác Ngọc, 55 tuổi, theo nghề đã 35 năm, đội trưởng đội âm công ở Trại hòm Công Vĩnh Thọ, cho biết: “6 giờ sáng động quan thì anh em phải tập trung từ 3 giờ. Có khi 30 Tết dọn mâm cơm cúng lên bàn thờ, chưa kịp thắp nén hương, nhà người ta xảy ra chuyện buồn là phải quáng quàng đi ngay”.

Theo bác Ngọc, mỗi đám có một nỗi vất vả riêng. Những đám mà người mất quê ở xa, quan tài đưa từ thành phố về, một chuyến phải mất mấy hôm. Anh em khiêng quan tài nặng nửa tấn lội ruộng trên chục cây số là chuyện bình thường.

Còn bác Thân ở Trại hòm Tân Bình tâm sự: “Làm” đám người lớn tuổi thì anh em âm công cảm thấy an ủi. Còn với những người yểu mệnh, chết vì tai nạn... thì ai cũng day dứt, bất an.

Tất cả chúng ta, khi đến hết con đường trần gian đều nhờ đến họ - những người làm nghề đưa tiễn. Cái nghề thấm đẫm nỗi buồn nhưng đầy lòng nhân ái.

Vậy mà, chúng ta lại rợn người khi đội quân này xuất hiện. Cái tâm lý bình thường ấy đã khiến những âm công mặc cảm với nghề. Tôi biết, không ai đủ can đảm nói với người lạ rằng: “Tôi làm nghề âm công”!

Theo Bích Hà
Người lao động

MỚI - NÓNG