Nghệ An: Dân đổ xô đi đào cổ vật

Nghệ An: Dân đổ xô đi đào cổ vật
TP - Hàng trăm người dân vào khu vực rừng cao su của nông trường Đông Hiếu đào bới cổ vật. Xã, huyện thành lập tổ công tác tuần tra bảo vệ, nạn khai thác cổ vật tạm lắng. Nhưng gần đây lại bùng lên.
Nghệ An: Dân đổ xô đi đào cổ vật ảnh 1
Nạn đào bới tìm cổ vật xảy ra giữa ban ngày

Chiều 26/4 chúng tôi có mặt tại lô cao su số 2, số 3, chứng kiến khoảng 200 người cầm cuốc, xẻng “khai quật” cổ vật. Trên diện tích rừng hơn 1 ha, nhiều cây cao su bị khoét tận gốc đổ nghiêng ngả.

Đám người săn lùng cổ vật thấy khách lạ xuất hiện nhưng chẳng hề sợ hãi, họ vẫn thản nhiên đào bới.

Chủ lô cao su số 3, ông Hồ Văn Minh kể: “Lô cao su này 15 năm tuổi, khai thác nhựa đã 3 năm nay. Hôm trước, người ta ùn ùn kéo đến đào bật rễ cây tìm cổ vật. Cảm thấy nguy hại cho rừng cây tôi xua đuổi, nhưng chẳng làm gì được đám người hung hãn ấy, đành bất lực đứng nhìn”.

Thanh toán xong lô cao su số 3, đoàn người chuyển sang “làm thịt” lô số 2, để lại hàng trăm hố sâu như bom cày đạn xới.

Nghĩa Đàn đang rộ lên nạn săn lùng cổ vật làng Vạc. Cuối tháng 3/2006, họ lén lút khai thác vào ban đêm, nay ngang nhiên đào bới giữa ban ngày. Nghe nói có người đào được cặp hươu cổ bằng đồng, bán 70 triệu đồng. Nhiều nhất là vòng tay vòng chân bằng đồng, rìu đồng; đồ gốm.

Tại lô rừng số 3, nhiều mảnh gốm cổ niên đại hàng nghìn năm nằm lăn lóc. “Đó là những di vật bị cuốc xẻng đụng vào, làm vỡ. Khung cảnh ở đây hỗn loạn chẳng khác gì nạn đào đá đỏ ở Quỳ Châu mấy chục năm trước” - ông Minh nói.

Năm 1999, làng Vạc từng náo loạn bởi nạn săn lùng cổ vật. Hàng trăm, hàng nghìn di vật của người Việt cổ biến mất khỏi lòng đất. Huyện Nghĩa Đàn tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt, tình trạng lộn xộn mới chấm dứt.

Cuộc “khai quật” ồ ạt năm nay qui mô lớn hơn, không những tàn phá một di chỉ khảo cổ nổi tiếng mà còn đe dọa đến sự sống của rừng cao su.

Bất lực! 

Năm 1999, làng Vạc được Bộ VH-TT cấp bằng công nhận di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia. Khu 1 thuộc xã Nghĩa Hòa, khu 2 thuộc xã Đông Hiếu. Khu vực bị đào xới nặng nhất thuộc nông trường Đông Hiếu (xã Đông Hiếu).

Đối phó với nạn khai thác cổ vật, Chính quyền huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Hòa đã ra chỉ thị tăng cường kiểm tra, bảo vệ. Công an huyện Nghĩa Đàn cử 3 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng dân quân của Nghĩa Hòa tuần tra 24/24h.

Đợt ra quân đầu tiên đã bắt, xử phạt hành chính một đối tượng, nhưng tình hình chỉ vãn hồi được ít hôm.

Tổ công tác của huyện, xã dựng lều, cắm chốt ngay tại rừng cao su nông trường Đông Hiếu, song do lực lượng bảo vệ mỏng nên đành bất lực. Ngày 26/4, tại lô cao su số 2 vẫn có 200 người ngang nhiên khai thác cổ vật, bất chấp nhân viên bảo vệ có mặt ở lô bên cạnh.

Một Công an viên tên Sơn cho biết : “Khi thấy chúng tôi đến gần, họ bỏ chạy. Chúng tôi rút đi thì đâu lại vào đấy”. Tôi đề nghị anh Sơn đến khu vực đang bị đào xới ngổn ngang xem thế nào, quả nhiên thấy bóng bảo vệ thì đoàn người lập tức tản đi.

Ông Minh nói: “Công an thì họ còn sợ, chứ nhân viên của lâm trường Đông Hiếu xuống dân khai thác không thèm để ý. Hôm trước có mấy gã thanh niên dọa tôi: Ông mà láo, chúng tôi bóp chết. Giờ thì tôi chẳng biết kêu ai”. Anh Sơn kể: “Nhiều đêm lực lượng bảo vệ bị ném đá, bắn sỏi bằng súng cao su.

Chính quyền xã Nghĩa Hòa nhiều lần tổ chức họp dân, tuyên truyền việc cấm khai thác cổ vật ở làng Vạc. Nhưng tình hình mỗi ngày một “nóng” thêm. Còn phía xã Đông Hiếu, chẳng lẽ bất lực đứng nhìn di chỉ khảo cổ đang bị “xẻ thịt”?

“Làng Vạc là di tích phát hiện được nhiều mộ táng nhất trong số hàng trăm di tích văn hóa Đông Sơn. Qua 5 lần khai quật, tìm thấy 437 ngôi mộ cổ; 1.228 hiện vật (dao, kiếm, trống đồng, rìu đá…). Làng Vạc là một di tích cư trú - mộ táng văn hóa Đông Sơn có vị trí quan trọng vào bậc nhất nhì nước ta”.

(Trích “Tầm vóc làng Vạc, một trung tâm văn hóa lớn trên lưu vực sông Cả”, GS Hoàng Xuân Chính, Viện khảo cổ học Việt Nam).

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.