Nghệ An: Di dời dân vào vùng… nguy hiểm

Nghệ An: Di dời dân vào vùng… nguy hiểm
TP - Thực hiện di dãn dân năm 1992 có 12 hộ dân tộc Thái ở bản Tân Thiết, xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn được di dời đến chân núi đá Cát Mộng.
Nghệ An: Di dời dân vào vùng… nguy hiểm ảnh 1
Một tảng đá sẵn sàng đổ sập xuống bản Tân Thiết

Đây là dự án di dời 327 do Nông trường Tây Hiếu III làm chủ. Dân được cấp đất ở và đất canh tác, mỗi hộ được nhận 700 ngàn đồng. 14 năm trôi qua, cuộc sống kinh tế của các hộ xem ra vẫn không khá lên được bao nhiêu, tính bình quân thu nhập hàng năm so với toàn huyện Nghĩa Đàn thì họ vẫn là dân nghèo.

Tuy  còn vất vả nhưng ai cũng nghĩ rằng đây là quê hương cuối cùng của mình nên nhiều hộ đã vay tiền ngân hàng xây nhà mong để an cư lập nghiệp.

Rồi cái khổ bắt đầu diễn ra khi các giếng đào lấy nước ăn đều bị ô nhiễm, dân ở đây phải quanh năm đi xa 2 – 3 km để xin nước ăn.

Đặc biệt nguy hiểm hơn là đêm ngày sau những cơn mưa, đá từ trên núi ầm ầm lăn xuống làm cây cối dập nát, tính mạng của 12 gia đình luôn bị đe dọa. Trước hiểm họa đang rình rập, có hộ đã bỏ nhà đi nơi khác, nhiều hộ để mặc nhà tranh vách nát không dám xây dựng.

Sau một trận mưa lớn chúng tôi đến bản mới Tân Thiết, con đường ngoằn ngoèo nhão nhoẹt bùn, khe suối ầm ầm nước chảy từ trên núi đổ xuống. Ông Lương Văn Hoàn - xóm phó đưa chúng tôi lên lèn đá chênh vênh mà 12 ngôi nhà làm quay lưng vào núi.

Nhiều tảng đá to bằng mấy cái nhà nhô ra sẵn sàng lao xuống các ngôi nhà nhỏ bé của dân. Xung quanh các tảng đá đó, mưa xối mòn thành rãnh càng tăng thêm sự nguy hiểm. Ông Hoàn cho biết cách đây không xa là một bãi khai thác đá, mìn nổ liên tiếp gây nên chấn động, kích thích các khối đá rơi xuống ầm ầm như bom trút.

Những đêm mưa to, nhiều nhà đã phải sơ tán đi ngủ nhờ ở làng khác. Anh Hà Văn Truyền chỉ vào gốc cây hòe có đường kính 20cm nói: “Vừa rồi có một tảng đá nhỏ thôi lăn xuống làm cây hòe dập nát chỉ còn gốc. Ở đây đá lăn thường xuyên, đó là các hòn đá nhỏ mà đã đủ sức làm hư hại hoa màu và phá hỏng một số tường nhà”.

Đứng trên  lèn cao hàng trăm mét nhìn xuống các ngôi nhà, cứ nghĩ một khi nào đó có tảng đá to hàng chục tấn lăn xuống thì nhà cửa và tính mạng của người dân sẽ ra sao?

Mang nỗi lo lắng bức xúc của 12 gia đình, chúng tôi tìm đến UBND xã Nghĩa Liên và được biết MTTQ xã đã báo cáo thực trạng ở bản mới Tân Thiết lên cấp huyện. Nhưng dự án tiếp tục di dời  dân đi khỏi nơi nguy hiểm gặp rất nhiều khó khăn, do kinh phí đền bù, đất để cấp không có.

Bây giờ chưa phải lúc chỉ trích phía lập dự án năm 1992 do không nghiên cứu kỹ địa lý nên đã di dời dân vào vùng nguy hiểm, mà điều cấp bách nhất là huyện Nghĩa Đàn và tỉnh Nghệ An cần sớm xem xét để có biện pháp di dời dân bản mới Tân Thiết đi đến nơi an toàn khi hãy còn chưa muộn.

Bài học hàng chục người dân bị chết và hàng chục ngôi nhà bị vùi do núi sập ở phía Bắc, sau đó mới hỗ trợ lập dự án di dời vẫn còn rất mới cho các cấp, các ngành ở Nghệ An.

MỚI - NÓNG