Bão số 5 đang đổ bộ vào Bắc miền Trung

Nghệ An: Mưa lớn, gió mạnh, cả TP Vinh mất điện

Nghệ An: Mưa lớn, gió mạnh, cả TP Vinh mất điện
TPO - Bão số 5 đang tràn vào Hà Tĩnh- Quảng Bình, TP Vinh tuy nằm ở ngoài tâm bão nhưng lúc này chúng tôi vẫn cảm nhận được sức tàn phá của thiên tai. Gío rít từng cơn, mưa như trút.

19h 30', cúp điện, toàn TP Vinh tối om. Điện thoại di động bị nghẽn liên tục. Từ huyện Nghi Xuân, Bí thư Hoàng Đình Hà cho biết lúc 19h 07', ông đang trên đường xuống Xuân Hội, một điểm xung yếu cần phải đề phòng trong cơn bão số 5.

Ông Hà nói: "Đê Hội Thống vẫn an toàn, tuy nhiên mưa rất lớn. Toàn huyện Nghi Xuân mất điện từ lúc 18h chiều nay!".

19h 20', từ huyện Quỳnh Lưu, Bí thư Huyện uỷ Phạm Văn Tấn cho biết lúc này sức gió đã giảm đi. "Mưa thất thường, lúc to lúc nhỏ. Nếu bão vào Hà Tĩnh- Quảng Bình thì Quỳnh Lưu chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra!", ông Tấn nói.

Đến 17 giờ chiều nay, trên địa bàn 2 huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8; các huyện phía Bắc Thanh Hóa gió cấp 5, cấp 6. Lượng mưa không đáng kể, trung bình khoảng 20-30 mm; riêng xã Bát Mọt (huyện Lang Chánh), lượng mưa cao nhất là 90 mm. Tỉnh Thanh Hóa đã tạm ngừng việc di dân ở 2 huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia. Như vậy, đã có 6.100 người dân, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ đã được chuyển đến các điểm tập trung ở trường học, công sở để tránh cơn bão số 5.

Tại "điểm nóng" đê Ninh Phú thuộc xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), xã đã huy động 1.500 người dân, 3.500 m2 bạt chống sóng, 7.000 bao tải đất, cát, 2 máy ủi, đắp bổ sung thêm 2.000 m3 đất đá... để xử lý đoạn xung yếu nhất.

Đến 17 giờ chiều nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa trên diện rộng và gió to. Ở các huyện ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò từ 13 giờ đến 17 giờ ngày 3/10/2007 đã có gió cấp 7, cấp 8 giật cấp 9.

Ở thành phố Vinh và các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành đã có gió cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Cùng với gió, mưa tại Nam Đàn từ 15 giờ ngày 2/10 đến 15 giờ ngày 3/10 đo được 51 mm, Dừa 41mm, Vinh 35 mm.

Nhờ việc chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền tốt, người và tài sản đã được sơ tán triệt để lên các vùng cao an toàn nên đến 18 giờ ngày 3/10 ngoài một vài khu vực trọng điểm bị ngập nước, ở các huyện trên chưa có thiệt hại gì lớn về tài sản, người tuyệt đối an toàn. Hiện tại, nhân dân Nghệ An vẫn trong tư thế chống tránh bão. Người và xe giảm ra đường đến mức tối đa.

Tại Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to, cùng với triều cường, nước dâng cao đã tràn qua nhiều tuyến đê và làm ngập hàng chục ngôi nhà dân. Chiếc tàu mang biển hiệu TH 12/9 của Công ty nạo vét đường biển số II vẫn neo đậu phía trước bến số 1 cảng Vũng Áng đang có nguy cơ bị sóng đánh chìm.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cẩm Xuyên cho biết: đã có gần 40 ngôi nhà ở các xã vùng ven đê Cẩm Nhượng, Cẩm Dương bị nước ngập, có nơi ngập sâu 0,5 mét. Tuyến đê biển tại xã Cẩm Lộc bị sạt lở 200 mét; nhiều tuyến đê khác nước đã tràn qua.

Huyện Cẩm Xuyên đã huy động 200 người đưa 2.000 bao tải, trên 2.000 m2 vải bạt, 10 xe công nông và 2 xe ô tô chở đất, cát khắc phục các đoạn đê bị sạt lở. Nhiều tuyến đê xung yếu ở huyện Lộc Hà cũng bị sóng đánh làm sạt lỡ nhiều chỗ. Huyện Lộc Hà đã huy động nhân dân, lực lượng tại chỗ đưa 9.000 m2 bạt, 19.000 bao tải và gần 30.000 cọc tre, phên tre để gia cố đê và những nơi xung yếu. Tại huyện Kỳ Anh do gió to đã làm 7 ngôi nhà, 2 phòng học và một trạm xá bị tốc mái, hàng chục cột điện bị gãy đổ.

MỚI - NÓNG